Kinh nghiệm từ thế giới
Nhiều đất nước trên thế giới đã sử dụng giấy thông hành vaccine như một công cụ hữu ích cho ba đối tượng chính: người có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19, người đã tiêm chủng vaccine và bệnh nhân mắc COVID-19 đã hồi phục.
Đơn cử, tại Ý, công dân đã có chứng nhận tiêm chủng, hay còn gọi là “giấy chứng nhận xanh” mới được vào những nơi có không gian kín và tập trung đông người như nhà hàng, hồ bơi, rạp phim, nhà hát. Giải pháp giấy thông hành xanh cũng được áp dụng ở nhiều nước khác như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Áo,… Ở Pháp, nếu công dân ra đường không có giấy thông hành y tế hoặc sử dụng giấy tờ giả sẽ bị nhắc nhở và phạt tiền. Nếu vi phạm quá 3 lần trong 30 ngày, hình phạt sẽ là 6 tháng tù và tiền phạt lên tới 4000 euro (khoảng 108 triệu đồng).
Tại Việt Nam, đến nay đã có tiêm phòng hơn 23 triệu liều vaccine, trong đó số người trên 18 tuổi được tiêm chiếm gần 30%. Đáng chú ý, có hơn 3,2 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Khi số lượng người dân được tiêm chủng tại các tỉnh, thành phố dần tăng lên, nhiều địa phương đang cân nhắc việc cấp giấy thông hành cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phục vụ nhu cầu di chuyển, làm việc. Đây cũng là nguyện vọng chung của nhiều người dân và doanh nghiệp để “sống chung với đại dịch” hiệu quả.
Đơn cử, thành phố Hồ Chí Minh đang dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế do tác động của COVID-19, trong đó có dự kiến áp dụng việc kiểm soát người dân di chuyển, làm việc, tham gia các hoạt động tại nơi công cộng khi đã có “giấy thông hành vaccine” thay cho giấy đi đường, khai báo di biến động dân cư, kết quả xét nghiệm âm tính... Còn tỉnh Bình Dương cũng đang cân nhắc phương án cấp giấy thông hành trong thời gian tới cho người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đồng thời xem xét thêm đối tượng đã tiêm 1 mũi vaccine đủ 20 ngày.
Mới đây Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố đã đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì được phép đi lại, tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, tham gia công tác phòng, chống dịch như thế nào. Đến nay, toàn thành phố đã tiêm được hơn 2,2 triệu liều, đạt 26,65% dân số, công suất tiêm đạt khoảng 150.000 mũi/ngày.
Tiêm 2 mũi vaccine vẫn có thể là nguồn lây
Mặc dù giải pháp “giấy thông hành vaccine” đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới; tuy nhiên theo ý kiến các chuyên gia, để áp dụng giải pháp này vào Việt Nam trong bối cảnh hiện tại còn phải cân nhắc nhiều yếu tố. Đơn cử, cần phải đánh giá được người này đã đủ thời gian tạo miễn dịch hay chưa, cộng đồng nơi người này sinh sống có an toàn hay không, lịch sử đi lại có nguy cơ rủi ro gì không.
PGS, TS Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, do nước ta chưa đạt miễn dịch cộng đồng nên dù là người đã tiêm đủ liều vẫn có thể bị nhiễm. Mặc dù họ có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn là nguồn lây cho người khác.
Còn TS. BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chỉ ra một người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn cần có kết quả xét nghiệm âm tính nếu họ đã từng đến những “vùng đỏ” nhiều nguy cơ không an toàn. Còn PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lưu ý, dù đã tiêm chủng người dân vẫn phải tuân thủ theo quy định thực hiện giãn cách tại địa phương và 5K.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu tính toán giải pháp cấp giấy thông hành cho người đã tiêm chủng vaccine thì vẫn phải quản lý chặt chẽ khu vực đông người. Tại khu vực tập trung ít người, mọi người đã tiêm vaccine hoặc mắc bệnh khỏi có thể đi làm. Bên cạnh đó, với địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao, đã tiêm hết cho những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người bệnh nền thì có thể tính tới việc cho đi lại thoải mái trong vùng an toàn. Ngược lại, trong vùng không an toàn, tỷ lệ tiêm chủng cho người già, người có bệnh nền dưới 50% thì vẫn phải hạn chế đi lại dù là người đã tiêm chủng vì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn. Hiện các tỉnh, thành phố trong cả nước đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng, tạo tiền đề cho việc “mở cửa” trở lại và phục hồi kinh tế.