Gửi tin từ sau 22h00 đến trước 7h00 hôm sau là vi phạm
Ông Nguyễn Văn Du (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Điện thoại di động của tôi liên tục nhận được các tin nhắn “rác” mời mua căn hộ chung cư, mời mua vé xem ca nhạc, hài kịch, thông báo trúng thưởng… mặc dù tôi tuổi đã cao và không có nhu cầu sử dụng những dịch vụ này. Thậm chí, có lúc đang ngủ, tầm khoảng 11- 12 giờ đêm thì giật mình tỉnh dậy, tưởng có việc gì quan trọng hoá ra là tin nhắn “rác” nội dung không đâu vào đâu. Cơ quan chức năng đã có quy định hạn chế việc phát tán tin nhắn “rác”, tin nhắn lừa đảo? Chế tài xử phạt như thế nào? Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông ra sao, thưa Quý Tòa soạn?”.
Về vấn đề này, không phải riêng ông mà rất nhiều người sử dụng điện thoại di động (trả trước và trả sau) đều phàn nàn vì sự phiền toái do tin nhắn “rác”, tin nhắn lừa đảo liên quan đến bói toán, cờ bạc, lô đề... mà họ nhận được cả ngày lẫn đêm. Theo quy định pháp luật, hành vi gửi tin nhắn quảng cáo mà không có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận hoặc gửi tin nhắn sau 22h00 đến trước 7h00 hôm sau là vi phạm nguyên tắc gửi tin nhắn quảng cáo đã được pháp luật quy định.
Tại Khoản 1, Khoản 6 Điều 7 Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư “rác” quy định: “Chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận.(…) Không được phép gửi quá một tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7h00 giờ đến 22h00 mỗi ngày trừ trường hợp đã có thoả thuận khác với người nhận”.
Trách nhiệm của “nhà mạng”
Để ngăn chặn việc phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng, ngày 24/12/2014 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn “rác”, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Bên cạnh yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử… phải thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, Chỉ thị này cũng quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông di động và cung cấp dịch vụ nội dung thông tin như sau: …“8.1.
Triển khai các đợt nhắn tin tới tất cả các thuê bao thuộc mạng của mình theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng về phòng, chống tin nhắn “rác”, tin nhắn lừa đảo; báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thông báo cho người sử dụng về các vụ việc tin nhắn “rác”, tin nhắn lừa đảo có quy mô rộng rãi và có tính chất nghiêm trọng. 8.2.
Tăng cường rà soát, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin hợp tác với mình; trường hợp phát hiện doanh nghiệp nào có dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cung cấp dịch vụ có nội dung không lành mạnh, nội dung vi phạm pháp luật thì chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh theo các điều khoản quy định trong hợp đồng, đồng thời báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ, Cục An toàn thông tin) để theo dõi và xử lý theo quy định của pháp luật. 8.3. Xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn “rác” theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa trong nội dung một cách hiệu quả theo quy định; chủ động thống kê, thu thập các từ khóa thường xuyên xuất hiện trong tin nhắn “rác” và cập nhật cho hệ thống ngăn chặn tin nhắn “rác”…”.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin, văn bản nói trên quy định phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn trên đầu số dịch vụ của mình; nghiêm túc, tích cực thực hiện các yêu cầu điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn “rác”, tin nhắn lừa đảo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chủ động phối hợp với doanh nghiệp viễn thông di động trong việc xử lý các khiếu nại về dịch vụ nội dung liên quan tới dịch vụ của mình; đồng thời phải niêm yết, công khai đầy đủ, rõ ràng giá, cước dịch vụ, đồng thời phải cung cấp các thông tin về điều kiện cấu hình, loại máy điện thoại nào mới có thể sử dụng được dịch vụ khi quảng cáo dịch vụ nội dung qua tin nhắn trên các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in, tờ rơi…; công bố đầy đủ thông tin về giá, cước của dịch vụ ngay bên cạnh cú pháp tương ứng với dịch vụ đó trên trang tin điện tử của mình và trong các chương trình quảng cáo.
Đặc biệt, khi quảng cáo dịch vụ nội dung qua tin nhắn, dịch vụ nhắn tin trúng thưởng hoặc các chương trình bình chọn, quyên góp, ủng hộ phải niêm yết thì phải cung cấp đầy đủ, rõ ràng thông tin về giá cước.
Nếu vi phạm các quy định về gửi tin nhắn “rác”, cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số hay tạo hàng loạt cuộc gọi nhỡ nhằm dụ dỗ người sử dụng gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến các số cung cấp dịch vụ nội dung… thì sẽ bị xử phạt từ 40.000.000 đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ từ 1 - 3 tháng; buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông; tước quyền sử dụng mã số quản lý, tên định danh từ 1 - 3 tháng.
Cần lưu ý, mức phạt tiền trên đây được áp dụng đối với tổ chức. Còn cá nhân nếu thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.