Tình yêu không phân biệt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi biết tôi là nhà báo hay viết mảng gia đình, cô gái ấy đã kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình. “Viết hay không tùy chị cảm nhận”, câu nói của cô đã khiến tôi giữ lại cho riêng mình câu chuyện ngót nghét chục năm. Để đến nay khi cuộc đời của nhân vật chính đã sang một trang mới thì tôi mới kể.

“Em là con cả trong gia đình có ba anh chị em. Từ nhỏ tới lớn, cha mẹ em thương đều cả ba chị em chúng em như nhau. Nhưng càng lớn, em càng thấy dằn vặt bởi tình thương ấy. Vì không hiểu sao, so với cha mẹ và các em, em khác hẳn họ về vóc dáng, màu da, giọng nói. Cả nhà nước da ngăm ngăm, riêng em lại trắng bóc giữa đất nắng miền Trung gắt bỏng, cả nhà vóc dáng dong dỏng cao, chỉ mình em thấp đậm kèm theo chất giọng khàn khàn khác hẳn giọng nói cao của gia đình.

Nhiều người khách đến chơi, ngắm tấm ảnh gia đình phóng to treo ở phòng khách, quay sang hỏi cha em: “Sao con ni trông chẳng giống ai hết tề?”. Những lúc đó, cha em cười cười: “Chắc nó giống ông họ, bà hàng”. Ra đường cũng vậy, đi cùng gia đình mà nhiều người nghĩ em là cô cháu họ đến chơi, chỉ hai đứa em của em mới là con của cha mẹ.

Nhưng có lẽ những thắc mắc, những băn khoăn sẽ mãi nằm yên đó nếu cha em không bị tai nạn giao thông và cần truyền máu. Cả ba chị em em đều xung phong cho cha máu, nhưng chỉ có hai đứa em được chấp nhận còn em thì không vì nhóm máu A của em khác với nhóm máu O của cha. Lúc ấy, ngay tại bệnh viện, em đã bật khóc òa trong cái nhìn ngỡ ngàng của mọi người.

Cha khỏe mạnh xuất viện, nhưng tình yêu cha dành cho em thì không còn “khỏe mạnh” như xưa nữa. Cha hay trầm ngâm nhìn em rồi thở dài, nhiều lúc em như cảm thấy có hơi khí lạnh trong giọng nói mỗi khi hai cha con có dịp trò chuyện. Em đau khổ lắm, nhưng không thể cất lời với cha, vì nói cho cùng em cũng có biết gì hơn đâu.

Cho đến một lần, vô tình đi qua cánh cửa phòng cha mẹ khép hờ, em nghe giọng cha nói với mẹ: “Con nó đã lớn có quyền được biết cha đẻ của mình. Là mẹ sao em lại im lặng tàn nhẫn vậy?”. Cả chiều tối hôm đó em nằm vùi trong phòng, khóc mọng cả mắt. Chẳng lẽ cái điều em sợ nhất lại là sự thật?

Rồi cuối cùng sự thật cũng đến với em trong câu chuyện kể đẫm nước mắt của mẹ. Ngày đó ba mẹ lấy nhau được hai năm mà chưa thấy tin vui bèn rủ nhau đi khám. Hôm lấy kết quả vì cha đi công tác nên mẹ đến một mình và nhận được tin sét đánh rằng cơ hội có con không nhiều, vì do một căn bệnh bẩm sinh đã làm hại cha.

Biết tính cha luôn tự đặt lên mình trọng trách của một người chồng, người cha, người đàn ông trong gia đình. Nếu biết tin này cha sẽ quyết bỏ mẹ để mẹ có cơ hội làm lại cuộc đời, sinh con với người khác. Điều này, mẹ không hề muốn vì mẹ rất yêu cha. Mẹ đã âm thầm quyết định một việc hệ trọng. Đó là xin tinh trùng của người hiến giấu mặt để thụ tinh nhân tạo. Đứa con là em đã được hoài thai trong hoàn cảnh đó. Sau này, có lẽ do việc có em đem lại không khí vui vẻ trong gia đình, hay trời phật tổ tiên phù hộ không biết nữa mà mẹ em đã có thai với cha liên tiếp hai đứa em của em. Bí mật đó, mẹ em giấu kín vì không muốn làm cha buồn.

Hóa ra cái câu nói mà em tình cờ nghe được hôm trước chính là một câu nói mát mẻ, xóc xỉa của cha làm mẹ đau tới tận ruột gan. Nhưng mẹ vẫn im lặng, sống đời vợ chồng bao năm mẹ hiểu tính cha, rất gia trưởng nên sẽ không bao giờ tha thứ cho mẹ vì việc làm mà nhất định cha sẽ cho là phạm tội tày trời do không hỏi ý kiến cha ấy. Và lúc ấy liệu em có còn được ở yên trong gia đình…”.

* * *

Tôi nhớ đã từng đọc đâu đó rằng có một có một vị giáo sự nọ tình cờ nhặt được một số trứng của chim trĩ khi ông đi rừng. Ông cầm về đúng lúc một con gà mẹ cũng đẻ trứng. Ông âm thầm để thêm chỗ trứng chim trĩ đó vào ổ ấp của gà mẹ. Gà mẹ sau đấy vẫn phát hiện ra những quả trứng lạ. Gà mẹ do dự một chút nhưng lại tiếp tục ấp những quả trứng này như thể chúng là trứng do mình đẻ ra vậy.

Một thời gian sau, chim trĩ con nở ra, gà mẹ dẫn chúng vào trong rừng, dùng móng vuốt đào bới đất, tìm kiếm sâu bọ giữa đất và rễ cây. Gà mẹ “cục…cục…” gọi mấy con chim trĩ non đến ăn. Chứng kiến cảnh ấy, vị giáo sư hết sức ngạc nhiên. Lũ gà con vốn đều được cho ăn thức ăn nhân tạo, vì sao gà mẹ có thể biết được rằng chim trĩ con không ăn thức ăn chăn nuôi mà chỉ thích ăn giun dế?

Lần sau đó, vị giáo sư lại lấy một số trứng vịt cho gà mẹ ấp. Lại như lần trước, gà mẹ vẫn không quản nhọc sức ấp số trứng ấy nở ra vịt con. Sau đó, gà mẹ lại dẫn theo đàn vịt con đến bên hồ nước để chúng tập bơi lội. Hai sự việc bất ngờ ấy giúp vị giáo sư chợt nhận ra một sự thật rằng, gà mẹ không chỉ bao dung, ấp số trứng lạ không phải mình đẻ ra, mà nó còn hiểu được đặc tính của những con trĩ con, vịt con ấy rồi dẫn dắt chúng thực hành kĩ năng sinh tồn mà tạo hóa đã ban cho.

Con người khi nói về công sinh - công dưỡng thường đặt chúng lên bàn cân để cân nhắc. Thực ra công nào cũng quan trọng vì nếu không ai sinh thì ta chẳng thể tồn tại trên thế gian này. Nhưng công dưỡng quan trọng không kém vì không ai nuôi dưỡng thì ta cũng sẽ có nguy cơ bệnh tật và chết đi bất cứ lúc nào.

Nếu có cơ hội gặp một người trưởng thành thành đạt nhờ công nuôi dưỡng của bố mẹ nuôi ta mới càng thấy công nuôi dưỡng nó lớn lao tới mức nào. Thực tế, nếu không được chăm sóc bằng tình yêu thì bất kể chúng ta là ai cũng khó có thể nên người. Chỉ có người được nhận nhiều yêu thương, có người ở bên che chở, dẫn lối thì ta mới có được sự cân bằng cần thiết. Từ đó, ta mới có thể ban phát tình yêu đó đến cho người khác. Ngược lại, bên trong họ là sự hận thù, hằn học thì sẽ chỉ gây hại cho xã hội.

Nhiều gia đình ngày nay không thể có con. Họ lựa chọn việc nhận con nuôi thì cũng hãy giữ niềm tin rằng công sinh không bằng công dưỡng. Hãy yêu thương con như thể chúng là con ruột của mình vì yếu tố gen chỉ là phụ, chỉ cần bằng tình yêu của bạn, con cái mới có thể trưởng thành trong một môi trường lành mạnh và chúng mới dễ đạt được thành công trong cuộc sống.

Xin đừng đọc “Muôn kiếp nhân sinh” như một thứ mốt, một trào lưu. Mà hãy ngộ ra trong đó một ý tứ sâu xa về những mối duyên ở cuộc đời này. Rằng mọi cuộc gặp đều không vô tình. Bởi lẽ trong luân hồi xa xăm ấy, những người ta đã, đang gặp gỡ, đang ở bên cạnh trong cuộc đời này, có thể trong một kiếp nào đó họ từng là người thân thích của ta, là bố mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ta….

Thế nên “từ bi hỉ xả”- lời Phật dạy chúng ta nên yêu thương mọi người xung quanh cũng là từ đó. Trao đi lòng yêu thương của mình một cách vô tư, cho muôn người, muôn loài, không vì bất cứ lý do nào đó cũng là cách tự thương mình diệu kỳ nhất.

Đọc thêm