PV: Được biết, năm 2020 vừa qua, Hãng phim hoạt hình Việt Nam đã phát hành, phổ biến 19 bộ phim hoạt hình. Số lượng như vậy trong một năm có quá ít không?
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Số lượng 19 bộ phim hoạt hình trong một năm là quá ít so với nhu cầu thưởng thức phim hoạt hình của khán giả và cũng chưa thể hiện hết được năng lực sản xuất của Hãng phim HHVN (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam). Tuy nhiên, hoạt hình là thể loại phim đòi hỏi sự đầu tư và chi phí rất cao, nên trong hoàn cảnh hiện tại, để có được 19 bộ phim cũng là một sự cố gắng rất lớn hiện nay.
PV: Đề tài phim mà Hãng phát hành chủ yếu nói nhiều về vấn đề gì? Tại sao lại chọn vấn đề đó?
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Các bộ phim Hãng phim HHVN sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng của Nhà nước nên đều là các bộ phim mang tính giáo dục và giải trí cao, phục vụ mục tiêu giáo dục phẩm chất đạo đức, định hướng lối sống, bồi dưỡng và hình thành nhân cách cho thiếu niên, nhi đồng. Theo đó, các vấn đề khai thác thường là các câu chuyện về đời sống, sinh hoạt, học tập, các câu chuyện ngụ ngôn, đồng thoại hoặc cổ tích, sự tích, chứa đựng những bài học nhỏ, gửi gắm những thông điệp ý nghĩa của cuộc sống.
|
Một hoạt cảnh phim hoạt hình do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất. |
PV: Các phim được dựng bằng kịch bản của nhà văn, biên kịch trong nước hay nước ngoài? Trong tương lai, Hãng có tính đến chuyện khai thác các nguồn kịch bản của nước ngoài hay không?
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Hiện tại, Hãng chủ yếu khai thác các nguồn kịch bản đến từ nguồn cộng tác viên là các nhà biên kịch chuyên và không chuyên trong nước. Một nguồn kịch bản nữa là từ việc chuyển thể các tác phẩm văn học của các nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, kho tàng văn học dân gian…
Việc sử dụng nguồn kịch bản nước ngoài khá hiếm do điều kiện sản xuất hiện tại, do các vấn đề khác về bản quyền, về mục tiêu sản xuất, thị hiếu khán giả… Tuy nhiên, trong tương lai, khi điều kiện cho phép, Hãng hy vọng có thể khai thác các nguồn kịch bản nước ngoài hoặc chuyển thể các tác phẩm văn học nước ngoài để sản xuất phục vụ khán giả trong và ngoài nước.
PV: Hiện tại Hãng phim HHVN đang sản xuất các thể loại phim hoạt hình gì? Giữa các thể loại này, thể loại nào được đón nhận nhiều hơn?
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Hiện tại, Hãng chủ yếu sản xuất 3 thể loại chính là phim hoạt họa 2D, phim 3D và phim Cắt giấy vi tính. Ba thể loại đều có những đặc đặc trưng riêng, có thế mạnh riêng, được phân biệt với nhau qua phong cách tạo hình và đặc điểm của sự chuyển động. Lựa chọn thực hiện bộ phim hoạt hình thể loại 2D, 3D hay Cắt giấy phụ thuộc nội dung kịch bản, điều kiện sản xuất và phong cách của đạo diễn.
Khó có thể nói thể loại phim nào được đón nhận nhiều hơn bởi còn phụ thuộc vào độ hấp dẫn của từng bộ phim và thị hiếu của khán giả. Gần đây, với sự say mê tìm tòi, nhiều đạo diễn của Hãng đã thực hiện phim với sự kết hợp nhiều thể loại trong cùng một bộ phim, tạo nên hiệu ứng tốt về mặt hình ảnh, xóa nhòa dần ranh giới của các thể loại phim hoạt hình.
PV: Để sản xuất một bộ phim hoạt hình cần những gì? Thành phần nào là quan trọng nhất?
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Để sản xuất một bộ phim hoạt hình cần rất nhiều yếu tố. Phải có sự chuẩn bị về mặt chuyên môn là đội ngũ nhân lực bao gồm nhiều thành phần: biên kịch, đạo diễn, họa sĩ của nhiều khâu như tạo hình - diễn xuất - làm phông – tổng hợp hình ảnh… âm thanh, âm nhạc… Phải chuẩn bị máy móc chuyên dụng, trang thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất…
Mỗi bộ phim hoạt hình là một sản phẩm tập thể được tạo nên từ dây chuyền sản xuất khép kín nên bất cứ thành phần nào cũng đều đóng vai trò quan trọng, tạo nên một chỉnh thể hoàn hảo. Tuy nhiên, là một sản phẩm nghệ thuật mang tính sáng tạo cao, nên các thành phần sáng tác chính trong dây chuyền, có ảnh hưởng lớn đến chất lượng của bộ phim thường là Biên kịch, Đạo diễn, Họa sĩ tạo hình, Họa sĩ diễn xuất và Nhạc sĩ.
PV: Khó khăn hiện nay của Hãng phim hoạt hình Việt Nam, sự định hướng tới đây là gì?
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Giống như nhiều đơn vị trong ngành Điện ảnh, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chung của ngành, mà cụ thể nhất là sự đầu tư, nguồn phim đặt hàng của nhà nước đang ngày càng thắt chặt. Để duy trì sản xuất của Hãng, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Hãng chủ động phát huy những nguồn lực, đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất những sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực phim hoạt hình, khai thác triệt để tiềm năng của mình khẳng được thương hiệu Hãng phim Hoạt hình Việt Nam trong lĩnh vực hoạt hình ở nước ta.
PV: Sự cạnh tranh của Hãng phim hoạt hình tư nhân có tác động gì đến Hãng phim hoạt hình Việt Nam?
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Sự cạnh tranh của các Hãng phim Hoạt hình tư nhân có tác động tích cực đối với Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, tạo ra những cơ hội và sự thách thức để các nhà làm phim học hỏi, cọ xát, tự mình trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh cũng tạo ra những hiệu ứng tốt, thu hút sự quan tâm của khán giả, là những tín hiệu tốt cho sự phát triển của hoạt hình Việt Nam.
PV: Hãng phim hoạt hình Việt Nam có nghĩ đến việc phát hành phim ra thế giới, liệu việc này có khó khăn không, có cần sự giúp đỡ nào không của các tổ chức khác?
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Giống như nhiều ngành sản xuất, Hãng phim hoạt hình hình Việt Nam luôn mong muốn sản phẩm của mình đến được với người xem trong và ngoài nước. Vươn xa, hội nhập quốc tế, đem phim hoạt hình Việt Nam đến với khán giả thế giới luôn là ước mơ của người nghệ sĩ hoạt hình.
Trong thời điểm hiện tại, việc này còn gặp nhiều khó khăn, cần sự kết hợp của nhiều điệu kiện. Ngoài sự đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan quản lý, các tổ chức về chính sách, về nguồn đầu tư, về điều kiện sản xuất, phát hành… điều quan trọng nhất vẫn thuộc về những người làm hoạt hình Việt Nam. Đó chính là nâng cao chất lượng phim cả về mặt tư duy nghệ thuật, công nghệ sản xuất để làm ra những bộ phim hoạt hình Việt Nam đặc sắc, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật hoạt hình ở tiêu châunr cao của khán giả thế giới.
PV: Dịch Covid-19 ảnh hưởng gì đến việc sản xuất, phát hành phim?
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Năm 2020 Hãng phim Hoạt hình Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do tác động trực tiếp của dịch covid. Nhiều công đoạn sản xuất bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh gây ra. Việc phát hành phim cũng bị ảnh hưởng. Tỷ lệ các buổi chiếu phim tại Rạp theo hợp đồng, chiếu phim lưu động phục vụ học sinh tại các trường giảm sút.
Để duy trì việc phát hành, quảng bá phim Hoạt hình Việt Nam, Hãng đã đẩy mạnh công tác phát hành thông qua việc duy trì phủ sóng trên các hạ tầng viễn thông. Cụ thể, phim hoạt hình đã có mặt trên sóng truyền hình, các kênh truyền hình trả tiền, mạng xã hội, trên kênh chiếu phim của Hãng tại Youtube… Hãng tin tưởng, dù hoàn cảnh bệnh dịch còn căng thẳng và kéo dài, nhưng với những nỗ lực của mình, những sản phẩm hoạt hình của Hãng sẽ vẫn luôn đến được với khán giả, đáp ứng được nhu cầu xem phim của khán giả Hoạt hình Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!