Tìm hướng đi cho sản phẩm bồn bồn Cà Mau

(PLVN) - Từ khi “Sản phẩm bồn bồn Cái Nước - Cà Mau” được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2017 đến nay, sản phẩm này đã luôn khẳng định được thương hiệu của mình bằng việc quản lý chặt chẽ cũng như nâng cao chất lượng trước khi cung ứng ra thị trường.
Cánh đồng trồng cây bồn bồn của người dân trên địa bàn huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Loài cây mọc dại mang lại kinh tế cao

Theo chân người dân, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tìm hiểu về cây bồn bồn do thiên nhiên ban tặng cho xứ Cà Mau. Anh Nguyễn Minh Hòa (ngụ ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) cho biết: “Bồn bồn là loài cây dại mọc tập trung chủ yếu ở huyện Cái Nước và huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Cây có giá trị kinh tế cao, được trồng xen với lúa, tôm, bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm”.

Đến nay sản phẩm bồn bồn đã có mặt rộng khắp ở các quầy, chợ và là món ăn không thể thiếu trong các nhà hàng ẩm thực, quán ăn ở Cà Mau cũng như các tỉnh, thành lân cận, đem lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân.

Chia sẻ về loài cây đem lại giá trị cao này, ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cái Nước cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân với khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha/năm”.

Hiện, Hội Nông dân huyện Cái Nước đã tham mưu UBND huyện xây dựng dự án nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả từ cây bồn bồn với diện tích 154ha kết hợp với nuôi tôm càng xanh. Đồng thời, lên phương án hỗ trợ hợp tác xã trong việc đầu tư cơ sở sản xuất, trang thiết bị, quy trình kỹ thuật chế biến, bảo quản, đóng gói sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu. Cũng như hỗ trợ người dân quy trình, kỹ thuật trồng cây theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Cũng theo ông Đức, kể từ sau đại dịch COVID-19, nhu cầu tham quan của du khách tăng lên, món ăn chế biến từ bồn bồn để phục vụ du khách cũng tăng lên đáng kể.

Người dân ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) thu hoạch bồn bồn, sơ chế thành sản phẩm bồn bồn trắng nõn, lấy phần lõi non mềm ngọt để cân bán cho HTX, thương lái và người tiêu dùng.

Chị Phạm Thị Dung - Giám đốc HTX bồn bồn Minh Duy, ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước thì cho biết, trước kia chị buôn bán bồn bồn nhỏ lẻ, sau đó nhận thấy giá trị bền vững của sản phẩm này trong tương lai nên đã đăng ký chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đăng ký kinh doanh. Sau khi sản phẩm dưa bồn bồn của chị Dung đạt sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2021. Năm 2022, chị đã thành lập Hợp tác xã bồn bồn Minh Duy.

10 năm qua, cơ sở bồn bồn Minh Duy đã nỗ lực không ngừng, hoàn thiện chất lượng, mẫu mã đi đến hướng phát triển bền vững, tăng nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở địa phương, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại tham gia hội chợ, hoàn thiện sản phẩm tham gia sản phẩm OCOP của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Lắm (thành viên Hợp tác xã bồn bồn Cái Nước), hiện nay trên địa bàn huyện Cái Nước có hơn 150 hộ dân trồng bồn bồn tại 4 xã, với diện tích gần 90ha, trong đó tập trung nhiều nhất là xã Tân Hưng Đông với hơn 60ha. Năng suất ước tính khoảng 3 tấn/ha/năm, thu nhập bình quân của mỗi hộ có 5.000m2 đất trồng bồn bồn trung bình từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày.

Năm 2021, sản phẩm dưa bồn bồn của HTX bồn bồn ấp Đông Hưng được tỉnh Cà Mau chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, không chỉ nổi tiếng trên địa bàn tỉnh, mà còn được các quán ăn, nhà hàng, khách sạn và các siêu thị Co.opmart trên cả nước lựa chọn, đưa vào hệ thống cung cấp cho người tiêu dùng.

Để sản phẩm bồn bồn phủ rộng thị trường

Ông Nguyễn Văn Rỡ - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 2 sản phẩm OCOP từ cây bồn bồn. Trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để cho các chủ thể này duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như nâng hạng sao sản phẩm OCOP”.

Sản phẩm bồn bồn Minh Duy đạt OCOP 3 sao được bán phổ biến tại các quầy hàng, trên quốc lộ 1A tỉnh Cà Mau để phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân và khách tham quan du lịch.

Là một trong những người phụ nữ có đóng góp to lớn trong việc “mở đường” cho sản phẩm bồn bồn Cái Nước, bà Trần Thị Thu (Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) đã nỗ lực đưa sản phẩm bồn bồn Cái Nước - Cà Mau đạt chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Vào khoảng năm 2002 - 2003, bà Thu đã cùng những người thân trong gia đình nhổ từng cây bồn bồn về bán cho khách đi đường. Lúc đầu, cây bồn bồn chỉ có giá khoảng 3.500 đồng/kg, đầu ra hạn chế. Tuy nhiên, không nản chí, bà Thu tiếp tục vận động người dân trong vùng làm sản phẩm giới thiệu đến với mọi người. Đến nay, giá dưa bồn bồn đã tăng lên gấp 10 lần với 35.000 đồng/kg, đầu ra ổn định.

“Tôi động viên mọi người cố gắng làm sao cho cây bồn bồn phát triển, đừng để cho nó chùng xuống. Khi sản phẩm đã được khẳng định thương hiệu thì những hộ trồng và bán sản phẩm cần cố gắng hơn nữa, qua đó góp phần cho bà con tăng thu nhập, ổn định đời sống hơn” - bà Thu chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Rỡ - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước: “Cô Chín (bà Trần Thị Thu) cùng với chính quyền địa phương đã tích cực vận động bà con vào Hợp tác xã, đồng thời tuyên truyền, động viên các tổ viên của mình làm thế nào đó giữ vững quy trình sản xuất để bảo đảm chất lượng sản phẩm tốt nhất ra thị trường”.

Đọc thêm