Nghĩa tình đồng bào
Thời điểm này, từ mạng xã hội đến đời sống thực, người ta thấy cảnh người dân, từ già đến trẻ cùng nhau phát tâm từ thiện, ủng hộ cứu trợ đồng bào đang gặp nguy khó. Chị Nguyễn Thị Thiện My, ngụ tại phường 5, quận Bình Thạnh cùng nhóm bạn những ngày vừa qua đang chạy đôn chạy đáo gom mua áo phao để gửi ra miền Trung. Bạn chị, anh Nguyễn Nam, admin một group công nghệ trên mạng xã hội thì lo về phần xe cộ, lịch trình và đích thân anh cũng theo xe ra vùng lũ.
Chị My chia sẻ: “Bạn mình ở Đà Nẵng đi thị sát tình hình báo, áo phao thời điểm này cực kì cần thiết. Thêm nữa là các loại thuốc cấp thiết như sát trùng, cảm, sốt, tiêu chảy vì mọi người mấy ngày này bị ngâm trong nước, dễ bị các bệnh về tiêu hóa, ngoài da. Tuy nhiên thời điểm này áo phao hơi khó mua hơn thường ngày, mình đi gom mấy cửa hàng rồi chỉ mới được 300 cái. Dự kiến 1 ngày nữa xe sẽ xuất phát, mình hy vọng gom đầy xe để gửi đi một lượt”.
Số tiền mua áo phao, thuốc và nhu yếu phẩm do đồng nghiệp, bạn bè chị My cùng những thành viên trên nhóm công nghệ của anh Nam quyên góp, ủng hộ.
TP HCM hiện nay đang có hàng trăm nhóm, từ trẻ tuổi đến trung niên đứng ra quyên góp và tận tay đem ra miền Trung trao cho người dân đang bị nạn trong bão lũ. Anh Lê Châu Hiệp, Câu lạc bộ Tâm từ lan tỏa, một CLB thường xuyên có những hoạt động thiện nguyện cho biết thời điểm nay đã quyên góp gần 700 triệu đồng.
Ngày 20/10 vừa qua, CLB thiện nguyện này đã xuất phát về miền Trung với 18 tấn gạo, 1800 thùng mì, 2100 tấm chăn và nhiều nhu yếu phẩm khác ra ba tỉnh Huế - Quảng Bình - Quảng Trị. Số hàng hóa này được vận chuyển miễn phí bởi Công ty vận tải Phượng Hoàng, công ty này cũng vừa gửi đi thông báo sẽ nhận vận chuyển miễn phí toàn bộ cho những chuyến xe cứu trợ từ TP HCM ra miền Trung.
Cũng trong những ngày này, người ta ngỡ như đang ở độ gần Tết Nguyên đán khi từ Nam chí Bắc, nhà nhà, người người gói bánh chưng. Hóa ra, đó là những chiếc bánh chưng nghĩa tình của đồng báo gói gửi ra miền Trung ruột thịt.
Bởi thời điểm này, những món lương khô, không cần nấu nướng, ăn tiện dụng mà đủ chất là ưu tiên hàng đầu trong cứu trợ. Tại TP HCM, nhiều CLB, bà con các khu phố, cả những nhóm bạn trẻ, sinh viên cũng nô nức tham gia gói bánh chưng, bánh tét. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải cũng nhận vận chuyển miễn phí cho bà con.
Trên mạng xã hội cũng xuất hiện không ít những bức tranh vẽ bày tỏ lòng “tương thân tương ái”, hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, có những bức tranh vẽ đầy cảm động, miêu tả cảnh hai miền Bắc, Nam, tuy khác biệt thói quen, giọng nói, nhưng giờ đây cùng nắm tay nhau, chung tay cứu giúp, nâng đỡ người anh em ruột thịt miền Trung đang gặp nạn.
Những cái nhìn méo mó
Giữa khi nước sôi lửa bỏng, giữa lúc người người đang xắn tay lao vào giúp đồng bào, thì không ít những “anh hùng bàn phím” lại lên tiếng lật ngược vấn đề, gây điều thị phi, thậm chí cản trở bước chân của những người đang xông pha.
Mấy ngày trước, những chiến sĩ, những cán bộ vào vùng lũ để tìm cách cứu giúp người bị nạn đã tử nạn. Đó là nỗi mất mát, đau đớn không chỉ cho người thân của người hy sinh. Thế mà, giữa những xót xa, cảm phục và thương tiếc, vẫn có những kẻ tung tin đồn nhảm và phê phán người bị nạn. Nào đặt vấn đề tại sao không chuẩn bị những trang thiết bị tốt và chuyên nghiệp hơn.
Rồi đưa thông tin những người tử nạn “có liên hệ lợi ích với thủy điện” nên phải liều mình xông vào chứ không phải đi cứu dân. Những kẻ ấy không chỉ phủ nhận tấm lòng quả cảm và hy sinh của người ra đi, mà còn phủ nhận luôn những điều tốt đẹp trong cuộc sống, xát muối vào trái tim người thân, đồng đội của người hy sinh.
Cạnh đó, những thông tin “ăn chặn” tiền cứu trợ, từ thiện từ nhiều năm về trước bỗng nhiên được đào bới lại, tung lên mập mờ, khiến nhiều người dân nghi ngờ vào hoạt động cứu trợ của các địa phương.
Rồi giờ đây, nhiều người tham gia hoạt động cứu trợ cũng khá e ngại vì sự “nguy hiểm” của những kẻ thích ném đá. Như nữ ca sĩ Thủy Tiên, mặc dù tích cực kêu gọi, công khai số tiền và đến tận nơi cứu trợ, vẫn không tránh khỏi sự dè bỉu, chê bai từ một bộ phận cư dân mạng. Từ việc có nên đến tận nhà từng người cứu trợ hay nên “cho cần câu”. Rồi phân tích cách đi đứng, ăn mặc, cho đến ném đá, phê phán nữ ca sĩ là “làm từ thiện mà chụp ảnh đăng Facebook”, “làm từ thiện để lấy tiếng”…
Nhiều nghệ sĩ khác cũng thế, háo hức, hăm hở quyên góp, ủng hộ đồng bào, nhưng không hiểu sao bị ném đá không thương tiếc. Như ca sĩ Phi Nhung, chỉ vì cười với bà con lúc đi cứu trợ lại bị chê bai vô cảm. Hoa hậu H’Hen Nie ủng hộ 50 triệu bị nói là “keo kiệt”, đến mức cô phải bật khóc khi đang giao lưu khán giả và phải giải thích đó là toàn bộ số tiền cô đang có, vì hoa hậu vẫn phải vất vả mưu sinh, nuôi gia đình.
Hay như mới đây, một số nghệ sĩ bị chỉ trích vì không vào nhà dân trao quà tận tay mà bơi thuyền từ xa “ném” vào. Trong khi các nghệ sĩ đã giải thích thuyền của họ không thế tiếp cận nhà dân vì nước lớn, nguy cơ vỡ thuyền và cần tiết kiệm thời gian để cứu trợ được nhiều người.
Có thể thấy, thay vì chung tay, chung lòng cho đồng bào lũ lụt, thì vẫn có những người bằng lời lẽ và sự ác ý dành thời gian để bới móc, chỉ trích. Họ khiến nhiều người làm việc thiện cũng phải giật mình, đôi khi chùn bước. Thật đáng tiếc khi giữa cuộc sống vẫn luôn tồn tại hai mặt như thế: Những người tích cực dùng hành động thực tiễn để xây dựng xã hội tốt đẹp và những kẻ giỏi võ mồm, thích khẩu chiến, “ném rác” vào cuộc đời.
Ca sĩ Thủy Tiên: “Cầm tiền nhiều trên tay, trách nhiệm rất nặng nề nên mình cũng có nhiều lo lắng. Nhưng mọi người yên tâm đây là tài khoản riêng chỉ dành cho từ thiện, mỗi đồng tiền gửi vào đều được sử dụng đúng vào mục đích từ thiện hỗ trợ người dân không sai đi đâu cả. Nghĩ về niềm vui của bà con khi nhận được hỗ trợ và từng ngày trông chờ thì mình sẽ ráng cố gắng hết sức có thể”.
Diễn viên Huỳnh Phương: “Rất nhiều người dân đã hai, ba ngày không được ăn gì rồi. Nên chúng tôi muốn đi càng nhanh càng tốt. Chính những người thích chỉ trích đã khiến các đoàn thiện nguyện chùn bước. Đừng ở nhà làm “anh hùng bàn phím”. Thay vì bình luận, dạy người ta cách làm từ thiện, tôi nghĩ các bạn nên quyên góp, ủng hộ còn tốt hơn”.