Tình thế khó của Tòa án Hình sự quốc tế

(PLVN) - Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã lại khuấy động nền chính trị thế giới với quyết định tiến hành điều tra về những hành động bị coi là tội ác gây ra ở các vùng lãnh thổ của người Palestine tại khu vực Trung Đông. Trước đấy, Tòa án này đã đưa ra tuyên bố là phạm vi chế tài của tòa bao phủ cả các vùng lãnh thổ này, tức là bất cứ tội ác nào xảy ra ở nơi đây thuộc phạm vi quyền hạn và trách nhiệm xét xử của tòa. 
Các nhân viên y tế Palestine tự cứu chữa sau khi bị nhiễm khói hơi cay do binh lính Israel bắn ra
(ảnh Reuters).
Các nhân viên y tế Palestine tự cứu chữa sau khi bị nhiễm khói hơi cay do binh lính Israel bắn ra (ảnh Reuters).

ICC được các thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) thành lập năm 2002 và ngay từ khi ra đời, tòa này đã bị tác động rất mạnh mẽ bởi chính trị thế giới, bị vạ lây bởi biến động trong quan hệ quốc tế và thậm chí bị trở thành “quả bóng” trong cuộc chơi “ma trận” chính trị.

Các vùng lãnh thổ của người Palestine ở Trung Đông là chuyện pháp lý quốc tế bởi đã được LHQ xác nhận trong các nghị quyết từ sau năm 1947. Chuyện nhà nước của người Palestine ở trên các vùng lãnh thổ ấy lại liên quan trực tiếp đến chính sách và hành động của cả Israel lẫn Mỹ từ đó đến nay. Mỹ và Israel không tham gia ICC, trong khi Palestine được công nhận là một bên tham gia ICC từ năm 2015.

ICC được thành lập với mục đích thực thi luật pháp quốc tế và tạo dựng cũng như đảm bảo cho công bằng về pháp lý quốc tế. Sự tham gia của Palestine vào ICC trong thực chất lại là một cái lệ chính trị bởi Palestine cho đến nay chưa có nhà nước độc lập. Công nhận Palestine là nhà nước độc lập hay không là chuyện giằng co giữa hai phe trong cộng đồng quốc tế. Hiện chưa có nhà nước Palestine độc lập không có nghĩa là rồi đây sẽ không có hoặc không thể có nhà nước Palestine độc lập. Hơn nữa, LHQ từ rất nhiều thập kỷ nay đều vẫn thúc đẩy việc thành lập nhà nước Palestine độc lập có chủ quyền và lãnh thổ riêng. Lãnh thổ này, LHQ đã dành cho Palestine. 

Vì những nguồn gốc và ràng buộc chính trị này mà ICC mở đường cho Palestine trở thành thành viên hồi năm 2015. Một khi được tham gia ICC và được công nhận là thành viên của ICC, Palestine có đầy dủ quyền và trách nhiệm như mọi thành viên khác của ICC, trong đó có quyền khởi kiện trước ICC về những hành động của Israel mà Palestine coi là vi phạm luật pháp quốc tế trên những vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng bằng những cuộc chiến tranh từ sau năm 1967, như ở phía Đông thành phố Jerusalem, ở bờ Tây sông Jordan và ở dải Gaza.

Israel không tham gia ICC và không công nhận quyền tài phán chung của ICC, nhưng nước này vẫn kịch liệt chống đối sự tham gia của Palestine vào ICC và ý định tiến hành điều tra của ICC ở những vùng lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng lâu nay. Một khi tiến hành điều tra thì ICC sẽ phanh phui không ít vấn đề, dư luận quốc tế sẽ để ý đến, uy danh quốc tế của nhiều bên sẽ bị tổn hại và vì thế việc thực thi lợi ích chiến lược cơ bản lâu dài của bên bất kỳ bên nào ở khu vực Trung Đông sẽ thêm khó khăn.

Đối với ICC, một khi đã tạo lệ là chấp nhận Palestine tham gia thì đương nhiên không thể chối bỏ trách nhiệm xử lý những yêu cầu đòi hỏi chính đáng của thành viên, cho dù xử lý đến mức độ nào, với hình thức nào và đưa ra kết quả cuối cùng ra sao lại là chuyện khác. Trên thực tế, đấy chẳng khác gì như đã đâm lao thì phải theo lao. Trách nhiệm về pháp lý này của ICC là hệ lụy không thể khác của cái lệ chính trị mà ICC dùng luật để tạo nên từ trước đấy. Trong khuôn khổ quốc gia cũng như quốc tế, luật pháp và chính trị vừa biệt lập với nhau, lại vừa liên quan tới nhau nên luật và lệ cứ níu kéo và ràng buộc lẫn nhau.

Đọc thêm