Ba ngày sau vụ hoả hoạn, bà con tiểu thương kinh doanh tại trung tâm thương mại (TTTM) Hải Dương vẫn chưa hết bàng hoàng. Nhưng trong cơn hoạn nạn mới thấy thấm được tình người, nhiều bà con mất hết gia sản mà vẫn cảm thông, chia sẻ, an ủi bạn hàng vượt qua cơn hoạn nạn.
|
Cô Vũ Thị Mơ nghẹn ngào. |
“Cuộc đời rồi sẽ thế nào đây?”
Trưa 17/9, nhiều tiểu thương vẫn tụ tập trước TTTM Hải Dương, thất thần trông về đống tro tàn nơi cơ nghiệp tích cóp cả đời phút chốc mất trắng. Cô Mai Thị Loan một tiểu thương kinh doanh có 2 gian hàng lô A và lô C vừa nói vừa nói vừa úp mặt vào hai bàn tay: “Cô chứng kiến cảnh hàng hoá của cô bị thiêu cháy trước mặt mà tim cô như bị xé tan, cả cuộc đời cô gom góp được bao nhiêu đầu tư vào hết hàng hoá, giờ không biết gia đình cô sống ra sao?”.
Bà con người nào trông cũng tiều tụy, mắt sưng tấy vì khóc nhiều. 536 hộ tiểu thương kinh doanh tại TTTM Hải Dương, mỗi quầy hàng ở đây, tiền vốn bỏ ra cũng vài tỷ đồng, nhiều người còn để tiền mặt trong két sắt, như cô Nguyễn Thị Tuyết Trinh, cô Lê Thị Lý, Hoàng Thị Bích…., vụ hỏa hoạn đã thiêu mất của họ ước tính lên tới khoảng 500 tỷ đồng. Tai họa bất ngờ giáng xuống, sinh kế trước mắt đã đành một nhẽ, nhiều người lo kéo cày đến hết đời cũng chưa trả xong nợ nần.
Người có nhiều mất nhiều, người có ít mất ít. Có những tiểu thương cả đời chắt chiu, dành dụm được vài chục triệu để khi về già trang trải ốm đau, nay cũng tiêu tan. Như cô Vũ Thị Mơ tâm sự: “Sau khi trung tâm thương mại hoàn thành năm 2001, những người có tiền thì mua ở trong chợ là 9 triệu 1 ô, cô không có tiền nên ngồi ngoài cổng chợ cửa số 2. Mọi người trong ban quản lý chợ cũng thương cho hoàn cảnh gia đình cô, chồng chết con trai chết, nên cho cô ngồi ngoài cổng mà không thu phí”.
Cô Mơ ngồi cổng chợ bán trà đá, nước mía cho người dân quanh đây kiếm chút tiền kiếm sống qua ngày. Tưởng rằng số vốn của cô bỏ ra không đáng là bao nhưng khi hỏi ra mới biết số phận cô còn đau xót hơn các tiểu thương khác ở TTTM Hải Dương rất nhiều. Tài sản giá trị nhất của cô chỉ là bộ bàn ghế nhựa và máy ép nước mía cũng đã bị ngọn lửa thiêu cháy.
Thế nhưng nếu chỉ có vậy thì cô Mơ cũng đã lấy “làm mừng”. Cô nói trong nước mắt: “Cô nghèo lắm, cô không có nhà phải đi thuê trọ để ở, trong phòng chẳng có gì ngoài chiếc giường để tối đến về đặt lưng, lại là nhà đi thuê nên cô không dám để tiền bạc ở nhà sợ trộm cướp lúc đi vắng, vì vậy cô cũng đề dành được vài ba chục triệu, số tiền đó cô cất trong xe đẩy, giờ chiếc xe cháy rồi, cả cuộc đời già của cô sẽ thế nào đây?”
“Còn người khác khổ hơn tôi”
Hoàn cảnh riêng thật nghiệt ngã nhưng cô Vũ Thị Mơ vẫn nói rằng còn nhiều tiểu thương khác khổ hơn cô nhiều. Theo lời cô, chúng tôi tìm gặp chị Đỗ Minh Thư. Năm nay 39 tuổi, chị có 3 con gái, cháu đầu đang là sinh viên năm thứ 3 đại học luật, cháu thứ 2 đang học lớp 7 và cháu út mới sinh được vài tháng. Nhà có 1 ô trong TTTM Hải Dương, kinh doanh điện tử mới 3 năm trở lại đây, mua lại của 1 người quen mất 450 triệu đồng. Đen đủi thay, ngay trước khi cháy chợ, gia đình chị nhập thêm đợt hàng mới chuẩn bị cho mùa đông, nên trị giá gian hàng khoảng hơn 1 tỷ. Nay mất trắng.
Nhắc đến hoàn cảnh của mình chị Thư nghẹn lời, không nói được gì. Đang an ủi chị, một tiểu thương khác phải đỡ lời: “Gia đình cô Thư vất vả lắm, mười mấy năm trời lặn lội bán hoa quả ở chợ nên cũng chỉ tích cóp được ít tiền, bán hết cả nhà cả cửa đi mua được gian hàng của người quen ở ngay cổng chợ.
Bây giờ cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào quầy hàng. Cô Thư vừa mới sinh xong mà mấy hôm nay cũng có mặt ở đây, ngất lên ngất xuống, vật vã gào khóc, mọi người nhìn ai cũng thấy thương. Bây giờ gia đình không nương tựa được ở đâu, tiền vay ngân hàng, vay ông bà nội ngoại vẫn chưa trả xong, nhà không có phải đi ở thuê, có mỗi quầy hàng giờ cũng chỉ là đống tro tàn”.
Tiếp xúc với phóng viên, bà con tiểu thương ở TTTM Hải Dương đều tỏ bày chung một mong muốn chính quyền sớm xây dựng chợ tạm để họ tiếp tục có kế sinh nhai và kiếm tiền trang trải nợ nần. Được biết, trước nỗi đau mất mát của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đã chỉ đạo lập tức trích ngân sách dự phòng của tỉnh để hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ tiểu thương có gian hàng bị cháy.
Cùng với đó, ngân sách UBND TP.Hải Dương cũng hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/hộ. Đồng thời, miễn học phí và các khoản đóng góp cho các cháu học sinh là con em gia đình bị nạn trong 2 năm học. Với các cháu học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, tỉnh sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng/cháu để các cháu tiếp tục đi học. Chủ tịch tỉnh cũng chỉ chị trong 3 tháng phải xây dựng xong chợ tạm để các tiểu thương sớm có địa điểm kinh doanh.
Bích Ngọc