Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi
Trong số những giai nhân trong cuộc đời của Lam Phương phải kể đến danh ca Bạch Yến, kém ông 5 tuổi. Mối tình này của ông có nhiều giai thoại. Trong đó, người ta nhắc đến nhiều nhất là chuyện ông đã “dám” đến nhà Bạch Yến thưa chuyện với cha mẹ của bà thổ lộ ý nguyện sau này sẽ cười bà làm vợ.
Lúc ấy, Lam Phương đã khá nổi đình nổi đám bởi ông có vóc dáng cao, khuôn mặt đẹp trai và đóng phim từ khi mới lớn. Bạch Yến có thể nói là tình yêu buổi đầu rất trong sáng của Lam Phương.
Năm 1961, khi 19 tuổi, Bạch Yến sang Pháp để học hỏi thêm về ca nhạc. 4 năm sau, bà được Ed Sullivan mời sang Mỹ diễn show và rồi được mời nán lại đi lưu diễn khắp châu Mỹ thêm 10 năm nữa, bên cạnh những nghệ sĩ lừng danh của Hoa Kỳ như: Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone...
Bạch Yến đi du học để lại chàng trai Lam Phương khó quên đi mối tình đầu đơn phương. Mối tình đơn phương vô vọng ấy đã để lại trong ông nhiều nỗi u sầu. Ông viết ca khúc “Chờ người” trong những tháng ngày mòn mỏi ngóng trông người con gái trong mộng từ nước ngoài trở về. Tuy nhiên, Lam Phương không thể hoàn thành bài hát này.
Để rồi, 10 năm sau ngày xa cách, bỗng dưng Bạch Yến trở về, làm sống dậy mối cảm xúc tưởng đã chết trong lòng người nhạc sĩ đa cảm. Khi được gặp lại người mình yêu, ông mới có thể viết nốt những câu cuối cùng của “Chờ người”. Như vậy, Lam Phương đã mất gần 10 năm để hoàn thành ca khúc này.
Tuy nhiên, Bạch Yến lại lần thứ hai ra đi. Nỗi xót xa khi chia tay lần thứ 2 này thúc đẩy Lam Phương viết thêm một loạt tình khúc lời ca rất não nề như: “Thu sầu”, “Trăm nhớ ngàn thương”, “Tiễn người đi”, “Tình chết theo mùa đông”, “Tình bơ vơ”… Ca khúc nào cũng thống thiết bi ai.
Danh ca Bạch Yến. |
Ra đi - trở về - lại ra đi, Bạch Yến đã treo lên khuông nhạc Lam Phương những nốt sầu diệu vợi. Lần cuối cùng ấy, Lam Phương gọi là “Tình bơ vơ”. “Ngày mình yêu/ Anh đâu hay tình ta gian dối/ Để bước phong trần tha hương/ Em khóc cho đời viễn xứ/ Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi/ Gom góp yêu thương quê nhà/ Dâng hết cho người tình xa…”.
Đúng như nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận xét về ca từ của Lam Phương trong cuốn “Bông hồng tạ ơn”: “Công chúng yêu nhạc Lam Phương đã rất có lý khi yêu “Tình bơ vơ” và còn hát mãi cho tới ngày nay, bất kể trong nước hay hải ngoại. Bản nhạc có lời giản dị, kể chuyện nhưng vẫn mang tính dự cảm về một định số “viễn xứ” mở ra kết cục “cuối cùng là tình bơ vơ”…”.
Đến năm 1984, khi xa quê hương gặp lại danh ca Bạch Yến tại Pháp, nhạc sĩ Lam Phương viết tặng riêng cho Bạch Yến ca khúc “Cho em quên tuổi ngọc”. Đây cũng là ca khúc duy nhất ông viết bằng 2 thứ tiếng Pháp, Việt.
Danh ca Bạch Yến từng trả lời phỏng vấn, chia sẻ về câu chuyện giữa bà và nhạc sĩ Lam Phương: “Nhiều người cũng từng hỏi tôi về thông tin nhạc sĩ Lam Phương mang trầu cau qua hỏi cưới tôi. Thật sự, tôi không biết việc này. Nếu có thì chắc là anh ấy nói chuyện với mẹ tôi thôi. Có thể anh ấy quý mến tôi thật vì trong một cuốn video phát hành tại Mỹ, anh ấy có tuyên bố rằng tôi là niềm cảm hứng của anh ấy. Nhưng đó là tình cảm riêng của người ta sao tôi biết được. Với tôi, anh ấy là một người anh thân thiết”.
Và những bóng hồng gieo sầu mưa lệ
Ngoài danh ca Bạch Yến, người nhạc sĩ tài năng Lam Phương còn có những bóng hồng khác. Dù nó không ám ảnh nhưng những bóng hồng này vẫn để lại trong ông những yêu thương, những khoắc khoải giúp Lam Phương tạo nên những tuyệt phẩm.
Ca sĩ Minh Hiếu là bóng hồng đã mang đến cho Lam Phương nhiều hạnh phúc lẫn đau khổ. “Em ơi suốt đêm thao thức vì em/ Vì lời giã từ lúc anh ra về...” trong “Thao thức vì em”, “Biển rộng đất trời chỉ có ta/ Thì dòng ngân hà mình cũng qua/ Biển không biên giới như tình anh với em/ Hơn cả những vì sao đêm...” trong “Biển tình” là những lời yêu nồng nàn ông dành cho Minh Hiếu. Tình cảm Lam Phương dành cho Minh Hiếu phải nhiều lắm, phải nồng nàn lắm mới có thể thốt lên những từ ngữ chan chứa yêu thương, hy vọng đến vậy.
Lam Phương cũng có mối tình say đắm với ca sĩ Hạnh Dung. Không giống như Minh Hiếu, các ca khúc ông viết về bà không phải là những mỹ từ ngợi ca tình nồng mà là những câu chữ chất chứa sự tuyệt vọng vì rơi vào bế tắc. Trong một chuyến công tác ở Đà Lạt, gặp lại cảnh xưa nhưng người thương đã không còn bên cạnh khiến Lam Phương sầu thảm. Nỗi lòng chất chứa u sầu cho mối tình ấy đã tạo nên nhạc phẩm “Thành phố buồn”.
"Ông hoàng nhạc tình" Lam Phương. |
Người phụ nữ đứng sau những ca khúc reo vui, hân hoan vì tình yêu như: “Bài tango cho em”, “Chỉ có em”, “Mùa thu yêu đương”, “Thiên đàng ái ân” là Cẩm Hường. Người con gái này đã giúp con tim của Lam Phương lành vết thương tình và vui trở lại. Tình yêu dành cho người con gái ấy đã “phục sinh” người nhạc sĩ tài năng. Nhưng rồi, Cẩm Hường cũng không thể sánh bước cùng ông đến cuối cuộc đời.
Nói đến giai nhân phía sau các nhạc phẩm của Lam Phương không thể không nhắc đến người vợ của ông - kịch sĩ Túy Hồng. Họ từng là cặp đôi nổi danh trong giới giải trí Sài Gòn trước năm 1975. Thế nhưng, cuộc hôn nhân tưởng như tuyệt vời ấy vẫn không thể trọn vẹn khi họ bất ngờ chia tay.
Hôn nhân tan vỡ, Lam Phương trút hết tâm sự vào ca khúc “Lầm”. Ở ca khúc này, ông đã thốt lên những câu từ chua xót: “Anh đã lầm đưa em sang đây/ Để đêm thường nghe tiếng thở dài/ Thà cuộc đời yên trong lòng đất/ Được trở về tiếng khóc ban sơ/ Hơn là mang kiếp mong chờ…”. Sau khi hôn nhân đổ vỡ, Lam Phương có thêm vài lần rung động nữa nhưng rồi họ đều bỏ ông ra đi.
Ca sĩ Thái Châu cho rằng, nhạc sĩ Lam Phương là một hiện tượng đặc biệt của dòng nhạc trữ tình bởi: “Mỗi người đều tìm thấy trong âm nhạc Lam Phương một sự đồng cảm sâu sắc, sự chia sẻ khi yêu. Cuộc tình ấy dù còn, dù mất đều sống mãi trong lòng chúng ta, một phần chính nhờ tình khúc Lam Phương”.
Lam Phương là nhạc sĩ ăn khách bậc nhất miền Nam thập niên 1960, 1970. Các ca khúc mang về cho ông thu nhập dư dả. Câu chuyện nhuận bút của bài Thành phố buồn được biết tới như mức “đỉnh cao” cho thu nhập một nhạc sĩ thành công thời bấy giờ.
Sách Đà Lạt, một thời hương xa của Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về Thành phố buồn: “…số lượng xuất bản rất cao và doanh thu bài hát này vô cùng lớn, đó là điều được báo chí Sài Gòn đương thời tính toán được: Khoảng 12 triệu đồng bản quyền, tiền Việt Nam Cộng hòa (hồi suất chính thức năm 1970 là 1 USD = 275 đồng, vậy 12 triệu đồng tương đương 432.000 USD). Con số này quá lớn với một ca khúc”.
Để dễ hình dung, Nguyễn Vĩnh Nguyên đưa ra so sánh: “Một chiếc xe hơi hiệu La Dalat của hãng Citroen sản xuất tại miền Nam Việt Nam vào năm 1971 có giá khoảng trên dưới 650.000 đồng”. Bản quyền ca khúc có thể giúp Lam Phương mua tới hơn 18 chiếc xe hơi.