Tìm giải pháp xử lý triệt để "hố tử thần" trên đường Lê Văn Lương

Việc rút cọc Larrsen không tuân thủ quy định bắt buộc này của  Cty Sông Đà Thăng Long đã dẫn đến việc mặt đất phía dưới bị rỗng chân, khi có bão kết hợp mưa to kéo dài tạo thành dòng chảy, xói trực tiếp vào chân taluy nền đường gây ra sạt lở đất chân móng đường, cuốn trôi phần nền đáy cống thoát nước, đẩy đi lớp đất phía dưới tạo nên sụt lún...

[links()]Sau vụ xuất hiện “hố tử thần” sáng 19/8 tại đường trục phát triển phía bắc quận Hà Đông - đoạn tiếp nối Lê Văn Lương kéo dài, tính đến 13h cùng ngày, hố sụt lở đã có chiều dài hơn 20m, rộng hơn 30m, sâu hơn 5m.

 

Ngay sau khi nhận được thông tin xảy ra sự cố, Lãnh đạo Cty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đã có mặt tại hiện trường, phối hợp Cty CP Sông Đà Thăng Long và các cơ quan hữu quan kiểm tra tìm nguyên nhân, khắc phục sự cố.

Tại cuộc họp khẩn cấp chiều 19/8 giữa đại diện Sở GTVT Hà Nội, Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án giao thông 2, lãnh đạo Cty CP Tập đoàn Nam Cường và Cty Sông Đà Thăng Long đánh giá về sự cố sạt lở tại Km4+160 đường trục Bắc Hà Đông đã kết luận: Cty Sông Đà Thăng Long cần có ngay các biện pháp tạm thời để khắc phục sự cố, kinh phí và việc thực hiện sẽ do Cty Sông Đà Thăng Long chịu để đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm nhất.

Theo sơ đồ vị trí nơi xảy ra sự cố (kèm theo biên bản cuộc họp), chân móng tầng hầm của tòa cao tầng 108 tầng thuộc tổ hợp chung cư USilk City cách mép vỉa hè khoảng từ 5-6m. Trong khi đó, tại Quyết định 2436/QĐ-UBND ngày 14/12/2007 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) quy định: “Các công trình công cộng và nhà ở cao tầng từ 6 tầng trở lên, xây dựng mới phải lùi vào so với lộ giới đường đỏ tối thiểu 10m”. Như vậy, công trình do Cty Sông Đà Thăng Long đã vi phạm nghiêm trọng chỉ giới xây dựng và đây có lẽ là nguyên nhân gây ra vụ sụt lún trên.

Cũng theo hình ảnh ghi nhận được tại hiện trường, có khoảng 200m chân tường móng tầng hầm không có cọc chịu tải ngang (Cừ Larrsen chắn đất). Theo phân tích của các chuyên gia, với các công trình xây dựng, ngay khi rút cọc cừ, đơn vị thi công phải san lấp, đầm nén để tránh sạt lở và đảm bảo độ bền vững, an toàn của các công trình lân cận.

Việc rút cọc Larrsen không tuân thủ quy định bắt buộc này của  Cty Sông Đà Thăng Long đã dẫn đến việc mặt đất phía dưới bị rỗng chân, khi có bão kết hợp mưa to kéo dài tạo thành dòng chảy, xói trực tiếp vào chân taluy nền đường gây ra sạt lở đất chân móng đường, cuốn trôi phần nền đáy cống thoát nước, đẩy đi lớp đất phía dưới tạo nên sụt lún.

Công trình đường trục phía bắc Hà Đông đã được Tập đoàn Nam Cường bàn giao cho Sở GTVT quản lý, đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội (10/10/2010) và đã giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, giảm tải cho đường Nguyễn Trãi và Quốc lộ 6, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực, nâng cao năng lực hạ tầng kỹ thuật, làm cơ sở phát triển đô thị về phía Tây Nam của TP, đồng thời tạo sự kết nối liên thông giữa khu vực trung tâm thành phố Hà Nội với quận Hà Đông.

Công trình này cũng đã được cấp giấy chứng nhận giám định chất lượng đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và sự phù hợp về chất lượng công trình. Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, kể từ khi Tập đoàn Nam Cường bàn giao tuyến đường đưa vào sử dụng đến nay không xảy ra sự cố nào, sự số sụt lở này là do nguyên nhân khách quan chứ chất lượng tuyến đường là đảm bảo không có vấn đề gì. Được biết, để xử lý sự cố triệt để, 9h sáng qua (20/8), Sở GTVT  triệu tập hội nghị với các bên liên quan để có biện pháp cụ thể trong thời gian sớm nhất.

Đặng Vũ

Đọc thêm