Tìm ra cha mẹ thật cho hai đứa trẻ bị hoán đổi khi mới sinh

(PLO) - Hai gia đình nhầm con tại nhà hộ sinh bởi cùng ngày sinh. Sự nghi ngờ của họ chỉ bắt đầu khi hai nhà vô tình trở thành hàng xóm của nhau và những người mẹ gặp lại đúng hình ảnh thời trẻ của mình trong hình dáng cô con gái nhà hàng xóm. Quyết định tìm ra sự thật, họ đã “cậy nhờ” công nghệ xét nghiệm ADN. Càng bất ngờ hơn khi, hai đứa trẻ đã vô tình bị hoán đổi cho nhau từ lúc mới sinh…
(Hình minh họa)

Cuộc hạnh ngộ kỳ lạ

Trong gần chục năm làm nghề, chuyên đảm trách công việc xét nghiệm ADN để xác định huyết thống, thạc sĩ Đinh Thị Lan (cán bộ Khoa Y sinh học, Viện pháp y quốc gia) đã chứng kiến biết bao câu chuyện hài hước, cảm động, mà theo lời chị, mỗi khi nhắc đến lại khiến cho chị thêm yêu và quý trọng giá trị nghề nghiệp của mình hơn.

Chị Lan kể, một buổi sáng mùa hè năm 2013, vợ chồng ông Phùng Anh Quân - bà Tạ Kim Chi cùng vợ chồng ông Nguyễn Trọng Khôi - bà Phạm Thái Hà (ở Cầu Giấy, Hà Nội) tìm đến Viện pháp y quốc gia với nguyện vọng xét nghiệm ADN để xác định mối quan hệ cha con, mẹ con giữa cặp vợ chồng này và con của cặp vợ chồng kia. 

Trái với không khí căng thẳng của nhiều người trước lúc xét nghiệm ADN, hai gia đình này tỏ ra hết sức cởi mở, vui vẻ.

Bà Chi và bà Hà cho biết, năm 1981, hai bà cùng sinh con gái tại một nhà hộ sinh ở Hà Nội. Theo lời bà Chi, khi bà còn chưa gượng dậy nổi sau cuộc vượt cạn, bà choàng tay ra ôm con gái nhỏ xíu được quấn kín trong chiếc khăn, được đặt nằm bên cạnh hông mẹ nhưng không chống nổi cơn mệt, cơn buồn ngủ kéo sụp mí mắt.

Một lần, nhân viên y tế ẵm các bé sơ sinh đi tắm, hai tay ôm hai bé, thoăn thoắt đi rồi mất hút cuối hành lang. Khi trả lại con cho bà, thấy số trên tấm thẻ đeo chân của con gái bị phai, bà đã hỏi, nhưng nhân viên y tế giải thích là do cháu bé đi tắm nên số bị mờ.

Khi con gái (sau này được đặt tên là Phùng Thu Thảo) vẫn còn đỏ hỏn, vợ chồng bà Chi đã đem theo con vào Nam lập nghiệp, sinh sống. Thời gian như bóng câu qua cửa, thoắt cái hai ông bà Quân - Chi tóc đã điểm bạc. Cho tới năm 2013, gia đình bà Chi mới chuyển lại về Hà Nội sau gần 32 năm xa cách.

Khi mới dọn nhà về khu đô thị trên địa bàn quận Cầu Giấy, tình cờ nhìn thấy cô con gái tên Mai Lan nhà ông Khôi - bà Hà đang cho con ăn cháo, bà Chi giật mình sửng sốt bởi cô gái này quá giống mình. Thấy những đường nét thân thuộc của mình trên gương mặt người hàng xóm, chị Lan cũng phải mất tới vài giây định thần lại mới cất tiếng chào hỏi bà.

ADN đã giúp cho nhiều người cùng quan hệ huyết thống bị thất lạc được đoàn tụ

Ngược lại, một lần, chị Thảo con gái bà Chi đưa cả chồng và con sang thăm bố mẹ. Vừa dừng lại trước cổng nhà, gặp ngay bà Hà - hàng xóm của bố mẹ mới đi chợ về, chị Thảo ngỡ ngàng vì “sao lại có người giống mình đến thế, giống như hai giọt nước?”. Hai bên vui vẻ hỏi thăm về nhau. Sau đó về, chị Thảo cứ suy đi nghĩ lại mãi về câu nói của chồng: “Càng nhìn, càng thấy vợ giống bà Hà thật”.

Hàng xóm xung quanh cũng nhiều lần bàn ra tán vào câu chuyện con nhà bà này giống con nhà bà kia. Mới đầu, hai bên gia đình chỉ nghĩ mọi người trêu đùa, nên cũng vui vẻ hùa theo, lấy tiếng cười làm niềm vui. Cho tới khi họ hàng cả hai bên đều thắc mắc, họ mới quyết định thử đi xét nghiệm ADN để xác định huyết thống xem sao.

Điều bất ngờ là kết quả xét nghiệm cuối cùng chứng minh ông Quân, bà Chi là cha mẹ đẻ của chị Lan, lúc đó đang là con của ông Khôi, bà Hà. Ngược lại, chị Thảo con gái ông bà Quân - Chi thực tế lại là con của ông bà Khôi - Hà. 

Càng bất ngờ hơn nữa khi cả hai gia đình đón nhận kết quả trong niềm phấn khởi, hân hoan vô bờ. Đã có bao nhiêu giọt nước mắt tuôn rơi đầy xúc động khi những người thân, máu mủ trong hai gia đình tìm được nhau. Trong cuộc sống có nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng việc cha mẹ tìm lại được con sau hơn 30 năm thì đúng là một phép màu hy hữu. 

“Dù thế nào thì đây cũng là mối lương duyên, hội ngộ đặc biệt. Nhờ xét nghiệm ADN mà con cái chúng tôi tìm lại được cha mẹ đẻ của mình và hơn nữa chúng lại có tới hai tổ ấm lớn. Từ nay, hai gia đình chúng tôi tuy hai mà một rồi”, bà Chi nói, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc. 

“Hai gia đình họ sau đó đã kết mối thân tình, giữa hai nhà không còn khoảng cách. Âu cũng là một cái kết có hậu đối với cả các bác sĩ lẫn khách hàng”, thạc sĩ Lan kể.

Một trong những câu chuyện khó quên khác trong nhiều năm làm nghề của thạc sĩ Lan là trường hợp tìm được mẹ khi đã hơn 60 tuổi của bà Nguyễn Thị Hằng (ở TP Hồ Chí Minh).

Bà Hằng kể, trong lúc hấp hối, cụ Phạm Thị Mùi, người đã nuôi nấng bà hơn 60 năm qua thều thào: “Mẹ không phải là người sinh ra con. Mẹ ruột của con tên là Xuân. Bao nhiêu năm qua mẹ đã giấu kín con điều này. Nhưng tới lúc này, mẹ không cam lòng khi con chưa biết được đâu mới là mẹ ruột của mình. Con hãy tìm về với mẹ con theo địa chỉ này. Có như vậy mẹ mới yên lòng nhắm mắt xuôi tay…”.

Sau khi lo tang lễ cho cụ Mùi, bà Hằng đã quyết định khởi đầu một hành trình tìm kiếm, dù cũng biết rằng năm tháng xa xôi diệu vợi, chẳng biết có còn tìm được cha mẹ, anh em, họ hàng thân thích hay không.

Từ mẩu giấy được cụ Mùi ghi lại, bà Hằng từ TP Hồ Chí Minh lặn lội tìm đến địa chỉ của người được cho là mẹ ruột của bà ở Quảng Ninh. Quả thực, có một cụ bà tên Xuân và cụ cũng xác nhận, do gia cảnh quá nghèo khó trong khi nhà lại đông con, nên cụ đã đem đứa con út cho cụ Mùi nuôi hộ. Sau khi cho con, cụ Xuân cũng cam kết sẽ giữ bí mật này và cắt đứt mọi liên lạc với đứa con của mình.

Muốn biết chính xác cụ Xuân có phải là mẹ ruột của mình không, bà Hằng quyết định nhờ đến công nghệ xét nghiệm ADN. Đọc xong tờ kết quả xét nghiệm ADN, vẻ mặt bà Hằng rạng ngời hạnh phúc. Hơn 60 năm qua, giờ đây người phụ nữ này mới biết đích xác một điều: Cụ Xuân mới chính là người sinh ra mình.

Kết quả này lý giải cho thắc mắc bấy lâu nay của bà Hằng, khi bao nhiêu năm qua, bà bị đối xử không công bằng trong gia đình. Cụ Mùi luôn thương yêu, chiều chuộng và chăm sóc cho người anh trai và cô em gái của bà hơn.

Tuy nhiên, bà Hằng không hề trách cứ điều này, vì bà luôn biết ơn công lao nuôi nấng của cụ Mùi, cũng như giờ đây, bà đã tìm được người mẹ thực sự của mình. Những năm tháng cuối đời, bà Hằng tự hứa với lòng mình sẽ tận tâm phụng dưỡng mẹ của mình.

Các giám định viên Khoa Y sinh học (Viện pháp y quốc gia)

Muôn vàn tình huống tréo ngoe

Bên cạnh những câu chuyện mang lại niềm hạnh phúc đôi bên như thế, cũng có những câu chuyện, những tình huống éo le khiến các bác sĩ, giám định viên Viện pháp y quốc gia khó lòng quên được.

Vào một buổi chiều tháng 5/2014, ông Nguyễn Thanh Hùng và bà Nguyễn Thị Mai (ở Bắc Ninh) đến Viện pháp y quốc gia yêu cầu làm xét nghiệm ADN giữa con trai ông bà với cháu trai đích tôn của dòng họ. Trước khi đi, con dâu của ông bà đã nạt nộ: “Ông bà mà đi thử ADN thì sẽ không bao giờ được gặp cháu nội của mình”.

Nhận tờ kết quả “không có quan hệ huyết thống”, mắt ông Hùng nhòe đi, còn bà Mai thì ngồi sụp xuống đất ôm mặt khóc. Bà cho biết, vợ chồng bà chỉ có được duy nhất một cậu con trai nên bao nhiêu tình cảm, của cải vật chất đều dành hết cho con.

Khi con trai lấy vợ và sinh con, thấy càng lớn, cháu trai càng không có nét gì giống bố và họ hàng bên nội nên ông bà lấy làm lạ lắm, trong lòng cứ lấn cấn không yên. Nỗi nghi ngờ của bà Mai càng tăng lên khi trong một lần trông cháu, bà vô tình phát hiện những tin nhắn “ướt át” của con dâu với một người đàn ông khác.

Khi bà hỏi rõ ngọn ngành thì con dâu giãy nảy lên cho rằng bà cố tình đơm đặt, gây mâu thuẫn gia đình và kiên quyết yêu cầu ông bà xây nhà riêng để vợ chồng chuyển ra ngoài. Cũng vì chuyện này mà con trai ông bà từ mặt bố mẹ, gia đình không có giây phút nào yên ổn. Bà Mai lo lắng với kết quả xét nghiệm ADN, không biết con trai ông bà sẽ đón nhận và vượt qua nỗi đau đớn này thế nào.

Còn hàng nghìn những mảnh đời, số phận đang gặp phải khúc mắc, éo le trong cuộc sống, phải tìm đến Viện pháp y quốc gia để thực hiện xét nghiệm ADN. 

Theo lời TS Bùi Đức Nhự, Viện trưởng Viện pháp y quốc gia, có người bố đến đây 3 lần để thực hiện xét nghiệm ADN với 3 người con nhưng cuối cùng, tất cả những người con mà ông chăm sóc, yêu thương bấy lâu đều không phải là con ruột của mình. Hay có trường hợp người đàn ông giàu có, bỏ vợ bỏ con ở quê nhà, đi theo nhân tình và có con riêng để rồi cay đắng phát hiện mình đang “đổ vỏ” cho kẻ khác.

Có người phụ nữ đã bỏ chồng nhưng lại cùng lúc quan hệ tình cảm với 3 người đàn ông, muốn thực hiện giám định để xác định người bố cho đứa con trai của mình. Trớ trêu ở chỗ, người phụ nữ này phải thực hiện giám định đến 3 lần, với 3 người đàn ông khác nhau mà vẫn chưa tìm ra ai là cha đứa trẻ. 

Đến khi trải lòng thật sự, chị này mới tâm sự trong thời gian đó đã từng có nhiều mối tình qua đường với nhiều người, nên bản thân cũng chẳng nhớ mặt hay có bất cứ thông tin nào của những người đàn ông chị từng có quan hệ.

Lại có những người tự tay đạp đổ hạnh phúc mà mình đang nắm giữ, đơn cử như ông Bùi Minh Hoàng (Hà Nội). Có người vợ đảm đang chu toàn và 3 cô con gái xinh đẹp ngoan ngoãn nhưng ông Hoàng lại có “máu ghen” dữ dội. Chỉ cần thấy một tin nhắn lạ, hay vợ vô tình nói chuyện với người đàn ông nào là ông về đánh đập, đọa đày tinh thần vợ. 

Thạc sĩ Đinh Thị Lan

Một lần, người hàng xóm trêu đùa rằng “Mấy đứa con ông chẳng đứa nào giống bố”, ông Hoàng không suy xét gì mà ngay lập tức cho rằng vợ ngoại tình và mang con đến xét nghiệm ADN. Khi kết quả khẳng định “có quan hệ huyết thống”, người đàn ông này vẫn không tin và nghi ngờ vợ “mua” kết quả để qua mặt mình. Đến khi thực hiện xét nghiệm lần thứ 2, hiểu ra vấn đề thì cũng là lúc người vợ đâm đơn ra tòa xin ly dị, cả 3 người con đều xin ở với mẹ vì không chấp nhận người bố đa nghi, vũ phu.

Thực tế, trong suốt quãng thời gian làm nghề, không ít lần TS Bùi Đức Nhự cũng như các đồng nghiệp của mình phải đối mặt với sự cám dỗ của đồng tiền hay những lời đe dọa. 

Thế nhưng, anh khẳng định: “Nơi đây chỉ có sự thật. ADN không biết nói dối, chỉ có con người là luôn mưu mô tính toán những dối trá của đời mình. Trung thực, công tâm, cẩn thận là những đức tính cần thiết cho mọi ngành nghề, đối với người làm xét nghiệm ADN thì càng nên tuân thủ, coi trọng những tiêu chí này”.

*Vì lý do tế nhị nên tên một số nhân vật đã được thay đổi

Đọc thêm