Công khai buôn bán ĐVHD trên mạng
Điều này cho thấy trong vài năm trở lại đây, loại tội phạm về ĐVHD trên Internet đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Trên các trang mạng xã hội, các website, các diễn đàn, nhiều loài ĐVHD từ sóc, nhím, trăn, rắn, kỳ đà, cá sấu, chuột đến những loài nguy cấp, quý, hiếm như hổ, culi, rái cá được rao bán ngày càng thường xuyên và công khai, thậm chí kèm theo đầy đủ thông tin của người bán.
Mới đây, TAND quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt đối tượng Phan Huỳnh Anh Khoa (tức Khoa Xì trum, SN 1993, cư trú tại quận Gò Vấp) 5 năm tù, phạt bổ sung 50 triệu đồng cho hành vi buôn bán trái phép ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Khoa là một tên “trùm” buôn bán ĐVHD trên internet với thái độ “ngông cuồng” cũng như ngang nhiên thách thức ENV và các cơ quan chức năng. Khoa bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi bán 9 cá thể rái cá và một cá thể voọc chà vá chân đen.
Trước đó, vào tháng 5/2015, một đối tượng khác chuyên rao bán ĐVHD trên mạng là Đinh Công Thành cũng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ cùng tang vật là 44 cá thể rùa thuộc nhiều loài khác nhau. Thành sau đó đã phải chịu mức án 13 tháng tù giam. Tháng 12/2015, Lê Đức Minh ở Hà Nội cũng đã bị tuyên phạt 27 tháng tù giam sau khi rao bán 3 cá thể cu li trên mạng. Việc xử lí thích đáng các đối tượng là một tín hiệu đáng mừng trong cuộc chiến không khoan nhượng với các vi phạm về ĐVHD, nhưng mặt khác cũng là hồi chuông cảnh báo về tình trạng buôn bán ĐVHD tràn lan, khó quản lí trên mạng.
Từ những thực tế này, ngày 17/9/2016 Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật. Chỉ thị nêu rõ, để ngăn chặn tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán ngà voi, sừng tê giác trái pháp luật; tập trung kiểm tra các làng nghề, cơ sở chế biến, cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các địa điểm du lịch, sân bay, bến tàu, cơ sở buôn bán, bào chế thuốc y học cổ truyền,… và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
|
Cá thể Tê Tê |
Trường hợp để xảy ra vi phạm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc để xảy ra các vi phạm tại địa bàn do mình quản lý.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường thực hiện các chuyên án triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác; chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động bày bán, buôn bán qua mạng, quảng cáo, sử dụng trái phép mẫu vật sừng tê giác và ngà voi trong thị trường nội địa...
Sớm chấm dứt triệt để hoạt động gây nuôi thương mại các loài ĐVHD
Tin vui về Chỉ thị 28 của Thủ tướng Chính phủ đã được các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn hoang dã hồ hởi đón nhận. Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV cho biết, ENV đặc biệt hoan nghênh Chỉ thị 28 vì Chỉ thị này đã một lần nữa khẳng định quyết tâm cao của Chính phủ trong công tác đấu tranh ngăn chặn nạn săn bắt và buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, đặc biệt kiên quyết xử lý các vi phạm liên quan đến sừng tê giác, ngà voi và các loài nguy cấp, quý hiếm khác đã thể hiện tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/2/2014.
“Tuy nhiên, ENV cũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng phải coi những vi phạm liên quan đến ĐVHD là vi phạm nghiêm trọng, nghiêm túc xử lý theo đúng các quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD và tập trung điều tra, phát hiện và xử lý các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ĐVHD lớn. Thêm vào đó, hiện nay các quy định pháp luật xử lý vi phạm liên quan đến sừng tê giác và ngà voi vẫn còn nhiều khó khăn, cản trở hiệu quả thực thi pháp luật. Do đó, liên ngành Tư pháp Trung ương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần cấp bách quan tâm, hướng dẫn nhằm xử lý nghiêm khắc đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật và góp phần răn đe, phòng ngừa tội phạm” - bà Bùi Thị Hà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với bà Bùi Thị Hà, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – chuyên gia bảo tồn ĐVHD tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Vườn Quốc gia Cúc Phương cũng rất vui mừng với những nội dung thiết thực của Chỉ thị 28. “Nhưng tôi cũng như nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn ĐVHD khác rất mong muốn, Chính phủ sẽ cân nhắc việc cho phép mở rộng mô hình trang trại gây nuôi ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Vì mô hình này cho thấy nhiều bất cập thậm chí là gián tiếp tiếp tay cho việc săn bắt, buôn bán ĐVHD” – bà Hiền bày tỏ.
Đề xuất của bà Hiền không phải vô căn cứ khi trong những thập niên gần đây, một số văn bản đã mở rộng cửa cho các hoạt động gây nuôi thương mại và buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp quý hiếm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất ước
. Mới đây, ENV đã tiến hành khảo sát 26 cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD lớn tại Việt Nam có quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh ở miền Bắc, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi ở miền Trung, và Tây Ninh, Hồ Chí Minh, Đồng Tháp ở miền Nam. Kết quả của đợt khảo sát này cho thấy, 100% (26/26) cơ sở được khảo sát có dấu hiệu nhập lậu ĐVHD ở những mức độ khác nhau. 89% (17/19) số người được hỏi cho biết có bán giấy phép vận chuyển, trong đó một số chủ cơ sở còn đề nghị bán giấy phép vận chuyển cho cán bộ khảo sát.
91% (10/11) số người được hỏi cho biết họ có mua giấy phép vận chuyển từ các cơ sở khác hoặc trực tiếp từ cán bộ kiểm lâm. 100% (18/18) số người được hỏi cho biết họ có mua ĐVHD không có giấy phép vận chuyển. 100% (14/14) số người được hỏi cho biết họ có bán ĐVHD không kèm giấy phép vận chuyển...
Từ khảo sát này, EVN đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần nghiêm cấm hoạt động gây nuôi thương mại các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo pháp luật Việt Nam và các loài ĐVHD thuộc Phụ lục I của CITES. Đối với các cơ sở đã được cấp phép gây nuôi các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thì cần có giải pháp để sớm chấm dứt triệt để hoạt động gây nuôi…