Bị "con nuôi" của "đại ca" dẫn theo nhóm người vô cớ đập nát đôi chân
Khoảng 20h30' ngày 19/12/2018, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1987, trú xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) đang đứng nghe điện thoại trong sân nhà thì bị 5-7 đối tượng lạ mặt xông vào bắt, khống chế ra cổng. Cùng lúc này, khoảng 20-30 đối tượng bước xuống từ các xe ô tô 16 chỗ và 4 chỗ, vây kín cổng nhà nạn nhân.
Tiếp đó, khoảng 5 đối tượng trực tiếp vừa dùng gậy gỗ vừa khống chế, đánh đập, chủ yếu nhằm vào đôi chân nạn nhân quật tới tấp cho đến khi người này gục hoàn toàn, bất tỉnh nhân sự bọn chúng mới bỏ đi. Anh Hùng được đưa đi cấp cứu, bác sỹ sau đó kết luận anh bị vỡ hai mắt cá chân, gãy xương chân bên phải, kết quả giám định thương tật là 25%.
Thông tin với PV báo Pháp luật Việt Nam, lãnh đạo Công an huyện Đông Hưng cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra Cơ quan CSĐT đã lập tức vào cuộc, thực hiện đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, làm rõ vụ án. Đến nay, cơ quan này đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 15 bị can để điều tra hành vi "Cố ý gây thương tích".
Bùi Mạnh Tiến (biệt danh Tiến "trắng") được cơ quan công an xác định là đối tượng có vai trò chính, đầu vụ trong vụ án trên. Theo tìm hiểu, Tiến "trắng" được biết đến là con nuôi của một "đại ca" khét tiếng ở TP. Thái Bình chuyên cho vay nặng lãi, bảo kê đấu đất núp bóng công ty bất động sản. Chính Bùi Mạnh Tiến trước đó bị tố cáo nhận lệnh của "bố nuôi" dẫn người cầm theo đao kiếm xuống chiếm giữ, đập phá tan hoang trụ sở của doanh nghiệp chế biến, sản xuất gỗ ở xã Vũ Chính, TP. Thái Bình vì chưa trả được nợ.
Doanh nghiệp tan hoang, doanh nhân vướng lao lý, bố qua đời không được về chịu tang
Ông Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962, trú TP. Thái Bình) từng có 3 năm tham gia quân đội tại Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 147 Hải quân đánh bom. Từ năm 1985 đến 1992 làm việc tại Công ty Cầu đường Thái Bình. Năm 1988, ông Lẫm lấy vợ là bà Phạm Thị Quyết (SN 1967) sau đó từ năm 1992 hai vợ chồng ở nhà làm nghề sản xuất đồ gỗ. Đến năm 2006, nhờ uy tín và chất lượng sản phẩm trên thị trường, ông Lẫm bà Quyết thành lập cơ sở kinh doanh đồ gỗ Lâm Quyết, năm 2010 thành lập Cty TNHH Lâm Quyết chuyên sản xuất kinh doanh chế biến đồ gỗ, lâm sản, tạo công ăn việc làm cho gần 30 lao động tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Xuân Biên, Chủ tịch UBND xã Vũ Chính, TP. Thái Bình và ông Phạm Xuân Bền, Trưởng Công an xã (nơi doanh nghiệp thuê đất, đặt trụ sở, xưởng sản xuất từ năm 2006), trước khi xôn xao chuyện ông Lẫm bà Quyết bị vỡ nợ và bị công an bắt tạm giam vào năm 2017 thì không thấy xuất hiện điều tiếng gì, doanh nghiệp làm ăn bình thường, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước.
Trước đó, cầu cứu đến nhóm PV báo Pháp luật Việt Nam, gia đình ông Lẫm bà Quyết tố cáo ông Nguyễn Xuân Đường (thường gọi “Đường Nhuệ”, trú tại TP. Thái Bình) với nội dung ông Đường đồng ý cho công ty vay số tiền 1.700.000.000 triệu đồng với lãi suất thoả thuận miệng là 2 nghìn/1 triệu/1 ngày (tức khoảng 73 %/năm).
Khi doanh nghiệp chưa có khả năng trả nợ thì ông Đường cho người xuống chiếm giữ, đập phá trụ sở công ty, lấy đi nhiều tài liệu, giấy tờ quan trọng. Doanh nghiệp từ chỗ đang sản xuất, kinh doanh ổn định để thanh toán công nợ, trả lương cho người lao động bỗng lâm vào cảnh ngưng sản xuất, công việc đình trệ, người lao động mất việc làm, thất nghiệp.
Công an TP. Thái Bình bị phản ánh rằng sau đó, lúc triệu tập Công ty TNHH Lâm Quyết lên để giải quyết vụ việc đã không khách quan khi không xem xét, giải quyết nội dung trụ sở công ty bị chiếm giữ, đập phá tài sản, tẩu tán tài liệu, giấy tờ; không khám nghiệm hiện trường để điều tra hành vi hủy hoại, chiếm đoạt tài sản của nhóm người do ông Đường chỉ đạo, không xác minh làm rõ nội dung tố cáo ông Đường gọi điện đe doạ giết người, ép bán, nhượng quyền doanh nghiệp.
Thay vào đó, Công an TP. Thái Bình lại có dấu hiệu hình sự hoá các mối quan hệ dân sự để khởi tố, bắt giữ chủ doanh nghiệp Lâm Quyết với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đẩy doanh nhân vào vòng lao lý, bức tử doanh nghiệp. Bố ông Lẫm do tuổi cao sức yếu lại nghe tin vợ chồng con trai bị bắt giam thì bệnh càng nguy kịch và không qua khỏi, vợ chồng doanh nhân làm nên từ đôi bàn tay trắng từng là niềm tự hào của dòng họ, vậy mà khi bố mất cũng không thể về chịu tang.
Anh Nguyễn Văn Hà (con trai ông Lẫm, bà Quyết) nghẹn ngào: "Nếu ngay từ đầu Công an TP. Thái Bình có biện pháp ngăn chặn quyết liệt, hoặc ít nhất là nhanh chóng khám nghiệm hiện trường vụ đập phá công ty Lâm Quyết từ đó có căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các hành vi hủy hoại tài sản, đe doạ giết người thì có lẽ bố mẹ tôi đã không bị bắt, công ty không bỏ hoang hơn một năm nay. Và Tiến "trắng", kẻ nhận lệnh của ông Đường xuống chiếm giữ, hủy hoại tài sản của công ty Lâm Quyết sau đó chắc chắn không có cơ hội dẫn mấy chục người đến huyện Đông Hưng để đập nát chân người khác như vậy".
Người phụ nữ nhiều lần bị doạ giết cả nhà vẫn giữ được "tinh thần thép"
Sau khi nhóm PV báo Pháp luật Việt Nam vào cuộc điều tra, tìm hiểu, đăng tải thông tin hai vụ việc nêu trên, chúng tôi tiếp tục nhận được đơn tố cáo của bà Đinh Thị Lý (SN 1964, trú TP. Thái Bình).
Bà Lý tố cáo ông Nguyễn Xuân Đường nhận đòi nợ thuê, vô cớ đánh con trai bà là anh Mai Thế Duy bị thương tích 15% ngay tại phòng tiếp dân, trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP. Thái Bình vào năm 2014.
Công an TP. Thái Bình đã khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích”, song sau đó lại quyết định tạm đình chỉ điều tra từ đó đến nay với lý do không tìm thấy bị can. Điều này gây bức xúc, bất bình cho gia đình bà Lý cũng như dư luận quần chúng tại địa phương.
Nhưng bà Lý vẫn giữ nguyên một niềm tin: "Nếu tôi buông bỏ thì tội phạm sẽ không bị truy cứu đến cùng, rồi chúng lại được nước lộng hành, coi thường kỷ cương phép nước. Rồi lại có thêm những gia đình, những số phận bị chúng chà đạp, hủy hoại giống như chúng tôi. Cho dù có chết tôi cũng vẫn sẽ theo đuổi đến cùng sự việc này".