Tìm kiếm hạnh phúc từ... rác thải

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều năm gần đây, phong trào thu gom, tái chế rác thải nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và cả xã hội. Tại Hà Nội, nhiều mô hình về bảo vệ môi trường đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.
Phong trào tái chế rác thải lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng.
Phong trào tái chế rác thải lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng.

Những “bãi rác” hạnh phúc

Với niềm đam mê sáng chế các loại đồ chơi từ vỏ lon và chai nhựa bỏ đi, anh Lưu Chung Nghĩa (30 tuổi, ở xã Võng La, Đông Anh, Hà Nội) “sở hữu” bộ sưu tập con vật, robot… đẹp mắt. Một số sản phẩm nổi bật của anh như: Chú cá sấu làm từ bìa các-tông, gắn động cơ có thể bò trên nền phẳng; chú lợn làm từ vỏ lon bia có gắn robot sử dụng từ tái chế nắp chai dầu gội đầu và nắp chai nhựa…

Anh Nghĩa cho biết, anh đã tạo ra khoảng 1.000 sản phẩm từ những vật bỏ đi. Phần lớn những đồ vật anh làm ra có hình dạng nhỏ, ngộ nghĩnh, phù hợp với trẻ em. Vỏ lon và chai nhựa trước khi lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh đều được anh mài, dũa gọn gàng, tránh gây tổn thương cho người sử dụng.

Sau khi sản phẩm “ra lò”, anh Nghĩa tặng người thân, bạn bè và các trung tâm trẻ em... Ngoài ra, anh thường xuyên cho mượn những đồ tái chế của mình để trưng bày tại các triển lãm về môi trường diễn ra trên địa bàn Hà Nội.

Theo anh Nghĩa, quá trình làm ra một sản phẩm mất nhiều thời gian và công sức, từ lên ý tưởng đến lựa chọn vật liệu. “Công đoạn lên ý tưởng thường mất nhiều thời gian nhất. Mình phải tính toán sao cho ý tưởng sát với thực tế, dễ thực hiện, đặc biệt phải đẹp mắt và thu hút”. Trong quá trình gia công, không tránh khỏi bị thương ở tay nhưng anh vẫn cảm thấy vui và ý nghĩa về việc mình đang làm.

Từ chỗ chỉ làm cho vui những lúc rảnh rỗi, đến nay, công việc tái chế, sáng tạo đồ chơi từ vỏ lon và chai nhựa đã trở thành thói quen của anh Nghĩa. Hằng ngày, sau giờ làm việc tại công ty tư nhân, anh Nghĩa đều dành thời gian nghiên cứu, mày mò, thực hiện cắt ghép các sản phẩm trong căn phòng nhỏ chưa đầy rác thải của mình.

Vật liệu tái chế là nguồn tài nguyên dồi dào cho nhiều công việc khác.

Vật liệu tái chế là nguồn tài nguyên dồi dào cho nhiều công việc khác.

Tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), năm 2018, nhóm “Dũng sỹ tái chế” đã xuất hiện. Nhóm có mục đích tuyên truyền, đào tạo ra những “đại sứ” môi trường, góp phần lan tỏa lối sống xanh. Bên cạnh đó, nhóm tổ chức thu gom, tái chế rác thải trong khả năng của mình, kết nối với các tổ chức khác cùng liên kết tìm ra cách xử lý rác thải đạt hiệu quả cao nhất...

Chị Cao Thị Sao Mai, Trưởng nhóm “Dũng sỹ tái chế” cho hay, các thành viên của nhóm thường tổ chức thu gom vỏ gói mì ăn liền, bìa các-tông, vỏ chai bia, quần áo cũ để đưa về tái chế. Từ đây, họ thỏa sức sáng tạo, tái chế ra những sản phẩm hữu ích và bắt mắt. Từ vật bỏ đi, qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, nhóm đã chế tác vỏ gói mì tôm trở thành túi xách, bình hoa, đĩa, gối ôm. Những tấm vải, quần áo cũ được may thành túi gối, ví, khăn…

Chị Sao Mai chia sẻ, sau mỗi đợt thu gom rác thải, văn phòng của nhóm giống như một nhà kho, thậm chí là bãi rác. Nhờ bàn tay và khối óc của các thành viên, những phế liệu đó đã “hồi sinh” hữu ích, giảm bớt gánh nặng cho môi trường. Chúng tôi tự hào gọi văn phòng của mình là “bãi rác hạnh phúc”.

Các bạn trẻ hào hứng với những hoạt động tái chế rác thải.

Các bạn trẻ hào hứng với những hoạt động tái chế rác thải.

Lan tỏa lối sống xanh

Gắn bó với công việc tái chế rác thải gần 10 năm nay, chị Nguyễn Diệu Thúy, ở phố Ngọc Hà, quận Ba Đình cho biết: “Ban đầu, vợ chồng mình thấy có nhiều chai thủy tinh bỏ đi màu sắc rất đẹp nên lấy máy cắt thử, mài thành lọ hoa rồi dùng màu vẽ trang trí thêm cho đẹp. Sản phẩm làm ra chỉ để sử dụng và tặng người thân, bạn bè. Thấy mọi người hứng thú với các sản phẩm tái chế này nên mình quyết định làm nhiều hơn, dần dần trở thành nghề chính”.

Chị Thúy chia sẻ, các sản phẩm thủy tinh thường rất khó cắt và chế tạo. Để tái chế được nhiều loại chai thủy tinh, vợ chồng chị phải tự chế máy cắt, tuy nhiên cách làm này hiệu quả cao không cao. Ngoài ra, vẽ trên thủy tinh rất trơn và khó, nếu sử dụng màu thông thường màu không bám, không đẹp. Màu chuyên vẽ kính lại khá hiếm và giá thành cao. Do đó, thu nhập từ công việc tái chế không cao.

Tuy nhiên theo chị Thúy, nghề tái chế đã cho chị một cuộc sống mới, nhiều màu xanh và đầy ý nghĩa. “Từ những sản phẩm tái chế đã làm, mình muốn mọi người nhất là thế hệ trẻ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong cộng đồng”, chị Nguyễn Diệu Thúy bày tỏ.

Đại diện một số mô hình tái chế rác thải tại Thủ đô cho biết, mục tiêu của các mô hình là hướng tới lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng. Chính vì vậy, các sản phẩm được sản xuất ra đều giảm tối đa lợi nhuận.

“Nguồn thu từ bán các sản phẩm của nhóm sẽ được đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, giúp đỡ và tạo việc làm cho trẻ khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn”, chị Cao Thị Sao Mai nhấn mạnh.

Nhóm “Dũng sỹ tái chế” kết nối với các quán cà phê, điểm du lịch lớn để có thể đặt sản phẩm tái chế, bán cho khách du lịch. Toàn bộ số tiền thu được sẽ gây quỹ mở thư viện sách miễn phí có tên “Điểm đọc Việt Nam”. Hiện “Điểm đọc Việt Nam” đã có mặt trên khắp 63 tỉnh, thành, với số thành viên tham gia lên tới gần 4.000 người.

Những sản phẩm đẹp mắt từ rác thải tái chế.

Những sản phẩm đẹp mắt từ rác thải tái chế.

Chung suy nghĩ lan tỏa lối sống xanh, anh Lưu Chung Nghĩa bày tỏ mong muốn trong tương lai, việc thu gom và tái chế rác thải sẽ không còn là những hành động đơn lẻ mà được nhân rộng ra cộng đồng.

Đối với những người làm công việc liên quan đến nghệ thuật, thẩm mỹ, rác thải lại chính là nguồn tài nguyên vô cùng đa dạng và dồi dào. Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Xuân Hoa (53 tuổi, trú tại đường Miếu Hai Xã, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đã làm công việc tái chế rác thải thành sản phẩm trang trí vô cùng độc đáo, góp phần lan toả lối sống xanh đến nhiều bạn trẻ.

Các sản phẩm của chị không chỉ đẹp, bắt mắt, sáng tạo mà còn rất đặc biệt ngay từ nguyên liệu để tạo nên. Những sản phẩm mẫu mã đa dạng, đẹp mắt được chị Hoa “thổi hồn” từ những vật dụng gần gũi với cuộc sống hằng ngày như vỏ chai nước, can nhựa, que kem, ống nhựa, thìa nhựa...

Để có đủ vật liệu, chị Hoa được sự ủng hộ của người thân, bạn bè. Nhiều bạn bè kinh doanh dịch vụ ăn uống thường xuyên ủng hộ vỏ chai, can nhựa và nhiều vật dụng hữu ích khác. Tuy vậy, theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Xuân Hoa, mỗi sản phẩm là một mẫu mã, kiểu dáng khác nhau nên nhiều khi chị Hoa “bí” trong khâu tìm vật liệu, phải lục tìm ở các cơ sở thu gom ve chai mới có vật dụng ưng ý.

Ngoài sản phẩm từ vỏ chai nhựa, mới đây, chị Xuân Hoa sáng tạo những sản phẩm làm từ túi ni lông. Những bông hoa, lá từ ni lông ép, phần khung tranh là bìa cát tông, qua bàn tay khéo léo của chị Hoa trở thành bức tranh sinh động, bắt mắt, đồng thời giúp chị có thêm khoản thu nhập từ niềm đam mê này.

Trên hành trình giữ môi trường xanh, chống rác thải, đã có nhiều các tổ chức, cá nhân đã có các sáng kiến thiết thực, góp phần làm thay đổi ý thức, thói quen của người dân và toàn xã hội. Những ý tưởng, hành động đẹp ấy góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động xấu của rác thải tới môi trường và lan toả ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

Đọc thêm