Tình người ở làng trẻ mồ côi SOS Vinh

(PLO) - Dưới sự chăm sóc, dạy dỗ của các mẹ, các dì - những bảo mẫu của Làng trẻ em SOS Vinh, những đứa trẻ không nơi nương tựa được nuôi dưỡng, dạy dỗ thành người có ích. Và cũng chính tại nơi đây những đứa trẻ mồ côi năm nào lại tìm được mái ấm riêng cho chính mình...
Mẹ Đàn đang động viên con gái Trần Thị Hà ôn thi tốt nghiệp và đại học.
Ngôi nhà chung của những đứa trẻ bất hạnh
Năm 2014, bố mẹ Lầu Bá Sùa (9 tuổi – người dân tộc Mông) bỏ nhau, Sùa được gửi vào Làng SOS Vinh. Bởi ông bà nội của Sùa không có điều kiện nuôi dưỡng em. Đêm đầu tiên ở Làng trẻ SOS Vinh, Sùa khóc ngặ đòi về nhà. Thương Sùa, bà Lê Thị Đàn - một trong các mẹ của Làng trẻ SOS Vinh đã dỗ dành cậu bé. Cũng từ đó, Sùa được mẹ Đàn chăm sóc, dạy bảo nên cậu  dần quen với cuộc sống mới và hòa nhập cùng các bạn. 
Sùa nói: “Mới vào đây nhớ nhà lắm, nhưng giờ thì quen rồi, ở đây vui lắm, cũng sướng hơn ở nhà nên không khóc nhè nữa…”. Cùng đợt này, cháu Lỳ Y Xì (10 tuổi) là chị họ của Sùa cũng được gửi vào trung tâm chăm sóc. Hoàn cảnh của Xì rất đáng thương. Xì mồ côi cha, mẹ lấy chồng mới nên Xì phải ở với bà ngoại, đứa em gái theo mẹ sống với bố dượng. Không nuôi được Xì, bà ngoại cô bé đã gửi vào Làng trẻ SOS. 
Một trường hợp khác là em Trần Thị Hà (18 tuổi, ở Đô Lương). Năm Hà học lớp 2 thì bi kịch ập đến gia đình em. Cha mẹ ly hôn, bố đi lấy vợ khác, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo. Hai chị em Hà được gia đình gửi vào Làng SOS, được hai tháng thì mẹ em qua đời vì bạo bệnh. Năm nay Hà đang là học sinh lớp 12, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. “Hà ngoan ngoãn lắm, chăm ngoan, học giỏi lại năng động nên được giới thiệu học cảm tình Đảng, chuẩn bị kết nạp Đảng rồi đó chú à”, mẹ Đàn mừng rỡ nói. 
Người mẹ của 26 đứa con
Mẹ Lê Thị Đàn ở một miền quê nghèo huyện Đô Lương (Nghệ An), mẹ cũng từng lấy chồng nhưng không có con nên mẹ Đàn chọn cách ra đi để người chồng đi thêm bước nữa. Khi nghe một người trong làng nói Làng Trẻ em SOS tuyển người, mẹ Đàn đã xin vào làm việc.
Mẹ Đàn chia sẻ: “Ngày đó mới vào trung tâm cũng bỡ ngỡ, lạ lẫm lắm, từ miền quê nghèo xuống thành phố, công việc chăm sóc trẻ chưa bao giờ phải làm nên cũng phải làm quen dần. Mới đầu vào, các con còn nhớ nhà, nhớ quê nên cũng thường xuyên khóc nhè, phải dỗ dành, chăm sóc để các con làm quen và thích nghi dần với môi trường của Làng…”.
Hàng ngày các em nhỏ trong các gia đình tập trung chơi thể thao. 
Đến nay, mẹ Đàn đã chăm sóc tất cả 26 đứa trẻ, hiện 10 đứa đã ra đời lập nghiệp và có công ăn việc làm, 7 cháu đã lập gia đình. “Thi thoảng mấy đứa lại ghé thăm mẹ, mẹ vui lắm, nhất là dịp lễ tết mấy đứa tập trung về cả không có đủ chỗ cho các con, cháu về chơi. Ngày mọi người trong nhà đoàn tụ, hạnh phúc lắm…”, mẹ Đàn xúc động nói. 
23 năm và hơn 500 đứa trẻ được chăm sóc
Làng Trẻ em SOS Vinh thành lập và đi vào hoạt động năm 1992 với quy mô xây dựng 15 ngôi nhà gia đình, khu lưu xá thanh niên, một trường mầm non. Từ ngày thành lập đến nay, Làng trẻ SOS Vinh đã nhận chăm sóc, nuôi dạy 527 trẻ em, hiện tại đang trực tiếp chăm sóc nuôi dạy 230 em với độ tuổi từ 3 đến 22 tuổi. Trong đó, 150 em đang ở 15 gia đình của Làng, 45 em đang ở lưu xá thanh niên, số còn lại đang học đại học, cao đẳng trên cả nước. 
Tại ngôi làng SOS này, những đứa trẻ bất hạnh và những người phụ nữ chưa một lần làm mẹ là những người xa lạ, không máu mủ ruột thịt nhưng họ lại có một thứ tình cảm gắn bó như ruột thịt. Ngoài sự chăm sóc của các mẹ, các em còn được chăm sóc bởi các dì tại ngôi làng này đã lo lắng và dành tình cảm đặc biệt cho những đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh. 
Không sinh ra ở nơi này, nhưng lớn lên tại ngôi làng SOS Vinh, hiện đã có 2 em tốt nghiệp thạc sỹ, 159 em tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, 115 em tốt nghiệp trung cấp, nghề; 88 em đã lập gia đình và ra ở riêng. Làng cũng thường xuyên trợ cấp cho 290 em có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng, ngăn ngừa tình trạng trẻ em bị bỏ rơi. Nhiều thế hệ trẻ đã ra đời và gia nhập với cộng đồng, làm người có ích cho xã hội. 
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Làng Trẻ em SOS Vinh cho biết, Làng luôn phát huy hết công sức tối đa nhận các cháu vào chăm sóc nuôi dạy, từng bước khẳng định vị trí vai trò của mình trong các Làng trẻ SOS trên cả nước. “Hiện nay, cơ sở vật chất sau 20 năm hoạt động một số cũng đã xuống cấp, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các gia đình. Đội ngũ mẹ và dì tại đây đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa tìm được người thay thế. Mỗi gia đình 15 cháu sinh hoạt cần có một máy tính nối mạng để phục vụ việc học tập của các cháu nhưng vẫn chưa trang bị được vì chưa có kinh phí…”./.

Đọc thêm