Chuyện buồn quá khứ
Đến tận bây giờ, chị Nguyễn Thị Nga (36 tuổi, quê Lạng Sơn) vẫn chưa quên được nỗi cay đắng, uất hận chỉ vì không sinh được con trai mà chị bị chồng phụ bạc. Đã thế, bố mẹ chồng chị thay vì phải bênh vực con dâu và các cháu thì lại đồng lõa với con trai, ruồng rẫy mẹ con chị. Sau ly hôn, người chồng lấy vợ mới, còn chị dằn lòng ở vậy nuôi con.
Chị Nga bảo, tính là 6 năm hôn nhân thì quãng thời gian chị gần chồng chắc gì đã được 1 năm? Người chồng trước kia là kỹ sư thủy điện, quanh năm anh bám theo các công trình xa nhà. Dường như việc anh lấy vợ chỉ để có người thay mình chăm sóc cha mẹ già và sinh cháu cho ông bà bế.
Quãng đời làm vợ của chị là phải nuôi con một mình dưới sự giám sát khắt khe, cay nghiệt của bố mẹ chồng. Khi chị sinh con gái út, thì người chồng được chuyển công tác về huyện, nhưng anh vẫn lấy cớ bận công việc không về sống gần vợ con mà ở tập thể cơ quan.
Hồi đó, dư luận đồn thổi chồng chị có người đàn bà khác, chị cũng nửa tin nửa ngờ. Nhưng mẹ chồng chị bảo: “Chẳng gì bằng vợ cái con cột, con cứ sinh thêm cho chồng một đứa con trai thì dẫu có đi 9 phương trời nó cũng vẫn quay về với gia đình.”
Nhưng khổ nỗi, sau lần sinh cô con gái thứ 2 thì chị phải phẫu thuật tử cung, bác sĩ khuyên không nên sinh nở nữa. Mà kể cả sinh thêm lần nữa thì chắc gì đã được con trai? Điều này khiến bố mẹ chồng chị thất vọng ra mặt, ông bà dần tỏ rõ thái độ, hay bóng gió mắng mỏ chị là “không biết đẻ con trai”, “kém phúc nên không có người nối dõi”.
Khi chồng chị có nhân tình, trở về ruồng rẫy vợ con, cha mẹ chồng đã không bênh vực mẹ con chị mà còn nhắm mắt làm ngơ, thậm chí xúi bẩy cho mâu thuẫn vợ chồng thêm trầm trọng, để con trai họ ly hôn vợ. Cảm giác đớn đau khi bị chồng phản bội, càng uất ức hơn khi lúc ấy lại đơn thương độc mã, yếu thế mà không được ai bảo vệ, bênh vực khiến chị tủi cực, cùng quẫn.
Khi ly hôn, phần vì suốt quá trình hôn nhân chị chỉ làm nội trợ, không có thu nhập, phần vì tự ái nên chị chấp nhận ra đi tay trắng, chị còn sĩ diện nuôi cả hai con mà không yêu cầu chồng cấp dưỡng. Gia đình chồng giàu có nhưng tệ bạc, mặc kệ mẹ con chị lếch thếch nuôi nhau, không hỗ trợ chút tiền nào. Nỗi đau đớn dai dẳng khiến nhiều năm sau, khi đã “đường ai ấy đi”, mọi chuyện đã an bài mà mỗi lần nghĩ lại, nước mắt chị vẫn chảy dài trên má.
Ly hôn không lâu thì người chồng lấy vợ mới, không cần quan tâm đến việc vợ cũ một mình nuôi hai con gái nhỏ, cuộc sống vất vả thiếu trước hụt sau. Mặc dù khó khăn vất vả vậy nhưng thỉnh thoảng người cha và ông bà nội các cháu có gửi quà, gửi tiền, chị đều cương quyết chuyển trả, không nhận. Chị còn cấm các con không được qua lại, liên hệ với gia đình nhà nội.
Hai đứa con gái rất thương mẹ, lại bị mẹ “giáo dục” cho sự cảnh giác với gia đình bên nội như vậy nên một mực nghe lời mẹ, cự tuyệt với gia đình bên nội. Chị cũng tuyên bố cắt đứt hoàn toàn, không đồng ý cho họ xuất hiện làm khuấy đảo cuộc sống của mẹ con mình. Bị làm cho bẽ mặt, lâu dần người cha và ông bà nội các cháu cũng tự ái “quên” luôn hai đứa con gái là máu mủ ruột rà của họ.
|
Tình hết, nghĩa vẫn còn
Mười năm qua, chị không nhớ nổi bao nhiêu lần con ốm con đau, bao phen nửa đêm ba mẹ con lếch thếch lôi nhau vào bệnh viện, tưởng chừng như chỉ có sự may mắn hay ông trời rủ lòng thương mà mẹ con chị mới giành được sự sống, lại được bình yên vui vẻ bên nhau.
Đến nay, con gái lớn của chị đã 15 tuổi, con gái nhỏ đã 12 tuổi, hai đứa đều xinh đẹp và học giỏi như một sự bù đắp kỳ diệu của số phận dành cho chị. Nỗi buồn đau, ẩn ức cũ dường như vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống của mẹ con chị, trôi về nơi xa lắc.
Nhưng cũng đúng thời điểm đó, chị bỗng nhận được điện thoại của cha mẹ chồng cũ. Trong câu chuyện, ông bà đã bày tỏ thái độ “xuống nước”, muốn làm lành với chị, vì dù chị không còn là dâu con trong nhà nhưng các con chị vẫn là máu mủ ruột rà của ông bà. Ông bà tâm sự rằng giờ họ đều tuổi cao và đau yếu, càng suy nghĩ họ càng ân hận vì trước kia đã cư xử không phải với mẹ con chị. Mẹ chồng chị tha thiết:
“Cha mẹ biết mình đã sai rồi. Giờ con hãy cho các cháu về thăm ông bà nội, cha mẹ muốn làm thủ tục tặng nhà đất cho các cháu để bù đắp cho chúng những thiệt thòi bấy lâu.” Đáp lại thái độ rưng rưng, như van nài của bà cụ, chị chỉ nhẹ nhàng bảo: “Chắc con phải nói lời cảm ơn và xin lỗi ông bà thôi. Vì những năm tháng khó khăn đói khổ nhất, mẹ con con đã vượt qua rồi”. Lạnh lùng cúp máy, lòng chị thoáng hả hê…
Mặc dù đã bày tỏ thái độ rõ ràng vậy nhưng sau đó, lòng chị vẫn cứ áy náy, day dứt không yên. Chia sẻ với các chuyên gia của Family và xin tư vấn, chị cho biết: “Tôi không biết mình làm như vậy có ích kỷ và cố chấp quá không?
Tôi có quyền buộc các con mình phải “cắt đứt” tình cảm với cha và gia đình bên nội khi mà lâu nay chỉ mình tôi nuôi dạy các con nên người, gia đình họ hoàn toàn không quan tâm và vô trách nhiệm với cuộc sống của mẹ con tôi?” Chị Nga nghẹn ngào chấm nước mắt.
Chuyên gia pháp lý của Family nói gì?
Xin chia sẻ với tâm trạng nhiều ẩn ức và bức xúc của một người mẹ đơn thân chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi. Nhưng luật sư có cảm giác chị đang lấy sai lầm của người khác để biện minh cho việc làm không đúng của mình.
Đành rằng trước đây người cha và ông bà nội các cháu đã cư xử không đúng với mẹ con chị, nhưng nếu vì thế mà nay chị buộc các con mình dứt tình với họ thì đó là hành vi sai lầm, cả trên phương diện pháp lý lẫn đạo lý.
Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam 2014 quy định: “Sau khi ly hôn, cha/mẹ là người không trực tiếp nuôi dưỡng con cái được quyền tự do thăm nom chăm sóc các con mình, không ai có quyền ngăn cấm, cản trở.” Luật này cũng quy định rất rõ về quyền, nghĩa vụ của ông bà với các cháu và ngược lại.
Như vậy, tình cảm gia đình, tình máu mủ ruột rà được pháp luật bảo hộ. Đó là tình cảm tự nhiên của con người, như cây có cội, như sông có nguồn, không thể ngăn cấm được và cũng không một ai có quyền ngăn cấm tình cảm thiêng liêng đó.
Về việc ông bà muốn tặng cho các con của chị số tài sản, hiện các con chị đều chưa thành niên nên chị và chồng cũ sẽ vừa là người đại diện vừa là người giám hộ của các cháu khi tham gia các giao dịch.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa thành niên vẫn có quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản. Do đó, các con chị vẫn có quyền sở hữu tài sản với nguồn gốc được xác lập do được thừa kế, tặng, cho mà không phụ thuộc vào việc chị có đồng ý hay không.
Theo luật sư, chị hãy cho các con mình về thăm ông bà nội, những chuyện đã qua thì hãy để cho quá khứ ngủ yên. Chúc chị sức khỏe, sớm có được quyết định hợp lý, hợp tình.