LTS: Giữa mênh mông biển cả, bão tố gầm rú, tàu lạ truy đuổi, ranh giới sự sống và cái chết nhiều khi quá đỗi mong manh nhưng những ngư dân luôn kề vai, sẵn sàng chia sẻ, bất chấp hiểm nguy, đánh đổi lợi ích kinh tế để cứu người.
Bị hải cảnh Trung Quốc bắn cháy tàu vẫn giữ cờ Tổ quốc
Câu chuyện bi hùng về lòng quả cảm, sự hy sinh của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa khi vâng mệnh triều đình giong buồm đi mở cõi nơi Hoàng Sa, Trường Sa luôn thấm đẫm trong tim những ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Chính vì thế, dẫu phải đương đầu với giông bão, hiểm nguy, hậu duệ của đội hùng binh vẫn ngày đêm kiên cường bám biển.
Mỗi khi đưa tàu ra khơi xa, những ngư dân như những hiệp sĩ sống vì biển, chết vì biển, chẳng ngại sóng to, gió lớn. Và, ở huyện đảo này, nhắc đến ngư dân trẻ Bùi Văn Phải (SN 1989, ngụ xã An Hải) không một người dân nào không biết. Bởi anh cùng các ngư dân khác từng “ba chìm bảy nổi” vì bị tàu hải cảnh Trung Quốc rượt đuổi, bắn cháy. Nhưng mới đây, chính anh cùng các thuyền viên trên tàu của mình ra tay cứu hàng chục ngư dân Trung Quốc gặp nạn.
Cha anh Phải cũng là một ngư dân có tiếng ở đảo Lý Sơn nhưng không may mất sớm. Là anh cả của 2 em nhỏ và là trụ cột gia đình, từ năm 13 tuổi, anh Phải đã nghỉ học theo người lớn ra khơi mưu sinh nuôi các em.
Ra khơi bám biển, đương đầu trước nhiều cơn bão tố từ năm 13 tuổi, đến giờ biển để lại trong ký ức anh Phải đầy ắp những kỷ niệm. Biển khơi đã tôi luyện, hun đúc anh trở thành một thuyền trưởng đầy bản lĩnh biển trời, không hề run sợ và khuất phục trước thiên tai và nhân tai.
Cách đây hơn 6 năm, vào ngày 20/3/2013, trong lúc đang hành nghề hợp pháp trên ngư trường truyền thống vùng biển Hoàng Sa, tàu cá QNg 96382 TS do anh Phải làm thuyền trưởng bị tàu hải cảnh Trung Quốc trắng trợn rượt đuổi. Sau đó, tàu Trung Quốc nổ nhiều phát súng bắn vào tàu cá của ngư dân Việt Nam, khiến ca bin bốc cháy ngùn ngụt.
|
Ngư dân Bùi Văn Phải (đứng) và con tàu bị cháy năm 2013 gắn liền với hình ảnh cờ Tổ quốc trên biển |
Toàn bộ 9 ngư dân trên tàu QNg 96382 TS hò hét múc nước cứu hỏa để dập tắt đám cháy, vì 4 bình gas đầy đang nằm cách đó không xa, chỉ cần một bình phát nổ thì không ai sống sót. May mắn, điều đó đã không xảy ra.
Giữa lúc hiểm nguy đang chực chờ, thuyền trưởng Phải vẫn kịp tháo lá cờ Tổ quốc đang cắm ở mũi tàu đã bị cháy sém để cuốn vào ngực. Con tàu cháy sạm sau đó cùng các ngư dân trở về Lý Sơn. Hình ảnh những ngư dân kiên cường khiến người ta không khỏi cảm động.
Hành động tháo cờ Tổ quốc cuốn vào ngực đã truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng về tình yêu Tổ quốc, anh Phải đã được Trung ương Đoàn trao Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Lá cờ cháy sém anh liều mình bảo vệ sau khi tàu bị bắn cháy hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam tại Hà Nội.
“Đưa tàu ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa mưu sinh là mệnh lệnh từ trái tim trong mỗi ngư dân Lý Sơn. Nơi ấy là đất đai của tổ tiên để lại nên thế hệ ngư dân chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Với tôi, lá cờ đỏ sao vàng trên nền biển xanh chính là Tổ quốc”, anh Phải quả quyết.
Ở giữa biển khơi mênh mông, xanh thẳm, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc bay kiêu hãnh trong gió biển Đông trên những con tàu, ngư dân cảm thấy mình không đơn độc giữa trùng khơi. Với họ, Tổ quốc hiển hiện ngay ở đó, trên màu cờ đỏ thắm.
Cứu vớt 32 ngư dân Trung Quốc gặp nạn
Con tàu QNg 96382 TS mà anh Phải làm thuyền trưởng trị giá 500 triệu đồng nhưng vốn của anh chỉ 1/4, còn lại là của chủ nậu trong đất liền. Sau chuyến biển bị tàu Trung Quốc bắn cháy, con tàu được sửa chữa nhưng vẫn còn loang lổ vết cháy đen và tiếp tục ra khơi. Vùng biển đánh bắt vẫn là Hoàng Sa máu thịt.
Đầu tháng 8/2013, con tàu vươn khơi, mới chỉ đánh bắt được 80 con hải sâm thì tối ngày 4/8/3013, cơn bão số 6 đang đến gần nên phải chạy trên bão. Trong lúc đang chạy tránh bão, anh nhận được thông tin tàu cá QNg 90153 TS của ngư dân Mai Văn Cường (ngụ xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) với 14 ngư dân trên tàu bị hỏng máy đang trôi dạt trên biển. Không chút do dự, anh quyết đinh bỏ phiên biển, bất chấp sóng gió lao về hướng đảo Lin Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) ứng cứu.
Sau 2 ngày vật lộn với sóng dữ, đến tối ngày 6/8/2013, cả 2 tàu dắt nhau về đến Lý Sơn. Chuyến biển ấy, tàu lỗ gần 100 triệu đồng và mình anh phải gánh chịu. Chưa hết, chủ nậu còn lấy lại con tàu, anh trắng tay sau dạo đó.
Rồi, nhiều tổ chức, cá nhân thông qua Quỹ Tấm lòng vàng từ Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động ủng hộ được 5 tỷ đồng, đóng một con tàu mới tặng anh Phải. Tháng 3/2014, anh Phải nhận con tàu QNg 96169 TS công suất 605 CV trị giá 5 tỷ đồng này. Và điều bất ngờ, đây chính là con tàu đã cứu 32 ngư dân Trung Quốc gặp nạn ở Trường Sa vào ngày 11/7 vừa qua.
Xuất bến ở Lý Sơn trưa ngày 9/7, đến ngày 11/7, tàu của anh Phải có mặt tại khu vực đảo Song Tử Tây của quần đảo Trường Sa. Chưa kịp thả mẻ lưới đầu tiên của phiên biển, anh phát hiện trước mặt mình có nhiều chiếc ca nô bập bềnh, đang phát tín hiệu cấp cứu.
Tàu anh Phải tiến lại gần thì thấy trên 5 chiếc ca nô là những ngư dân người Trung Quốc đang hốt hoảng. Tàu của họ bị phá nước và chìm, các ngư dân buộc phải dùng ca nô để thoát thân. Họ lênh đênh đã mấy ngày rồi và chờ một phép màu. Và phép màu ấy đã xuất hiện.
|
Ngư dân Bùi Văn Phải |
Các ngư dân trên tàu anh Phải đã nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho 32 ngư dân Trung Quốc và đối xử thân tình bằng tấm lòng nhân hậu của người Việt Nam. Sau đó, họ bàn giao các ngư dân vừa được cứu cho một chiếc tàu vận tải của Trung Quốc vào chiều cùng ngày.
“Không chỉ tôi mà với tất cả ngư dân, chúng tôi xem việc cứu người gặp nạn trên biển như là một nghĩa vụ mà bất cứ ai cũng phải làm, bất luận trước đó, chúng tôi từng là nạn nhân của các cuộc bố ráp của tàu hải cảnh Trung Quốc. Và theo kinh nghiệm, sau khi cứu các ngư dân lên, chúng tôi cho húp nước cháo loãng từ từ, sau đó mới cho ăn uống trở lại bình thường. Họ trôi dạt thời gian dài, quá đói mà mình cho ăn đồ cứng ngay thì rất dễ bị đột tử”, anh Phải chia sẻ.
32 ngư dân Trung Quốc được tàu của anh Phải cứu giúp, đã thoát chết trong gang tấc giữa vùng biển Trường Sa. Đại sứ quán Trung Quốc sau đó đã gửi lời cảm ơn đến cá nhân anh Phải cùng các thuyền viên trên tàu và Chính phủ Việt Nam vì đã có nghĩa cử cao đẹp nói trên.
Sau hơn 6 năm tàu của anh Phải bị tàu hải cảnh Trung Quốc bắn cháy, chính anh lại cứu vớt 32 ngư dân Trung Quốc. Chưa kể hàng chục lần tàu của anh bị tàu Trung Quốc cướp phá, tấn công. Nhưng chính vì thế lại càng làm bật lên sự trượng nghĩa trong con người của anh Phải và của ngư dân Việt Nam. Không để tâm đến những câu chuyện cũ, không để tâm đến những va chạm xảy ra hàng ngày trên biển, thấy người bị nạn là cứu. Đó là tình người, là đạo lý ngàn đời của người Việt vậy.