Biến đất cằn thành vùng trồng na 'hái ra tiền', nông dân Phú Long thu hàng trăm triệu mỗi năm

(PLVN) - Từ những vùng đất cằn cỗi hiệu quả kinh tế thấp, người dân xã Phú Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã ‘biến điểm yếu thành lợi thế’, mạnh dạn chuyển đổi trồng cây na và nhận về những tín hiệu tích cực.
Quả na dai Phú Long tại Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 – Agroviet 2023. Ảnh: Minh Trang
Quả na dai Phú Long tại Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 – Agroviet 2023. Ảnh: Minh Trang

Động lực thay đổi vùng đất cằn cỗi

Phú Long là một xã vùng cao của huyện vùng núi Nho Quan với địa hình nhiều thung lũng, núi đá, chủ yếu là đất đá lộ đầu, cằn cỗi, khiến việc trồng các cây lương thực ngắn ngày như ngô, sắn... rất vất vả nhưng hiệu quả kinh tế thấp.

Quyết tâm thoát nghèo, khoảng năm 2013, người dân trong xã bắt đầu thử trồng cây na. Không ngờ, cây lại thích nghi rất tốt trong điều kiện đất đá cằn cỗi này, mang lại năng suất cao. Từ đây, nhiều người mạnh dạn bỏ hẳn lúa, ngô, toàn bộ diện tích đất vun vén cho na.

Gắn bó với cây na được ít lâu, bà con địa phương bắt đầu hướng tới việc trồng na trái vụ nhằm khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. Lâu dần, những quả na ngon ngọt nổi lên như một loại đặc sản của vùng đất Phú Long.

Từ những diện tích nhỏ ban đầu, toàn xã Phú Long hiện đã có hơn 100 hộ trồng na với tổng diện tích khoảng 125 ha. Với mong muốn gìn giữ và nâng cao chất lượng của sản vật quê hương, năm 2020, HTX Sản xuất Na trái vụ, Tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long chính thức được thành lập.

Na dai Phú Long trồng theo quy trình VietGap và là sản phẩm OCOP 4 sao.

Na dai Phú Long trồng theo quy trình VietGap và là sản phẩm OCOP 4 sao.

Mỗi năm, HTX thu hoạch khoảng 3 tấn na, với giá bán ổn định khoảng 30.000 đồng/kg tùy loại, mang về doanh thu lên tới 350-400 triệu đồng/ha. Thực tế cho thấy, so với trồng ngô, sắn thì thu nhập từ na trái vụ cao gấp 20 lần. Điều này đã giúp rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã ăn nên làm ra nhờ việc trồng na.

Tự hào chia sẻ về thương hiệu Na Phú Long, ông Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc HTX sản xuất na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long cho biết: “Cây na dai Phú Long không chỉ cho một vụ quả như các địa phương khác mà nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, na ra quả trái vụ. Quả na dai Phú Long có những đặc trưng riêng như quả to, cùi dày, ít hạt, vị ngọt sắc và mùi thơm, một khi đã ăn là nhớ mãi”.

Bắt cây na ‘đẻ’ quả trái vụ

Thời điểm thu hoạch na chính vụ là từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na trái vụ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12 (dương lịch). Theo chị Đoàn Thị Thúy Hằng (28 tuổi, Phú Long) – thành viên của HTX na dai Phú Long, so với cây na truyền thống, cây na trái vụ đang có ưu điểm hơn hẳn: dễ chăm sóc, một năm thu hoạch 2 lần, giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ và đặc biệt khắc phục được tình trạng được mùa mất giá.

Trồng na không cần kỹ thuật phức tạp nhưng đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Biện pháp để na ra trái vụ là cắt tỉa cành để cây được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới, ra hoa. Khi nụ hoa na hé mở có màu trắng thì tiến hành thụ phấn nhân tạo cho hoa. Sau khi đậu quả, tiến hành cắt loại bỏ quả lép, méo mó khoảng 2 đến 3 đợt/vụ. Sau nhiều năm canh tác, kỹ thuậ của bà con cũng ngày càng được nhân lên, quả na ra to, mẫu mã đẹp, năng suất na to lên rõ rệt.

Chị Đoàn Thị Thúy Hằng (sinh năm 1996, từng học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam) quyết định bỏ phố về quê trồng và phát triển thương hiệu na Phú Long.
Chị Đoàn Thị Thúy Hằng (sinh năm 1996, từng học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam) quyết định bỏ phố về quê trồng và phát triển thương hiệu na Phú Long.

“Trong quá trình trồng và chăm sóc na người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong quá trình thụ phấn nhân tạo cho cây. Do ban ngày trời nắng nên việc thụ phấn không đem lại hiệu quả, do vậy nên chúng tôi phải thụ phấn vào buổi tối, thậm chí là đến đêm. Hôm nào trời tắt nắng sớm thì từ 5 - 6h chiều là có thể bắt đầu thụ phấn cho hoa. Nếu nhanh thì tầm 10h tối là xong, nhưng chậm thì cũng có thể đến 1, 2h đêm. Thời gian thụ phấn trong mỗi vụ kéo dài từ 15 đến 20 ngày”, chị Hằng nói.

Để cho ra được những quả na chất lượng nhất đến tay người tiêu dùng, nhiều hộ dân trong xã còn tham gia trồng theo quy trình VietGap loại bỏ hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng chính những yếu tố này đã giúp quả na dai Phú Long được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Ninh Bình.

Mong muốn nâng cánh thương hiệu na Phú Long bay xa

Đại diện cho hơn 100 hộ trồng na Phú Long tham dự Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 –Agroviet 2023 từ 14-17/09/2023 tại Hà Nội, chị Đoàn Thị Thúy Hằng không giấu được niềm vui và sự tự hào khi được giới thiệu quả na dai cho chính tay mình vun, trồng chăm sóc đến với khách hàng và bạn bè các tỉnh khác. Càng vui hơn khi thương hiệu na dai Phú Long được đông đảo người dân đón nhận, ủng hộ và dành lời khen.

Quả na dai Phú Long được đông đảo người dân quan tâm, đón nhận. Ảnh: Minh Trang

Quả na dai Phú Long được đông đảo người dân quan tâm, đón nhận. Ảnh: Minh Trang

“Chỉ trong 1 ngày, hơn 4 tạ na được bày bán tại Hội chợ được khách hàng ủng hộ nhiệt tình. Ai ăn thử cũng tấm tắc khen na ngon, ngọt, thanh. Điều này làm tôi rất vui vì công sức mình bỏ ra được đền đáp xứng đáng. Mong rằng trong thời gian tới, quả na Phú Long sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa và chúng tôi cũng sẽ cố gắng để đem đến tận tay người tiêu dùng từng trái na chất lượng nhất”, đại diện thương hiệu Na Phú Long chia sẻ.

Với những giá trị kinh tế từ cây na mang lại cho bà con nơi đây, ông Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc HTX na Phú Long mong muốn trong thời gian tới sẽ mở rộng diện tích nhằm phát triển các giống na với chất lượng cao hơn. Đồng thời đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu na dai Phú Long thành nông sản thế mạnh của huyện Nho Quan.