Tình yêu cổ tích giữa "cô gái làng chơi" với chàng trai tật nguyền

(PLO) -Một cô gái có quá khứ lầm lỗi, bệnh tật, một chàng trai mồ côi bị khiếm khuyết cơ thể nhưng từ lâu đã làm nên câu chuyện cổ tích tình yêu ở làng Hoàn Lương (thôn Lộc Mỹ, Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Đó là cặp vợ chồng Nguyễn Thị Quyên (SN 1957) và Phan Văn Tài (SN 1963). Cùng bước ra từ Trung tâm Giáo dục- Dạy nghề 05-06, họ gạt mặc cảm, lấy tình yêu chân thành để xây dựng cuộc đời mới…
Vợ chồng ông Tài, bà Quyên

Những nỗi niềm “lấm bụi trần”

Câu chuyện về quá khứ không mấy tốt đẹp của đôi vợ chồng ở xóm hoàn lương này được nhiều người biết đến. Căn nhà nhỏ nằm sâu trong xóm nghèo, cái đói khổ vẫn hiện hữu mỗi ngày, nhưng ai nấy vẫn luôn giữ nụ cười hạnh phúc trên môi.

Bà Quyên kể, mình sinh ra trong gia đình đông con ở Triều Phong (tỉnh Quảng Trị). Cuộc sống ở quê nghèo vốn cơ cực, lại đúng thời chiến tranh loạn lạc nên cha mẹ bà chẳng có thời gian chăm sóc đàn con.

Làm chị cả của 8 đứa em nhỏ, mới 5 tuổi, bà Quyên đã bị mặc định phải thay cha mẹ quán xuyến gia đình. Nhưng không may, một lần đưa các em đi mót sắn, 2 đứa em bà dẫm phải mìn tử nạn. Chưa kịp nén lại nỗi đau, trong 1 lần ẵm em, bà bất cẩn để rớt đứa út mới sinh.

Đứa trẻ này một thời gian sau có biểu hiện thần kinh không bình thường rồi đột ngột qua đời. Cha bà suy sụp nặng cũng đổ bệnh mất theo. Tự thấy mình mắc lỗi, bà Quyên nguyện cả đời lo toan cho cuộc sống của những người còn lại.

Khi các em đã trưởng thành, hạnh phúc cá nhân của bà Quyên cũng bị lãng quên mất. Ở tuổi 30, nghĩ mình đã “về già”, bà cũng chẳng thiết tha đến mái ấm riêng nữa. Do cuộc sống ở quê quá khó khăn, thời gian này, bà quyết định đi tìm một miền đất hứa làm kiếm tiền gửi về giúp  mẹ và các em. Năm 1987, bà Quyên bắt đầu lang bạt tới Đà Nẵng

Ban đầu, bà Quyên xin đi bốc vác, phu hồ và cả rửa chén bát thuê. Làm miệt mài 2 năm, cuộc sống không có gì khởi sắc mà đổi lại toàn những đắng cay ê chề. Bà Quyên nhớ lại, lúc đó, vì biết bà thân gái một mình, có đến 4 lần chủ nhà và đồng nghiệp nam giở trò đồi bại. Mỗi lần như vậy, bà ôm quần áo bỏ trốn, quên luôn cả lấy tiền công.

Năm 1989, trong 1 lần bỏ chạy khỏi bị làm nhục, bà tìm đến gần bến xe Đà Nẵng thuê phòng, ở với nhiều phụ nữ hành nghề kỹ nữ. Nghe bà kể hoàn cảnh, những người này rủ rê với bà cách kiếm tiền bằng thân xác “vừa đỡ mệt, thu nhập lại ổn”. Nhìn lại bản thân đã “vấy bẩn”, hoàn cảnh gia đình ở quê còn đang thiếu thốn, sau một hồi đắn đo suy nghĩ, bà lặng lẽ gật đầu.

Tuy nhiên, con đường hành nghề “bán thân nuôi miệng” của bà cũng không mấy suôn sẻ. Vì quá lứa lỡ thì vận thường bị khách chê, bà phải tìm tới giới chăn dắt, vừa chịu sự quản lý hà khắc, bị đánh đập, thúc ép, vừa bị cắt xén thu nhập.

Cũng khoảng thời gian “đi khách” này, bà phát hiện mình mắc bệnh phụ khoa khiến tiền làm ra không đủ nuôi thân, chữa bệnh. Hơn một năm sống ê chề, bà Quyên bị bắt trong một chiến dịch truy quét các ổ chứa mại dâm của lực lượng Công an TP Đà Nẵng.

Bà bị đưa đi cải tạo, phục hồi nhân phẩm tại trại xã hội Bầu Bàng (nay là Trung tâm Giáo dục- Dạy nghề 05- 06). Ở đây, từ vũng bùn nhớ nhớp, bà Quyên bắt đầu hành trình làm lại cuộc đời.

Năm 1990, trong lúc đi lao động cải tạo, bà được một chàng trai chân tay khiếm khuyết, mắt dị tật Phan Văn Tài hay tìm đến bắt chuyện. Ông Tài cũng là một trại viên đặc biệt thiếu may mắn của trại Bàu Bàng.

Sinh ra ở Phước Sơn (Quảng Nam), cha mẹ mất trong chiến tranh, ông Tài thành đứa trẻ mồ côi khi mới 3 tuổi. Ký ức tuổi thơ của ông chỉ nhớ mang máng được chừng đó. Ông được bộ đội mang xuống Tam Kỳ gửi vào trại trẻ mồ côi.

Về sau, ông phải sống lang bạt kỳ hồ để tự nuôi thân. Không giấy tờ tùy thân, không nơi cưu mang, ông dạt ra Đà Nẵng hòa cùng đám trẻ bụi đời. Năm 1980 ông được đưa về trại Bầu Bàng nuôi dưỡng. Sau này trưởng thành nhưng ông cũng chẳng biết đi đâu, về đâu nên hơn 10 năm, ông xin bám trụ lại trại cho đến khi gặp bà Quyên.

Tình yêu nuôi dưỡng tâm hồn!

Bà Quyên kể thêm, thời gian cải tạo ở trại, bà còn phát bệnh thần kinh, lúc tỉnh lúc mê. Mỗi khi lên cơn, bà thường xé bỏ quần áo, đi lang thang trong rừng, không ai ngăn được. Theo bà, căn bệnh này xuất phát từ tháng ngày đi “làm gái” nuôi thân, vì bị đánh đập, bị bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần. Chỉ cần nghĩ ngợi hay bắt gặp một hình ảnh của quá khứ, bệnh lập tức tái phát.

Phần ông Tài, biết rõ bệnh tình của bà Quyên, lại nhỏ hơn bà 6 tuổi, nhưng ông vẫn dành một tình cảm đặc biệt. Ông tự nguyện mang áo quần vào rừng mặc lại cho bà Quyên rồi dẫn về săn sóc, tìm lá thuốc sắc cho uống để ổn định thần kinh… Cảm nhận được tình thương của ông, bà Quyên cũng mở lòng đón nhận.

Tuy nhiên, với mặc cảm từng hành nghề mại dâm và lời chọc ghẹo “trâu già thích gặm cỏ non” nên bà Quyên chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm ông Tài. Mỗi lần lao động, bà đều chọn cùng chỗ để đỡ đần ông. Nhiều người thấy vậy gán ghép, cán bộ quản giáo trại cũng tinh ý vun vén, đứng ra tổ chức tiệc cưới và làm chủ hôn cho cả hai ngay trong trại. 

Năm 1991, chính thức nên duyên vợ chồng, bà Quyên và ông Tài chuyển ra ngoài trại sinh sống. Được trung tâm cho một mảnh đất và những trại viên khác giúp xây dựng khung nhà, hai vợ chồng đi cắt cỏ tranh về lợp mái.

Thời gian đầu tự lập, không ruộng nương, không có công việc ổn định, vợ chồng bà Quyên đi giữ bò thuê, chặt củi bán. Một năm sau, bà Quyên sinh một con gái đầu lòng khỏe mạnh khiến hạnh phúc nhân đôi. Có con, ông Tài có thêm động lực, gạt bỏ qua mọi mặc cảm để xuống phố đi bán vé số hay ai thuê gì làm nấy, miễn có tiền đưa về nuôi gia đình.

Thế nhưng, tai ương vẫn chưa dừng lại. Năm 1994, khi tham gia hái trái ươi trên rừng, bà Quyên bị tai nạn lao động. Do di chứng bệnh thần kinh cũ, bà nằm liệt một thời gian. Ngày bà khỏi bệnh, kinh tế gia đình cũng khánh kiệt hoàn toàn.

Năm 1996, bà Quyên tiếp tục sinh thêm bé trai. Lấy con làm động lực, hai vợ chồng gây dựng lại cuộc sống bằng những cố gắng miệt mài. Tuy còn nhiều thiếu thốn, nợ nần vẫn hiện hữu, nhưng bằng nghị lực và tình yêu, căn nhà tranh của vợ chồng ông Tài đã được thay thế bằng mái ngói bằng. 2 con cũng được nuôi học khôn lớn, đã biết lo lắng cho công việc, đỡ đần giúp bố mẹ. 

Nói về cặp đôi này, ông Nguyễn Sáu, trưởng thôn Lộc Mỹ nhận xét, đây là mối tình “đũa lệch” kết thúc có hậu khiến ai nấy đều ngưỡng mộ. Ông Tài và bà Quyên đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng, chỉ cần yêu nhau thật lòng, biết cố gắng vun đắp từ những điều giản dị và sức lao động chân chính, họ sẽ có một gia đình hạnh phúc.

Bên cạnh đó, chuyện tình của vợ chồng ông Tài cũng giúp cái tên làng Hoàn Lương bớt đi vẻ ảm đạm hay những suy nghĩ mặc cảm về quá khứ bất hảo để rồi phải chịu cảnh đời đơn lẽ, bất hạnh như hiện nay..

Đọc thêm