Bộ Xây dựng “chỉ mặt đặt tên” đối tượng chính gây “sốt đất”

(PLVN) - “Cùng với sự tăng giá do có sự đầu tư phát triển hạ tầng tại một số đô thị, dự án cụ thể thì cũng có một số hiện tượng giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính”, Bộ Xây dựng đánh giá.
Một biển cảnh báo “cò” đất tại TP HCM.
Một biển cảnh báo “cò” đất tại TP HCM.

Trong một văn bản mới đấy, đánh giá về thị trường BĐS năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết giá nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn có xu hướng tăng hơn so với năm 2019. Tuy nhiên, biên độ tăng giá rất khác nhau giữa các địa phương cũng như tại từng khu vực cụ thể của mỗi địa phương.

“Nếu tính theo mức giá bình quân trên địa bàn cấp tỉnh hoặc cấp huyện thì mức độ tăng giá nhà ở riêng lẻ, đất nền tại các địa phương chỉ khoảng 3-5%. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường tại một số địa phương, có hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số dự án, khu vực với mức tăng mạnh”, báo cáo của Bộ Xây dựng nêu.

Cụ thể, tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý trong làng xã các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức có mức giá 25 – 30 triệu/m2 tăng 50% so với năm 2019; các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 – 30% so với năm 2019.

Còn tại TP HCM, theo Bộ Xây dựng, kể từ sau thông tin sẽ sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một TP mới, giá nhà đất ở các quận này liên tục tăng nhiều đợt. Ghi nhận trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…, quận 9, vị trí đất mặt đường lên tới 100 triệu đồng/m2; tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2, tăng khoảng 40% so với năm 2019.

Tại Đồng Nai, với lợi thế tiếp giáp khu Đông TP.HCM và việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, giá đất bình quân năm 2019 khoảng 12-14 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên khoảng 22 triệu đồng; đất tại thị trấn Long Thành có nơi đã tăng đến 100 triệu đồng/m2.

Tại Cần Thơ, các dự án gần trung tâm TP, gần đường lớn có mức giá bình quân từ 40 – 60 triệu đồng/m2; dự án nằm trong lớp trong, tiếp giáp đường nhỏ có mức giá từ 20-30 triệu đồng/m2; mức giá này tăng khoảng 7% so với năm 2019.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, qua ghi nhận, đánh giá của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì việc tăng giá mạnh và cục bộ tại một số khu vực thì giao dịch chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu cơ.

“Cùng với sự tăng giá do có sự đầu tư phát triển hạ tầng tại một số đô thị, dự án cụ thể thì cũng có một số hiện tượng giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính”, Bộ Xây dựng đánh giá.

Theo các chuyên gia, việc thổi giá BĐS chỉ làm lợi cho những nhóm cơ hội còn người có nhu cầu thực bị thua thiệt khi giá đất bị đẩy lên cao hơn giá trị thực.

Một chuyên gia bất động sản cho rằng đối với các dự án vùng ven ghi nhận mức tăng từ 40% trở lên trong thời gian ngắn thì không có căn cứ, bởi cơ sở hạ tầng chưa có nhiều chuyển biển trong khi giá đất tăng phải đi kèm với phát triển hạ tầng xung quanh.

Nêu mục tiêu cụ thể giai đoạn 5 năm tới cũng như  năm 2021, Bộ Xây dựng cho biết, Nhà nước sẽ chủ động kiểm soát, điều tiết và định hướng sự phát triển ổn định thị trường bất động sản, khắc phục tình trạng thị trường ngầm, phát triển tự phát và đầu cơ bất động sản.

Bộ cũng sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện Hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường BĐS đảm bảo kết nối và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, BĐS. Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia thị trường BĐS theo cơ chế thị trường. Quản lý các dự án đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch, chủ động kiểm soát, điều tiết đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định, công khai, minh bạch. 

Đánh giá từ góc độ pháp luật, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tất cả những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới lợi ích công cộng đều là những hành vi có thể đưa vào chế tài hình sự để xử lý, do vậy, cần phải xây dựng những tội danh mới trong Bộ luật Hình sự. Theo luật sư này, những hành vi “thổi giá” lên cao thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng rõ ràng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường BĐS, xâm phạm tới lợi ích của người dân.

Đọc thêm