Nhạc sĩ của những tựa bài hát đâm tính văn chương
Nhạc sĩ Hoài Linh và vợ là bà Trần Thị Duyên (mất năm 2016) đều quê gốc ở Kiến An (TP Hải Phòng). Sinh thời, bà Duyên từng kể, khi tròn 18 tuổi, bà là cô gái nổi tiếng xinh đẹp trong vùng, được bao chàng trai si mê, theo đuổi. Nhạc sĩ Hoài Linh cũng là một trong số đó, ông nhiều lần tới chơi và trao bà ánh mắt tình tứ nhưng không được đáp lại.
Cho đến một ngày, ông mạnh dạn hát tặng người trong mộng bài hát “Cô láng giềng”. Bất ngờ, khi chàng trai si tình cất giọng cũng là lúc cô thôn nữ xinh đẹp xiêu lòng. Vậy là ông bà đến với nhau. Ngày đó, nhạc sĩ Hoài Linh đã tập tành viết nhạc và sáng tác tặng bà Duyên nhiều ca khúc nhưng chưa có ý định xuất bản. Sau khi lấy nhau vài năm, ông đưa vợ con vào Nam và bắt đầu chuyên tâm sáng tác.
Nhạc phẩm đầu tiên gây tiếng vang của ông là “Em ơi! Nếu đừng dang dở” qua giọng hát của nữ ca sĩ Lệ Thu. Tuy nhiên, tên tuổi của nhạc sĩ Hoài Linh chỉ thật sự nổi như cồn vào đầu thập niên 60 với tác phẩm “Sầu tím thiệp hồng” (đồng tác giả với Minh Kỳ) qua tiếng hát Hà Thanh. Sau đó, ca khúc đã trở thành bài hát lý tưởng dành cho các cặp song ca như: Chế Linh - Thanh Tuyền, Tuấn Vũ - Giao Linh, gần đây là Quốc Đại - Cẩm Ly, Quang Lê - Lệ Quyên.
Gia đình cố nhạc sĩ Hoài Linh (ảnh tư liệu) |
Sau “Sầu tím thiệp hồng”, rất nhiều nhà sản xuất đã tìm đến nhạc sĩ Hoài Linh. Bà Duyên từng cho hay, nhiều lần chồng bà mang về số tiền tác quyền rất lớn đưa bà cất giữ. Bà liền đi mua được 20 cây vàng. Nhạc sĩ Hoài Linh được đông đảo khán giả mến mộ với những ca khúc nổi tiếng đi vào lòng người như: “Về đâu mái tóc người thương”, “Sầu tím thiệp hồng”, “Chuyến tàu hoàng hôn”, “Căn nhà màu tím”, “Hai đứa giận nhau”…
Những sáng tác của ông không chỉ hấp dẫn khán giả bởi giai điệu lãng mạn mà lời ca cũng đầy ý nghĩa, sâu sắc. Bởi thế, ông nổi tiếng là nhạc sĩ có tài đặt tựa bài hát và viết lời ca khúc văn chương nhất lúc bấy giờ. Nói về người nhạc sĩ tài hoa, danh ca Phương Dung chia sẻ: “Nhạc sĩ Hoài Linh có tài viết lời nhạc rất hay, dễ đi vào lòng người, mỗi câu từ đều có sự chau chuốt kỹ lưỡng.
Trước khi đưa bài hát cho ai thể hiện ông đều chia sẻ cái ý sáng tác của mình để ca sĩ hiểu và truyền đạt rõ hơn, cảm xúc hơn”. Với tâm hồn bay bổng cùng năng khiếu văn chương, danh tiếng của Hoài Linh được nhiều bạn bè trong giới ngưỡng mộ và tìm đến nhờ ông viết lời cho ca khúc của mình như các nhạc sĩ Minh Kỳ, Mạnh Phát, Tuấn Khanh, Song Ngọc…
Chính vì điều đó nên dù là người khá kín tiếng, ít nói nhưng với sự hiền hòa, dễ mến, ông được nhiều bạn bè quý trọng.
"Người đàn ông hiếm có trên đời”
Cùng thời với nhạc sĩ Hoài Linh, rất nhiều nhạc sĩ đã không thoát khỏi những cám dỗ do con tim nghệ sĩ đa sầu đa cảm và môi trường làm việc mang tới. Trong số đó, không ít người mải mê theo đuổi những bóng hồng xung quanh mà lơ là, bỏ bê để rồi đánh mất gia đình. Riêng nhạc sĩ Hoài Linh không có điều tiếng gì. Đó cũng chính là điều làm vợ con ông luôn tự hào.
Sinh thời, bà Duyên từng cho biết: “Nói thì nhiều người nghĩ tôi nói dối vì sợ “xấu chàng hổ ai”. Nhưng quả thực mấy chục năm chung sống, tôi chưa từng phải lo chuyện ông ấy ra ngoài trăng gió. Ông nhà tôi rất hiền lành, ai cũng quý mến nhưng không bao giờ có tin đồn không hay với người phụ nữ nào. Chúng tôi là tình đầu nhưng cũng là tình cuối của nhau”.
Mới đây, trong chương trình “Chân dung cuộc tình”, con gái cố nhạc sĩ Hoài Linh khẳng định: “Cha tôi rất nghiêm túc, không có ai hết, tôi khẳng định vậy luôn. Bên cạnh ông không hề có một bóng hồng hay mối tình nào khác ngoài mẹ tôi. Có lẽ chính tình yêu to lớn của ông dành cho các con giúp ông vượt qua mọi cám dỗ và làm động lực trong cuộc sống”.
Ví như chuyện bà Duyên có mái tóc dài, mỗi khi gội đầu xong lại ngồi trước thềm hong tóc cho khô. Chính từ hình ảnh đẹp đẽ ấy của vợ mà nhạc sĩ nhạc sĩ Hoài Linh đã nảy sinh cảm hứng viết : “Hồn lỡ sa vào đôi mắt em/ Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm/ Thầm ước nhưng nào đâu dám nói/ Khép tâm tư lại thôi/ Đường hoa vẫn chưa mở lối…” để thành những giai điều mượt mà của ca khúc “Về đâu mái tóc người thương”.
Hay như nhạc phẩm “Sầu tím thiệp hồng” cũng là do ông nhớ lại khoảng thời gian đầu tơ tưởng bà Duyên nhưng bà không đáp lại. “Từ lúc quen nhau chưa nói một lời gì, tỏ tình ta mến nhau/ Nhiều đêm ngắm sao, mơ ước duyên mình bền lâu, suốt đời tình thắm sâu/ Nhớ thương đầy vơi, mộng thấy ai mỉm cười, làn môi xinh tuyệt vời…”. Đó chính là lời ca mở đầu tuyệt phẩm ấy.
Hay ca khúc “Hai đứa giận nhau”: “… Giận hờn hai hôm dài như một tháng/ Ghét anh đôi ba bữa bằng năm tròn/ Một người ra đi một người ghé nón/ Nắm tay hết giận hết hờn để giấc mơ thôi chập chờn”. Ca khúc này nhạc sĩ Hoài Linh sáng tác sau một lần vợ chồng giận nhau. Sáng tác xong, ông lại gọi vợ tới nghe hát. Đó là một cách làm lành vô cùng hiệu quả.
Bà Duyên từng kể, mỗi lần sáng tác xong một bài, nhạc sĩ Hoài Linh lại bảo vợ tới ngồi kế bên để nghe ông hát. Tuy không nói ra nhưng bà biết, ông hát tặng bà và cũng muốn nghe ý kiến của vợ. Mỗi lần như thế, bà đều không khỏi xúc động và cảm thấy yêu thương, kính trọng người bạn đời nhiều hơn. Bà biết trái tim ông đã dành trọn cho bà.
Không chỉ thể hiện tình cảm với vợ qua các sản phẩm tinh thần, nhạc sĩ Hoài Linh còn rất quan tâm tới người bạn đời từ hành động mỗi ngày. Bà Duyên từng kể, ngày ấy ở Sài Gòn rất nhiều quán xá nghệ sĩ, ở đó hầu hết là giới nhạc sĩ tụ tập nhậu nhẹt, bàn chuyện trên trời dưới biển rồi trở về trong trạng thái lâng lâng.
Nhưng chồng bà rất ít khi ra vào những chỗ đó, chỉ dịp nào bạn bè mời nhiệt tình quá nhạc sĩ Hoài Linh mới tới. “Vợ chồng tôi đông con, khi các con còn nhỏ, ông thường đảm nhận hết công việc đi chợ, nấu cơm, quét nhà… Khi làm ra tiền, mỗi tuần ông ấy lại gọi hai chiếc xe đưa mẹ con tôi đi ăn nhà hàng. Thậm chí, cả quần áo của mấy mẹ con, tôi cũng rất ít khi mua, bởi chồng đã lo hết rồi. Thật sự, tôi đã may mắn có được người đàn ông hiếm có trên đời”, bà Duyên từng kể.
Trong chương trình “Chân dung cuộc tình”, nhớ lại những kỷ niệm về cha, cả bốn người con gái của nhạc sĩ Hoài Linh không giấu niềm tự hào khi nhắc về ông. Chị Hạnh (con gái lớn của cố nhạc sĩ Hoài Linh) bồi hồi nhớ về cha: “Cha tôi rất thương gia đình. Ông đi làm về là lo cho các con đầu tiên, ông thích tự tay tắm giặt cho các con, mua đồ đẹp cho chị em tôi lúc nhỏ. Ông có thói quen tự tay ủi hết quần áo mặc trong cả tuần. Đi đâu vui, ăn gì ngon, ông cũng sẽ dẫn vợ con theo. Cha tôi từng ước rằng lúc nào cũng được chăm sóc, chở che cho các con”.
“Cha tôi đi làm về lúc nào cũng có bánh cho các con. Trong mỗi bữa ăn, ông thường pha trò cho cả nhà vui. Đặc biệt, dù thương con nhưng ông vẫn đánh đòn khi con hư và mua quà về bù cho con”, người con gái thứ của nhạc sĩ Hoài Linh chia sẻ.