Tài chính tiêu dùng: Chọn năng động hay cẩn trọng?

(PLO) - Ngành tài chính tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2016 về tổng dư nợ cho vay cũng như số lượng công ty tham gia thị trường đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, với những công ty đến sau, đâu sẽ là hướng đi đúng đắn để tồn tại và phát triển trong thị trường đông đúc, nhộn nhịp này?
Đa số sản phẩm của Home Credit đều được yêu cầu một khoản trả trước nhất định từ khách hàng vay
Đa số sản phẩm của Home Credit đều được yêu cầu một khoản trả trước nhất định từ khách hàng vay

Báo cáo Tài chính tiêu dùng 2017 của StoxPlus cho thấy, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của cả ngân hàng và công ty tài chính (CTTC) trong năm 2016 đã đạt 26,55 tỷ USD, tăng trưởng 28,9% so với năm 2015, và chỉ tính riêng các CTTC thì mức tăng trưởng là 29,6%. Số Cty gia nhập cuộc chiến giành thị phần đã lên đến 12 so với con số 5 vào năm 2014, bao gồm các CTTC và những Cty fintech. 

Thận trọng hay năng động?

Để phân tích sâu mô hình phát triển của các CTTC tiêu dùng tại Việt Nam, StoxPlus đã phân tích chỉ số tăng trưởng dư nợ trung bình của 8 CTTC trong giai đoạn 2014-2016 và tỷ lệ nợ xấu 2016 của các Cty này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong khi một số Cty chọn hướng đi năng động, chú trọng vào việc mở rộng thị phần theo chiều rộng thì một số khác lại thận trọng hơn trong chiến lược kinh doanh của mình, tập trung phát triển đi đôi với quản trị rủi ro. 

Nhóm cẩn trọng - những Cty lựa chọn thị trường mục tiêu và tập trung củng cố thị trường của mình, có tốc độ tăng trưởng thấp hơn tốc độ trung bình của ngành và tỷ lệ nợ xấu thấp. Trong khi đó, nhóm Cty năng động - những cty cung cấp các sản phẩm đa dạng và đẩy mạnh cho vay tiền mặt, có tỷ lệ tăng trưởng dư nợ và nợ xấu đều cao.

Tuy nhiên, điều thú vị mà nghiên cứu đã phát hiện ra đó là tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM – số đo chính về khả năng sinh lợi) của nhóm cẩn trọng không hề kém cạnh so với nhóm năng động. Tiêu biểu trong nhóm cẩn trọng là CTTC Home Credit. Bước đi cẩn trọng của Home Credit thể hiện qua các sản phẩm vay trả góp mua hàng của Cty. Khác với các đối thủ tập trung phát triển nhiều sản phẩm trả góp không cần trả trước, Home Credit chủ yếu tập trung vào những sản phẩm lãi suất thấp, kể cả không lãi suất nhưng yêu cầu một khoản trả trước nhất định từ người vay. 

Theo đại diện Home Credit, những khách hàng có khoản tiết kiệm nhất định cho món đồ giá trị mình muốn mua là những người đầu tư nghiêm túc khi chi tiêu, do vậy sẽ có mức an toàn tín dụng và khả năng cam kết hoàn thành nghĩa vụ đi vay cao. Bên cạnh đó, Home Credit cũng rất cẩn trọng cho vay trả góp tiền mặt cho khách hàng vay lần đầu tiên vốn có mức độ rủi ro cao hơn so với sản phẩm cho vay trả góp mua hàng. Với sản phẩm cho vay trả góp tiền mặt, Cty tập trung cho vay với những khách hàng đã từng vay trả góp mua hàng với Home Credit và có lịch sử thanh toán tốt.  

Nhờ vậy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ hàng năm của Home Credit đều ở mức 4%, thấp hơn so với các đối thủ ở nhóm Cty chọn hướng phát triển cho vay năng động như FE Credit và HD Saison. 

StoxPlus kết luận:“Một công ty không cần thiết phải cạnh tranh bằng cách tăng trưởng nhanh và mở rộng thị phần bằng mọi giá, điều quan trọng là phải tập trung vào phân khúc thị trường đã lựa chọn, gia tăng hiệu quả hoạt động và kiểm soát chặt chẽ rủi ro”.

Ứng dụng công nghệ: Xu thế tất yếu

Kỷ nguyên khoa học công nghệ đã có những tác động nhất định đến ngành Tài chính tiêu dùng. Ngày càng nhiều các Cty fintech nhảy vào thị trường và phát triển ấn tượng như MobiVi, Dr. Dong, F88… là minh chứng cho sức ảnh hưởng của ứng dụng công nghệ đến sự tăng trưởng của ngành Tài chính tiêu dùng. Nhiều “ông lớn” trong ngành cũng áp dụng các tiện ích công nghệ này trong mô hình kinh doanh của mình để mở rộng sức ảnh hưởng. FE Credit trong thời gian gần đây đã cho ra mắt kênh chăm sóc khách hàng mới trên Zalo để tối ưu hóa các dịch vụ hậu mãi của mình. 

Trong khi đó, Home Credit lại được giới chuyên gia đánh giá cao khi sớm cập nhật công nghệ Big Data đang nổi trên thế giới. Ứng dụng Big Data giúp Home Credit đánh giá tín dụng, phân tích hành vi người tiêu dùng và từ đó hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm của mình, quản lý rủi ro tốt hơn và đưa ra được những chiến lược kinh doanh khôn ngoan.

Tài chính tiêu dùng, với sức tăng trưởng và nguồn lợi nhuận khổng lồ chưa khai thác hết, là thị trường mà hàng loạt doanh nghiệp mong muốn bước chân vào. Bản đồ các doanh nghiệp đang tham gia cuộc chiến giành thị phần ngày một đông đúc. Việc tìm hướng đi đúng đắn để tồn tại và tăng trưởng hiệu quả giữa sân chơi nhộn nhịp này ngày một cấp thiết. Sự thận trọng trong mô hình kinh doanh và khả năng cập nhật, ứng dụng nhanh chóng các ứng dụng công nghệ luôn là điều kiện tiên quyết không chỉ cho các Cty đang có mặt trên thị trường muốn tiếp tục phát triển, mà còn cho các Cty “tham chiến” muộn sau này. 

Đọc thêm