Sau sự biến mất của loài Tê giác Java - loại động vật đặc biệt quý hiếm bậc nhất từng được phát hiện tại Việt Nam, dư đặt câu hỏi có bao nhiêu loài thú quý hiếm khác ở nước ta đã và đang nằm trong diện nguy cơ tuyệt chủng? Đặc biệt, Sao la (được phát hiện tại Vũ Quang –Hà Tĩnh năm 1992), hiện đang bị nghi là đã tuyệt chủng ở nơi từng tìm ra chính nó.
|
Trong Vườn rừng Quốc gia Vũ Quang gỗ vẫn bị “sẽ thịt” |
Xuyên rừng tìm Sao la
Vũ Quang một ngày vào hạ, trời nắng như thiêu. Phải đến gần nửa đêm chúng tôi mới chợp mắt ngủ được, để bảo đảm sức khỏe cho chuyến đi có một không hai này. Xuyên rừng tìm Sao la.
Vừa rạng sáng, trong khi chúng tôi đang chìm trong mộng mị, Hùng - thợ săn thú trong vùng đã lao xe máy sình sịch chạy đến nhà anh bạn tôi mới quen (trú tại Hương Điền - Vũ Quang) để đánh thức mọi người. Thấy tôi vẫn còn ngái ngủ, Hùng gắt: “Dậy nhanh lên chú mày. Giờ mà không đi, thì có săn với bắn cái đếch gì nữa”.
|
Đường vào Thành cụ Phan - một địa danh lịch sử nổi tiếng ở Vườn Quốc gia bảo tồn Vũ Quang |
Một lúc tỉnh hẳn, tôi có ý muốn thuê mấy người dân sơn tràng nơi đây cùng mình đi vào vườn rừng tìm manh mối có hay không tồn tại loại thú bị nghi đã tuyệt chủng. Chí ít, họ cũng am hiểu vùng rừng rú Vũ Quang này hơn tôi, chứ không phải đi săn thú với thiếc gì. Bất giác cả bọn cười ngất: “Nếu làm thuê, thì bọn này đi theo mấy ông “tiếng eng, tiếng em” – (người ngoại quốc nói tiếng anh) gì đó, kiếm bội “xèng”. Làm đếch gì đến lượt chú mày. Nhưng thôi, với chú chỉ cần bỏ mấy đồng mua vài chai rượu quê là ổn. Còn tụi này vào rừng gặp thú vẫn bắn...”. Thấy tôi nhắc đến kiểm lâm, Hùng hất tay vẻ cóc cần.
Sau một hồi hành trình vào rừng bằng xe gắn máy, chúng tôi nghỉ lại triền dốc – cách thành cụ Phan (Cụ Phan Đình Phùng) chừng 500m, khi ấy trời mới 5h sáng. Sau đó, chúng tôi bỏ xe cuốc bộ vào vườn rừng đi tìm vận may đúng như lời mấy tay sơn tràng thường nhắc “ăn được của rừng, rưng rưng nước mắt”. Những bước chân thất thiểu của tôi khi phải leo lên núi. Đám nguời đi cùng nhìn thấy cười ngoắc cần câu.
Do vào vườn rừng không được sự đồng ý của cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang và Bộ đội biên phòng, nên chúng tôi phải men theo đường cắt đi một mạch vào trong rừng sâu. Hai bên đường vẫn cơ man là cây rừng xanh ngắt. Tuy nhiên, theo mấy tay sơn tràng dẫn đường thì hầu như số đó là cây dại không thể cho gỗ tốt và số cây cho gỗ tốt thì chưa thể khai thác được, vì thế dân sơn tràng lành nghề không đốn cây này để lấy gỗ. Còn muốn săn bắt được thú, nhất là loại thú quý hiếm khác gì tìm đường đi lên trời, vì bây giờ thú rừng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang hầu như đã bị cạn kiệt. Muốn đánh bắt phải sang bên kia rừng Lào.
Hùng cho biết: “Ngày xưa, chỉ cần vào khu rừng này, những địa danh như: Mạn Chạng, Hói Trùng, xa xa hơn là đỉnh Giàng Màn... cắm mấy cái bẫy thú thì tha hồ mà bắt khỉ, heo rừng và hoẵng, thậm chí, nhiều loại thú quý hiếm như chim trĩ, hổ, báo... cũng bị dân sơn tràng vùng này bắt tuốt. Nhưng bây giờ khó lắm, một chuyến may ra được một vai con thú nhỏ”.
Thấy chủ ý của tôi toàn đề cập đến chuyện Sao la, bất ngờ Hùng phá lên cười, hai hàm răng vàng khoét nhô ra trông như răng thú dữ, đến nỗi người quen biết Hùng như tôi vẫn thấy ớn.
Hùng kể: “Tôi biết đi săn bắn từ thửa tóc để chỏm. Tuy nhiên, Sao la cũng chỉ nghe người ta kể lại là có thôi, chứ chưa từng nhìn thấy bao giờ? Mà khu bảo tồn này không còn, thì các khu rừng khác cũng đừng mong mà có được”.
Cường - anh bạn đi cùng chúng tôi lên tiếng phản pháo. “Cái thằng Hùng nó chỉ biết săn bắn ba con thú cỏn con về bán cho các nhà hàng ngoài phố lấy tiền nuôi mấy con “cụt đọt”, chứ làm răng mà biết đến sao, với la”. Nói rồi, Cường khoái trá chế giễu bạn như muốn khoe vốn hiểu biết của mình về khu rừng đại ngàn đặc biệt này: “Sao la vùng này, ngày xưa nhiều vô kể. Ngay cả trong nhà tôi, giờ vẫn còn bộ sừng của nó do ông bố để lại, nhưng do lâu ngày đã bị bào mòn lốm đốm trông như sừng con bò nhà mà thôi”.
Cường kể, “cách đây mấy năm có một con thú bị sa bẫy, nhưng do cánh thợ săn vào chậm nên bị chết. Khi đưa về phố tiêu thụ mới phát hiện Sao la. Thậm chí, có người còn mua bộ sừng của nó để đưa về nhà cất dấu. Nghe đâu đã bán rồi, còn giá bao nhiêu thì không rõ”.
Tuyệt chủng chính nơi từng tìm ra Sao La?
Mấy ngày trời trong vườn rừng Vũ Quang (dù là đêm về ở nhà dân sống gần bìa rừng), nhưng quả thật là vô cùng khắc nhiệt đối với chúng tôi. Trong khi, mỗi khi đi vào rừng tôi đã được cánh sơn tràng mang hết đồ đặc, còn mình không cầm gì ngoài cái máy ảnh.
|
Một phần của đỉnh Giăng Màn – nơi cao nhất của Vườn Quốc gia Vũ Quang nơi loài linh trưởng hay trú ẩn |
Từ hướng Đông sang Tây, từ Nam sang Bắc, gần như xuyên suốt Vườn rừng Quốc gia Vũ Quang, nhóm chúng tôi cũng chỉ bắt gặp một vài ba con thú hoang nhỏ như chồn, gà rừng và khỉ... Tuy nhiên, nhìn thấy là một chuyện còn để bắt được nó phải cần thời gian và sự khôn khéo như dân phường săn thú.
Lâu lâu vẫn nghe tiếng của hoẵng, nhưng do cách nơi chúng tôi xa hàng nghìn mét theo hướng chim bay, vì thế muốn săn bắn nó là rất khó. Còn loài Sao la từng được phát hiện năm 1992 giờ chỉ là ký ức. Mặc dù, vất vả chúng tôi cũng chỉ kiếm được vài ba thông tin vặt, chứ đến phân hay dấu chân của Sao la cũng “bặt vô âm tín”.
Năm 2007, khi nghe tin ở Vườn Quốc gia Vũ Quang có loài Sao la, cô Santini, một nghiên cứu sinh người Ấn Độ đã bỏ gần hai năm trời lên rừng xuống suối vào đây để nghiên cứu loài động vật này. Không biết kết quả nghiên cứu của cô ta thế nào nhưng không thấy báo lại với Ban, và lúc đó Ban cũng chưa đủ khả năng để kiểm tra kết quả nghiên cứu của cô.
Ông Dương Tri T. (trú tại thị trấn huyện Vũ Quang) cho biết: “Sở dĩ, Sao la giờ chỉ còn là huyền thoại, là vì nguồn thức ăn chính của nó là cây môn thục mọc ở các khe suối bị thu hẹp, đặc biệt, nạn săn bắt thú rừng ngày càng một tinh vi. Trong khi các dự án bảo tồn phi Chính phủ đầu tư vào chưa đạt hiệu quả và còn mang tính manh mún. Do vậy, Sao la bị tuyệt chủng là không ngoài dự đoán của người dan như chúng tôi. Nó mong manh như chính tên gọi của... chính nó”. Còn một cán bộ bảo vệ rừng ở đây (xin được dấu tên) buồn bã tâm sự: “Giờ thì loài Sao la đã tuyệt chủng chính nơi đã từng được tìm ra”.
Ông Đào Duy Phiên – Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết: “Chúng tôi làm đây cũng đã lâu năm rồi, nhưng thông tin về loài Sao la là rất nhỏ, thậm chí cán bộ của khu bảo tồn vẫn chưa từng gặp nó. Tuy nhiên, có một thực tế, ngay cả các loại thú dễ kiếm như nai, hoẵng, lợn rừng... còn khó kiểm soát, chứ đừng nói đến loại thú thú quý hiếm như: Sao la, voi và hổ... vì thế để khẳng định vườn quốc gia này có hay không loài Sao la là điều tôi không thể dám chắc”.
Minh San