Tín hiệu vui cho làng nghề làm đồ chơi truyền thống

Hàng trăm năm qua, những người dân thôn ông Hảo, xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên vẫn miệt mài đóng những chiếc trống, làm đầu sư tử, đầu lân, mặt nạ…, với thu nhập chủ yếu từ “lấy công làm lãi”. Nhưng từ những tháng đầu năm nay, cơ sở sản xuất của họ nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của khách khắp trong Nam ngoài Bắc...

[links()]Là một trong số ít những làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống còn giữ được lửa nghề, hàng trăm năm qua, những người dân thôn ông Hảo (làng Hảo), xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên vẫn miệt mài đóng những chiếc trống, làm đầu sư tử, đầu lân, mặt nạ…, với thu nhập chủ yếu từ “lấy công làm lãi”. Nhưng họ vẫn quyết tâm giữ bằng được cái nghề mà ông cha để lại.

Vũ Hữu Trường – con trai chị Thoàn tiếp nối nghề truyền thống của gia đình
Vũ Hữu Trường – con trai chị Thoàn tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.

“Cả làng chỉ còn khoảng chục hộ vẫn giữ nghề”

Qua những ngõ ngoằn nghèo, những dãy nhà cao tầng san sát, khá khó khăn chúng tôi mới tìm đến được cơ sở sản xuất của gia đình chị Vũ Thị Thoàn – một trong những cơ sở sản xuất đồ chơi trung thu truyền thống lớn nhất thôn Hảo.

Do đến đúng dịp cao điểm xuất hàng đi các đại lý trên khắp cả nước nên phải đi lại vài lần chúng tôi mới gặp được chị. Chị là thế hệ thứ 2 trong gia đình làm nghề bưng trống, thuộc da. Trước đó, bố của chị cũng gắn bó với nghề cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. 54 tuổi nhưng chị đã có tới hơn 40 năm làm nghề.

Đôi tay thoăn thoắt, chị vừa tranh thủ tô sơn vào những chiếc mặt nạ vừa kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của làng nghề: “Tôi không nhớ rõ làng nghề có từ năm bao nhiêu, chỉ biết rằng nó có từ thời Pháp thuộc và ông Tổ của làng nghề là cụ Tư Chử - một người con của làng.

Cụ có tài thuộc da, bưng trống rất cừ. Trong một lần tham gia hội thi do người Pháp tổ chức, cụ đạt giải cao nhất và được xây tặng 1 căn nhà đến nay vẫn còn giữ được. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tìm đến nhà cụ xin học nghề và từ đó làng nghề thuộc da, bưng trống ra đời. Người dân thôn Hảo không chỉ làm trống đồ chơi mà còn làm trống to để đưa vào trường học, lễ hội. Nghề làm trống, thuộc da đã giúp nhiều người dân trong làng thoát nghèo, nuôi con ăn học”.

Anh Vũ Huy Đông – anh trai của chị Thoàn, chủ một cơ sở sản xuất trống, đầu sư tử, mặt nạ vào loại lớn của thôn Hảo. Trở về sau chuyến đi giao hàng ở Hà Nội, anh vội vàng bắt tay vào công việc cùng với gia đình để cho kịp đơn đặt hàng của khách.

Anh tâm sự: “Gia đình tôi đã gắn bó với nghề sản xuất trống mấy chục năm rồi. Vì muốn gắn bó và giữ nghề làm trống, mấy năm trở lại đây tôi sản xuất thêm đầu sư tử, mặt nạ để dễ bán hơn. Làm nghề thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và phải sáng tạo, có như thế mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Tuy thu nhập không cao, chủ yếu lấy công làm lãi nhưng nó tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình và một số hộ trong làng lúc nông nhàn”.

Anh Đông cũng cho biết, ngay từ tháng 4 (âm lịch) hàng năm, các khách hàng từ Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Huế…, đã về đặt hàng, có nơi họ đặt hàng làm theo mẫu. Đến đầu tháng 7 âm lịch bắt đầu xuất hàng.

Để cung cấp đủ hàng phục vụ mỗi mùa trung thu, ngoài huy động anh em họ hàng, gia đình anh thuê thêm các hộ trong làng gia công các sản phẩm. Tiền công người làm được tính theo số lượng sản phẩm. Bình quân mỗi năm gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 20 nghìn chiếc mặt nạ, 25 nghìn cặp trống các loại, 10 nghìn cặp đầu sư tử. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh ồ ạt của đồ chơi Trung Quốc, hàng hóa làm ra ế ẩm, người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm truyền thống khiến làng Hảo nhiều phen điêu đứng. Trước đây hầu như nhà nhà làm nghề thì nay không mấy nhà trụ lại được. “Hiện nay cả thôn có trên 1.300 nhân khẩu nhưng chủ yếu làm trong các khu công nghiệp, chứ người làm nghề không nhiều, giờ còn khoảng chục hộ làm thôi” ông Nguyễn Đình Vợi – Trưởng thôn Hảo buồn bã.

Tín hiệu vui cho một năm khởi sắc

Ngay từ những tháng đầu năm, cơ sở sản xuất của chị Thoàn, anh Đông đều nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của khách khắp trong Nam ngoài Bắc. Tính đến thời điểm này, cơ sở sản xuất của chị Thoàn đã xuất được hơn 50 nghìn cặp trống, mặt nạ, đầu sư tử; cơ sở nhà anh Đông cũng xuất với số lượng không kém, thậm chí còn làm không kịp bán.

Nói về sự tăng trưởng đột ngột này, chị Thoàn lý giải: "Trước những thông tin về chất lượng đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhiều người thay vì lựa chọn hàng Trung Quốc như mọi năm thì nay lại tìm về với hàng truyền thống. Trong khi đó, những làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống như chúng tôi nay đâu còn nhiều. Vì thế, chúng tôi làm không kịp bán, thậm chí phải từ chối cả đơn đặt hàng do sợ chậm tiến độ giao hàng".

Ông Lưu Đình Thời – Chủ tịch UBND xã Liêu Xá, cho biết: “Trong thời gian tới, địa phương sẽ có những kiến nghị lên UBND huyện, tỉnh để quy hoạch khu tiểu thủ công nghiệp cho làng Hảo và có những chiến lược phát triển cụ thể. Có như vậy mới hy vọng giữ được nghề truyền thống và đảm bảo vệ sinh môi trường”.

Sản xuất đồ chơi trung thu truyền thống không chỉ được làm từ những vật liệu gần gũi với con người như: giấy, bìa cốt tông, sơn tổng hợp,..  ít ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn mang đậm hồn dân tộc, giúp các em thiếu nhi thêm hiểu biết về những nét đẹp văn hóa dân gian. Hy vọng sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong thời gian tới làng Hảo không chỉ giữ được nghề mà ngày càng phát triển bền vững.

Ngọc Mỹ - Xuân Hân

Đọc thêm