Tìm lối thoát cho lao động mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19

(PLVN) -Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 16,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9,4 nghìn doanh nghiệp. Như vậy cũng đồng nghĩa toàn bộ người lao động trong hàng ngàn doanh nghiệp này bị thiếu việc làm, thất nghiệp.
Lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đã bị ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực nhất, làm hơn 1.000 lao động (ở 22 tỉnh/thành) bị mất việc làm.
Lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đã bị ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực nhất, làm hơn 1.000 lao động (ở 22 tỉnh/thành) bị mất việc làm.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, riêng với lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống có 747 doanh nghiệp khai báo tạm dừng kinh doanh có thời hạn (tăng 114,7% so với cùng kỳ năm 2019); lĩnh vực bán buôn, bán lẻ cũng có tới hơn 6.000 doanh nghiệp (tăng 119%); doanh nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí cũng tăng hơn 116% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), đến giữa tháng 2/2020, có khoảng 9.000 lao động bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đã bị ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực nhất, làm hơn 1.000 lao động (ở 22 tỉnh/thành) bị mất việc làm.

Bên cạnh đó, lao động ở các lĩnh vực nông, lâm, thủy hải sản cũng có tới trên 3.000 lao động; lĩnh vực vận tải, kho bãi với trên 1.100 người lao động; lĩnh vực xử lý rác thải, nước thải với trên 2.000 lao động bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau như giảm thu nhập, ngắt quãng ngày lao động do doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất, hoặc phải chuyển đổi công việc…

Bài toán đặt ra hiện nay là cần có giải pháp trước mắt cũng như căn cơ lâu dài hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp, thiếu việc làm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, người lao động ở lĩnh vực dịch vụ du lịch, ăn uống, lưu trú bị thất nghiệp, nếu có tham gia BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp thì cần phải thực hiện chính sách để người lao động có lương, duy trì cuộc sống trong thời gian tìm kiếm việc làm mới.

Với hàng trăm ngàn lao động làm việc tại các nhà hàng rất khó trở lại làm việc trong lĩnh vực này, bởi phần lớn doanh nghiệp dịch vụ ăn uống bị tác động "kép" là dịch bệnh và chính sách phòng chống tác hại của rượu bia. Người lao động trong lĩnh vực này sẽ phải giãn ra lĩnh vực khác. Chính vì vậy phải gấp rút dùng giải pháp trợ cấp thất nghiệp và cố gắng đào tạo lại lực lượng lao động này, hỗ trợ họ chuyển đổi sang công việc khác theo nhu cầu, tránh tình trạng lao động thiếu việc làm, gặp khó khăn kéo dài.

Liên quan vấn đề này, mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã có yêu các đơn vị chuyên môn của Bộ khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật về lao động để hướng dẫn các doanh nghiệp phương án xử lý do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong đó, cần lưu ý các trường hợp người lao động được tiếp tục hưởng lương, các trường hợp ngừng việc, việc giải quyết chế độ ngừng việc, tiền lương ngừng việc cho người lao động, các trường hợp doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, bị đình trệ sản xuất, kinh doanh hoặc phá sản…

Về Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng đề nghị hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai các chính sách đảm bảo theo đúng quy định; thực hiện chi trả lương cho người lao động trong tình hình dịch Covid-19 được áp dụng theo Bộ luật Lao động 2012, quy định về tiền lương ngừng việc.

Đọc thêm