Tin được không: Ly cà phê “phân voi” có giá bằng 1kg cà phê thông thường!

(PLVN) - Sự thật đó nằm trong ly cà phê Black Ivory có xuất xứ từ miền Bắc Thái Lan. Trên những ngọn đồi xanh mướt ở vùng phía Bắc Thái Lan, những đàn voi được chăm sóc và nuôi dưỡng đặc biệt để “thải” ra một trong những loại cà phê tinh túy và đắt đỏ nhất thế giới, cà phê Black Ivory.
Tin được không: Ly cà phê “phân voi” có giá bằng 1kg cà phê thông thường!

Được biết đến như ngà voi đen, loại cà phê phân voi này có giá 1.500 USD/kg, vượt qua giá của loại cà phê cũng được xem là hảo hạng là cà phê chồn. Hiện nay cà phê chồn có mức giá từ 500 USD – 1000 USD/kg.

Ly cà phê "đặc sản" từ phân voi  

Quá trình sản xuất phía sau loại cà phê thượng hạng này bắt đầu từ những chú voi ở Thái Lan. Theo AP, loại cà phê mới này được sản xuất tại vùng núi thuộc tỉnh Chiang Rai. Cà phê chồn cũng được tạo ra theo cách tương tự với những chú chồn châu Á. Anh Blake Dinkin, doanh nhân Canada, người đã chi tới 200.000 bảng Anh để nghiên cứu việc phát triển loại cà phê này.

Theo đó, Dinkin bắt đầu chuyển sang làm cà phê từ voi sau khi thử nghiệm tại một vườn thú ở Canada. Tháng 10/2012, anh mở công ty Black Ivory Coffee tại Chiang Rai, trước khi chuyển tới trang trại Ban Ta Klang thuộc tỉnh Surin, Thái Lan.

Ban đầu, khi bắt tay thực hiện, cầy hương mới là loài động vật được Dinkin nhắm đến để sản xuất thứ cà phê Kopi luwak với quả được thu lượm từ chất thải của loài động vật châu Á này. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tăng lên ở khu vực Đông Nam Á – đặc biệt là tại các thị trường Thái Lan, Indonesia và Việt Nam – chất lượng của cà phê Kopi luwak lại giảm sút. Không những thế, để tạo ra loại cà phê này. Không những thế, để tạo ra loại cà phê này, cầy hương lại bị nhốt trong chuồng và buộc phải ăn quả cà phê, việc đi ngược lại với mong muốn bảo tồn thiên nhiên của Dinkin.

 

Sau cầy hương, sư tử và hươu cao cổ cũng là những phương án lọc cà phê sinh học được tính đến. Nhưng loài sinh vật cuối cùng lọt vào mắt xanh của Dinkin là voi, bởi anh phát hiện vào những thời điểm có hạn hán ở Đông Nam Á, quả cà phê đôi lúc cũng trở thành thức ăn của sinh vật to lớn này. Dự án cà phê voi Thái ban đầu vấp phải sự phản đối của tổ chức từ thiện bảo vệ loài voi. Nhưng sau khi chứng minh được rằng loài voi không bị ảnh hưởng gì khi ăn cà phê do “chất caffeine không thoát ra ngoài hạt cà phê trừ khi chúng được đun sôi lên...”, dự án cà phê voi Thái đã có những bước tiến dài.

Dự án cũng trích 8% số tiền bán cà phê để chi trả cho các hoạt động thú y cũng như cơ sở vật chất của quỹ bảo vệ loài voi. Nhiều gia đình địa phương cũng nhờ dự án này mà có thêm việc làm, nhờ đó tăng thu nhập. Cụ thể, anh Dinkin trả cho họ khoảng 10 USD, khoản thu nhập tương đối cao tại Thái Lan cho công việc 15 phút này. Trong khi đó, cũng tại khu vực này, người lao động được trả 6 USD trong cả một ngày thu hoạch lúa vất vả.

Thương hiệu cà phê Black Ivory đắt đỏ

Có khoảng 27 con voi làm nhiệm vụ ăn và thải ra hạt cà phê tại đây. Tại đây, voi được cho ăn quả cà phê Arabica của Thái. Đầu tiên, quả cà phê Arabica nguyên chất trồng trên các ngọn đồi được những người phụ nữ hái hoàn toàn bằng tay...

Tiếp đó, quả cà phê được pha trộn với một vài loại trái cây và gạo để trở thành hỗn hợp thức ăn cho những chú voi. Dạ dày và ruột voi được ví như một chiếc nồi hầm độc đáo. Không chỉ vậy, cà phê do voi thải ra còn có vị... trái cây do được tiêu hóa cùng với chuối, mía và một số loại khác, và phải mất từ 15 đến 30 giờ tính từ lúc voi ăn hạt đến khi “ra thành phẩm”.

Phải mất từ 15- 30 giờ để quá trình tiêu hóa diễn ra, kết hợp cùng nhiều nguyên liệu trong khẩu phần ăn khác như chuối, mía...để truyền tải được đầy đủ hương vị của đất và các loại trái cây vào từng hạt cà phê. Đó là quá trình lên men tự nhiên, quá trình ấy mang tới hương vị hoàn toàn khác biệt cho cà phê phân voi. Dinkin cho biết, axít trong ruột voi sẽ loại bỏ protein trong hạt cà phê (vốn là nguyên nhân tạo ra vị đắng), nhờ đó khi được tách lọc sau quá trình đào thải chất thừa của voi sẽ tạo ra hương vị đặc biệt, không còn đắng như cà phê thông thường.

Khi phân voi được đào thải ra khỏi cơ thể, những người phụ nữ lại có nhiệm vụ thu thập chúng. Cuối cùng, mang chúng đi rửa kỹ và quả cà phê được trích xuất để tách lấy hạt cà phê rồi gửi tới một nhà máy rang xay ở Bangkok. Mỗi năm chỉ có 200kg cà phê phân voi được sản xuất. 33kg quả cà phê Arabica của Thái mới thu hoạch được 1kg cà phê phân voi, bởi đa số hạt cà phê đều bị voi nhai nát, mất mát không thể thu hồi. Sản phẩm cuối cùng được cho là có hương thơm đậm đà, mùi socola hạt dẻ và vị anh đào cùng thuốc lá.

Hương vị của Black Ivory khá giống với cà phê chồn Kopi Luwak, loại cà phê được chế biến theo hình thức tương tự từ phân cầy hương. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vị của Black Ivory còn có phần thơm ngon, đậm đà hơn. Cũng bởi vậy, giá của cà phê phân voi rất đắt đỏ. Được biết, khoảng 27 con voi ước tính sản xuất được khoảng 150 kg cà phê trong năm. Sự khan hiếm của loại đồ uống này là một thành tố quan trọng trong việc góp phần tạo nên thương hiệu cà phê voi. Năm 2015 là mùa vụ cà phê voi Black Ivory thứ ba thành công. 150kg cà phê có mức giá 1.880 USD/kg (khoảng 37,8 triệu đồng), hay 13 USD (gần 300.000 đồng) một tách espresso.

Dù giá của loại cà phê hảo hạng này không hề rẻ, nhưng theo xu hướng của những người sành uống cà phê, cà phê voi Thái Lan đủ sức hấp dẫn khiến thực khách phải săn lùng và vui lòng mở hầu bao chi trả. Dinkin nhận được đề nghị sản xuất ra Đông Nam Á và châu Phi. Vào tháng 2/2017, 2, Black Ivory Coffee được tung sản phẩm ra thị trường Đan Mạch và Thái Lan, hợp tác cùng hãng sản xuất bia Mikkeller có trụ sở tại Copenhagen và sẵn sàng tới tay người tiêu dùng.

Sản phẩm được tiêu thụ bởi 25 khách sạn xa xỉ ở châu Á và anh cũng kỳ vọng tiếp cận được các khách sạn châu Âu và nhà hàng đạt sao Michelin. Nổi tiếng với phong cách chế biến tinh tế, cà phê voi cũng được phục vụ ở một số khu nghỉ mát 5 sao tại Thái Lan, Malaysia và Maldives. Tại MGM Macau, cà phê voi chỉ được phục vụ ở những phòng đánh bạc VIP.

Nhân viên tại cửa hàng cà phê Grand Praca của MGM Macau cho biết, từ khi loại đồ uống này được bổ sung vào thực đơn, đã có 1-2 đơn đặt hàng mỗi ngày. “Khách hàng đi theo nhóm 3 – 4 người đến thử cà phê. Họ nói rằng họ muốn thử loại cà phê này vì nó rất đặc biệt”, nhân viên này cho hay. Hiện nay, loại cà phê này còn có mặt ở khắp nơi trên thế giới và mức tiêu thụ ngày càng tăng. Theo Bloomberg, năm 2016, thế giới đã tiêu thu gần 1,3 nghìn tỷ ly espresso. 

Đọc thêm