Khu đô thị “nhà giàu” bị mùi hôi bãi rác “tấn công”

(PLO) - Không chỉ khu đô thị "nhà giàu" Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM) bị ảnh hưởng, một số khu dân cư cạnh bên cũng bị mùi hôi tra tấn. Mùi khó chịu “khủng khiếp" xuất hiện từ ban đêm tới sáng. Nhiều gia đình không dám mở cửa sổ vào ban đêm. Người đi tập thể dục buổi sáng cũng đành bỏ cuộc vì không chịu nổi mùi xú uế nồng nặc xộc vào mũi.
Hình minh họa
Hình minh họa

“Ở khu dân cư mà tưởng đang ở khu xử lý rác”

Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng (quận 7) vừa gửi đơn kiến nghị UBND TP HCM có biện pháp giải quyết tình trạng phát sinh mùi hôi lan tỏa trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại khu đô thị.

Theo đơn kiến nghị, thời gian qua khu đô thị Phú Mỹ Hưng phát sinh mùi khó chịu, người dân phản ánh gay gắt vì ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của họ.

Công ty đã tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trạm xử lý nước thải nhưng kết quả các công trình đều đảm bảo.

Cũng theo Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, mùi khó chịu được phát hiện từ nơi khác theo hướng gió bay vào các khu dân cư của Phú Mỹ Hưng và lân cận. Kiến nghị của công ty cũng được gửi đến thường trực Thành ủy, HĐND thành phố, Sở Tài nguyên môi trường và các đơn vị liên quan.

Trao đổi với báo chí, một phụ nữ ở đây cho biết, ban đầu chị nghĩ là mùi cây xanh chết vào mùa mưa, hoặc mùi phân bón cây vì khu vực này có rất nhiều cây xanh. "Mùi nồng nặc lắm, không thể chịu nổi. Ở khu dân cư mà cứ tưởng mình đang ở khu xử lý rác thải, chị nói.

Theo người dân, mùi hôi nặng nề nhất khoảng 19h-20h và chỉ có thể diễn tả bằng hai từ "kinh khủng", nồng nặc đến độ đã đóng kín cửa vẫn ngửi thấy. Một số giáo viên cũng phản ánh mùi khó chịu ảnh hưởng đến việc dạy và học.

Không chỉ khu đô thị "nhà giàu" trên bị ảnh hưởng, một số khu dân cư cạnh bên cũng chịu chung hoàn cảnh. Một người đàn ông nhà ở khu dân cư Tân Mỹ (gần đường Hoàng Quốc Việt, quận 7) cho biết, suốt mấy tháng nay anh không dám đi ra ngoài vào ban đêm vì mùi khó chịu không chịu nổi. "Cứ như mùi bể phốt, kinh khủng lắm mà ban ngày hoàn toàn không có, chỉ có ban đêm tới sáng ", anh nói.

Tại huyện Nhà Bè, người dân khu vực cầu Phú Xuân và khu Hoàng Anh Gia Lai cũng phản ánh thời gian qua thường xuyên nghe mùi hôi. Mùi khó chịu xuất hiện bất kỳ giờ giấc nhưng nhiều nhất là buổi sáng và chiều tối.

Người dân tập thể dục buổi sáng phải đeo khẩu trang. Nhiều người bỏ tập vì không chịu nổi mùi hôi xộc thẳng vào mũi.

Nhiều gia đình ban đêm không còn dám mở cửa sổ sau nhiều đêm mất ngủ vì mùi hôi. Một người kể: "Làm việc mệt, ra mở cửa hóng chút gió trời thì mùi hôi khó chịu như rác xộc lên tận óc. Nó xuất hiện bất chợt, không biết lúc nào mà lần".

Người dân sống dọc Quốc lộ 50 - nối huyện Bình Chánh và quận 8 – cũng than hàng ngày phải chịu đựng mùi hôi của cả nghìn xe chở rác rầm rập chạy đến nơi tập kết tại xã Đa Phước. Nhất là những hôm trời mưa, mùi khó chịu càng “khủng khiếp”. 

Kiểm tra tất cả các nguồn có khả năng phát sinh mùi hôi

Chiều 31/8, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, cơ quan chức năng đã trả lời một số vấn đề liên quan chuyện TP HCM bị mùi hôi “tấn công”. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết:

Hiện nay ở TPHCM có hiện tượng mùi hôi gây khó khăn cho dân cư ở huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Quận 7. Về vấn đề này, UBND TPHCM và đặc biệt là Sở TN&MT đã trực tiếp tiến hành khảo sát và kiểm tra. 

Bước đầu, Sở TN&MT nhận định, hoạt động của toàn bộ Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước có thể là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, còn có Công ty Xử lý bùn Sài Gòn Xanh, một đơn vị xử lý bùn hầm cầu cũng bố trí gần khu vực này và cũng gây ra những ô nhiễm không khí. 

Sở TN&MT đang xem xét và có đánh giá rất kỹ, liên quan tới công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Được biết ở đây việc xử lý rác chủ yếu là chôn lấp, với quy trình công nghệ và quy chuẩn đã được áp dụng ở Mỹ.

Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều hạng mục liên quan tới xử lý nước thải (nước rác), bể chứa nước rác chưa hoàn thành.

Đồng thời, quá trình xử lý rác còn liên quan đến quy trình nhận rác, liên quan đến sử dụng chế phẩm sinh học chưa hợp lý để xử lý mùi thông qua công nghệ sinh học, vật lý. Những vấn đề này đang được Sở TN&MT trực tiếp kiểm tra, xem xét, đề xuất giải pháp cụ thể.

Về công nghệ xử lý rác bằng cách chôn lấp, Bộ trưởng TN&MT cho rằng, hiện nay trên thế giới, nhiều nước vẫn phải chấp nhận việc xử lý bằng chôn lấp.

Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp không triệt để, không đáp ứng giải quyết hoàn toàn bài toán về môi trường, bởi sau khi chôn lấp, quá trình thu gom khí, quản lý bãi rác sau này rất lớn, đặc biệt là trong điều kiện đất đai không có nhiều. Giải pháp sử dụng công nghệ chôn lấp chỉ mang tính trước mắt. 

Chôn lấp được thế giới sử dụng khá phổ biến hiện nay với quy trình công nghệ, chế phẩm sinh học, được tính toán khá hoàn thiện. Tuy nhiên, cần có đánh giá, kiểm tra thật kỹ là Công ty trên đã áp dụng đầy đủ quy trình, công nghệ đó chưa cũng như phải sử dụng chế phẩm sinh học trong khử mùi và kích thích phân hủy rác.

Về bài toán quy hoạch bãi rác, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, TP HCM cũng đã nói cách đây 5 năm, đây là vùng hoang sơ, thuộc huyện Nhà Bè, nên việc bố trí ở đây có vẻ hợp lý.

Nhưng với tốc độ phát triển, tăng trưởng như hiện nay, bài toán về xử lý chất thải phải tính toán quy hoạch theo vùng, phải có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn, có cơ chế phối hợp của Thành phố với các địa phương khác để quy hoạch dài hạn.

Khi đã quy hoạch các bãi xử lý chất thải, chôn lấp, đương nhiên việc bố trí các khu dân cư, đô thị sẽ luôn có xung đột trên thực tế. “Ở tất cả các nước, người ta cố gắng sao cho quy hoạch này tốt nhất, xa nhất”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, về lâu dài cũng cần áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại là thiêu đốt và phát điện, chỉ khi đó mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng như giải quyết triệt để vấn đề môi trường, trên cơ sở ứng dụng công nghệ xử lý hiện đại, và khi đốt phải quan tâm tới vấn đề khí thải. 

Trước đó, đại diện Sở TN&MT TP HCM cho biết đã lập đoàn kiểm tra gồm 16 người thuộc Phòng quản lý chất thải rắn và Ban quản lý các khu liên hiệp xử lý thải, phối hợp với các quận huyện liên quan, kiểm tra tất cả các nguồn có khả năng phát sinh mùi hôi, tìm giải pháp khắc phục.

Sở đang phối hợp với các chuyên gia và các cơ quan chuyên môn theo dõi tần suất, mật độ, phác đồ cùng các yếu tố (kể cả hướng gió) để xác định nguyên nhân chính.

Không chỉ khoanh vùng khu vực người dân phản ánh phát sinh mùi mà đoàn kiểm tra sẽ làm trên diện rộng ở những địa điểm khác. Dự kiến, ngày 5/9, Sở TN&MT sẽ hoàn tất kiểm tra các cơ sở.

Đường dây nóng nhận phản ánh về mùi hôi

Sở TN&MT TP HCM đã lập đường dây nóng nhận phản ánh của người dân về mùi hôi, số 083 293 653 và 0909 022 688. Sở sẽ cử người xuống ghi nhận để kiểm tra nguồn phát sinh khi người dân gọi báo.

Theo một số chuyên gia môi trường, có thể xem đây là sự cố môi trường không khí quy mô cục bộ vùng Nam thành phố. Mùi hôi xuất phát từ nguồn phát thải lôi cuốn, khuếch tán và lan truyền theo không khí. Người dân có thể phát hiện mùi qua khứu giác chứng tỏ nguồn phát sinh mùi có tải lượng phát thải rất lớn.

Khu vực phía Nam thành phố được cho là vùng thấp, có nhiều đầm lầy, kênh rạch nên có nhiều chất hữu cơ có trong tự nhiên. Khi có điều kiện như thay đổi pH do mưa nhiều, nhiệt độ thì các vi sinh vật kỵ khí tham gia phân hủy chất hữu cơ này cũng tạo ra các khí gây mùi. 

Đọc thêm