Tinh thần hiệp sỹ

(PLO) - Họ là những nhóm người tình nguyện chống lại bọn trộm cướp, tệ nạn xã hội, góp phần bảo vệ người yếu thế, giữ gìn trật tự xã hội. Họ chính xác là ở trong lòng dân, từ dân mà ra, vì dân mà xả thân, không lương bổng, chức vụ cũng trong thù lao. Chính vì sự nghĩa khí đó mà những người này được gọi là “hiệp sỹ đường phố” và hành động của họ thể hiện tính cách: “Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha” nên họ được coi là những “Lục Vân Tiên thời hiện đại”. 
Tinh thần hiệp sỹ

Sự chống trả điên cuồng đầy manh động của bọn trộm xe SH khi bị nhóm “hiệp sỹ” quận Tân Bình (TP HCM) truy đuổi đã khiến 2 “hiệp sỹ” chết và 3 người thương vong. Sự kiện này lập tức gây chấn động dư luận xã hội, từ các trang mạng tài khoản cá nhân đến các phương tiện truyền thông đại chúng đều coi đó là tấm gương của lòng dũng cảm và cần có sự tri ân, tưởng thưởng xứng đáng cho sự hy sinh này. Các nhà lãnh đạo của đất nước cũng như ở địa phương lên tiếng, bày tỏ sự thương tiếc, khâm phục trước hành vi quả cảm đó, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo bằng mọi giá phải bắt được bọn trộm giết người kia và các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc mong sớm trừng trị kẻ manh động, trả lại công bằng cho những người đã đổ máu khi bảo vệ tài sản của người khác.

Sự hy sinh của các “hiệp sỹ” không hề vô ích, không phải là họ đang làm cái việc “không phải của họ” như một số ý kiến đã cho rằng hãy để việc bắt trộm cướp cho Công an, không nên khuyến khích người dân tham gia vào những việc nguy hiểm,... Hãy điểm lại các việc mà “hiệp sỹ” đã làm, hãy lắng nghe câu chuyện của người dân, hãy thấy sự cảm phục và tin tưởng của họ dành cho những người này như thế nào thì có lẽ sẽ không có những ý kiến trái chiều nữa. Hoạt động của các “hiệp sỹ” chính là sự biểu dương tinh thần nghĩa khí, cứu giúp nhau, kịp thời và hiệu quả trong lúc hiểm nguy và không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng xuất hiện đúng lúc. Những “hiệp sỹ đường phố” này chính là “cánh tay nối dài” của các lực lượng bảo vệ trật tự xã hội.

Cũng chẳng thể nhân rộng mô hình “hiệp sỹ” trong cả nước. Bởi mỗi vùng đất, địa phương có những cách nghĩ, cách sống khác nhau. “Hiệp sỹ” xuất hiện trong vùng đất Nam bộ, nổi tiếng với tính cách khoáng đạt của người dân “trọng nghĩa, khinh tài”, vì thế, đây là “đất dụng võ” cho những “Lục Vân Tiên” thời đại.

Tinh thần hiệp sỹ cần được duy trì, bởi ngay trong thời điểm này, xã hội chúng ta cần đến tinh thần đó!