Những gia đình vững bước đi lên
Cách đây chưa lâu, năm 2011, gia đình anh Vũ Ngọc Miền và vợ là Hoàng Thị Hương (thôn Khánh Vân, xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) vẫn thuộc diện hộ nghèo. Gia đình có nghề làm chổi đót, nhưng vốn không có, lại nuôi 3 người con tuổi ăn tuổi học, nên cái khó cứ bó luẩn quẩn ở gia đình anh. Năm 2011, gia đình anh vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tĩnh Gia để đầu tư mua nguyên vật liệu làm chổi. Sau đó, gia đình lại vay vốn chương trình học sinh, sinh viên cho ba cô con gái đi học đại học, với số dư lên đến hơn 80 triệu đồng.
Cái hay của nghề làm chổi đót nhà anh Miền là không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong vùng, tùy sức ai hợp khâu nào làm khâu ấy, công tính theo sản phẩm. Nguyên liệu mua từ vùng núi Thanh Hóa, mỗi tháng hiện giờ nhà làm khoảng 6.000 cái, bán chủ yếu ở thị trường Thanh Hóa – Nghệ An. “Có sự hỗ trợ của NHCSXH nên giờ gia đình tôi làm chổi nuôi con đi học không đến nỗi eo hẹp lắm, lãi có thể ít nhưng không sợ bị lỗ. Nhưng đặc thù làm chổi đót nguyên liệu thu hoạch chỉ trong vài tuần, tôi cũng muốn vay thêm để mua nguyên liệu dự trữ, sản xuất quy mô hơn, thậm chí có thể lập công ty, xuất chổi sang nước ngoài…” – anh Miền tâm sự.
Ở thôn Sơn Hải, xã Ninh Hải, huyện Tĩnh Gia, gia đình ông bà Cao Văn Luyện và Nguyễn Thị Hương là một mẫu mực về phát triển kinh tế. Ra ở riêng năm 1988 cùng hai bàn tay trắng, vốn liếng là sự cần cù, ông bà bươn trải dần dần phát triển. Đầu tiên chế biến moi cá, rồi có tí vốn thì học tập kinh nghiệm nuôi tôm thẻ. Trên con đường phát triển kinh tế của gia đình, 50 triệu đồng vốn chính sách từ chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn cũng giúp ông bà xây dựng cơ sở nuôi trồng gần nhà. Giờ đây, con cái đã trưởng thành, kinh tế gia đình cũng vững mạnh với cơ sở chế biến nông sản, nuôi tôm, làm nước mắm…, gia đình ông bà không những tạo việc làm
thường xuyên cho khoảng 10 người và thời vụ cho hàng chục người, mà còn là mô hình điểm về phát triển kinh tế trong vùng.
Ngoài ra, có thể kể tới hộ chị Lê Thị Duyên (thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm) vay vốn Hộ nghèo 50 triệu đồng, giờ gia đình chị đã có đàn bò với 13 con, hay gia đình anh Lê Hữu Quyến (thôn 3, xã Định Hải) vay vốn cận nghèo 45 triệu đồng hiện gia đình đã có một xưởng sản xuất gạch cốm lớn, gia đình anh Cao Đình Diện (thôn 7, xã Định Hải) vay vốn chương trình dành cho hộ thoát nghèo 40 triệu đồng, đến nay gia đình anh đã có 150 con lợn thịt và 4 con bò, kinh tế ngày một khá giả…
Góp phần thay đổi diện mạo vùng quê
Sau 16 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP tại huyện Tĩnh Gia, từ ban đầu chỉ 2 chương trình với tổng dư nợ là 20 tỷ đồng, đến nay, toàn huyện dư nợ đã đạt 519.709 tỷ đồng với 15.352 hộ còn vay vốn, tăng 496,8 tỷ đồng, gấp 24 lần so với năm 2003, với 16 chương trình tín dụng đang thực hiện. Đến ngày 30/9/2018 nợ quá hạn là 614 đồng, chiếm 0,12% tổng dư nợ, giảm so với đầu năm là 39 triệu đồng.
Việc đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 24% xuống 9% (giai đoạn 2011 - 2015), giảm tỷ lệ hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều từ 15,84% năm 2016 xuống còn 9,14% năm 2017. Nguồn vốn này đã làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 96 ngàn lượt hộ, giúp cho 42.869 hộ nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước quen dần với cơ chế thị trường, góp phần đưa gần 9.443 hộ vượt qua ngưỡng nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách.
Đặc biệt, vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện…, tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương.
“Có thể thấy, hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi đã góp phần tạo công ăn việc làm cho trên 15 ngàn lao động, phát huy được lợi thế, thế mạnh của từng miền, từng vùng, từng hộ gia đình, tạo điều kiện sản xuất, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, tình trạng bán lúa non, bán và cầm cố ruộng đất ở nông thôn, đời sống dân nghèo được cải thiện góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương” – ông Bùi Huy Hạnh, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Tĩnh Gia, chia sẻ.