Nơi núi rừng “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” huyện Con Cuông (Nghệ An) có một điều kỳ diệu, một tình yêu lớn giữa hai con người không nhìn thấy ánh mặt trời. Nhưng vượt qua “bóng tối”, đôi vợ chồng ấy - anh Lương Văn Yên chị Dương Thị Hạnh đã dìu nhau qua khó khăn…
Nơi núi rừng “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” huyện Con Cuông (Nghệ An) có một điều kỳ diệu, một tình yêu lớn giữa hai con người không nhìn thấy ánh mặt trời. Nhưng vượt qua “bóng tối”, đôi vợ chồng ấy - anh Lương Văn Yên chị Dương Thị Hạnh đã dìu nhau qua khó khăn…
|
Gia đình nhỏ nơi tình yêu mãnh liệt của đôi vợ chồng mù |
Nơi tình yêu bắt đầu
Bóng tối đã vây quanh chị Dương Thị Hạnh (SN 1982 trú tại thôn Tân Lập, xã Cẩm Khê - huyện Con Cuông, Nghệ An), từ ngày mới lọt lòng. Sau này mới biết được chị là nạn nhân của chất độc da cam (dioxin) do cha chị đi bộ đội tham gia chiến đấu tại chiến trường QK5.
Với anh Anh Lương Văn Yên (SN 1980) người dân tộc Thái, khi anh được 8 tháng tuổi, sau một trận bạo bệnh, gia đình nghèo không có tiền đi cứu chữa, nên đôi mắt anh đã vĩnh viễn không còn nhìn lại được.
Năm 2002 chị Hạnh được xuống Trung tâm khuyết tật tại thành phố Vinh để học tập và sinh hoạt. Sau 3 năm học chị trở về nhà và đi dạy chữ Brai (chữ nổi) cho người mù tại Trung tâm khuyết tật huyện Con Cuông. Đây chính là nơi họ đã gặp nhau và nên duyên chồng vợ.
Kể từ ngày biết tin hai người yêu nhau, gia đình chị Hạnh ra sức phản đối, ông Dương Công Hoàng (SN 1938) - bố chị Hạnh cho biết: “Một người mù đã khổ lắm rồi, giờ hai đứa mù lại yêu nhau lấy nhau thì thêm khổ nên gia đình tui tìm cách ly tán hai đứa để sau này đỡ khổ…”. Thế nhưng, lạ, tình yêu mà, càng cấm lại càng mãnh liệt hơn. Biết hai người không thể xa nhau được, gia đình đành nuốt nước mắt tổ chức đám cưới cho hai anh chị. Tháng 10/2005, đám cưới giản dị với mấy mâm cơm và bạn bè hai anh chị cùng cảnh ngộ đến tham dự.
Hạnh phúc trong khốn khó
Không biết làm gì để kiếm tiền, anh chị nghĩ ra cách hai anh chị dắt nhau ra chợ, anh dùng cây đàn ghi ta hát để xin bố thí kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Ngày lại ngày, hai anh chị dắt díu nhau từ nhà ra chợ thị trấn, quãng đường chừng hơn 1km nhưng mò mẫm mãi gần 2 tiếng mới đến. Ngày mưa giông hay nắng cháy, người ta vẫn thấy đôi vợ chồng mù ấy ôm chiếc đàn ghi ta dò dẫm từng bước một.
Đôi tay anh đánh đàn nhiều nên giờ đã chai sạn, nhưng được trời cho giọng hát mê lòng người nên anh Yên lấy đó làm “vốn” để kiếm cơm cháo. Mò mẫm đi nhiều thành quen lối, chồng dìu vợ, vợ dắt chồng, cả hai người mù cứ dắt díu nhau đi. “Ngày may mắn cũng được vài ba chục ngàn, có ngày đi hát không được chi. Nhưng nghĩ không làm chi ra tiền thì cũng chỉ còn cách đi hát rong như rứa kiếm được đồng nào hay đồng đó đỡ đần cho ông bà ngoại. Chứ ngồi không cũng khó chịu lắm…”, anh Yên tâm sự.
Ba năm sau ngày cưới, tháng 10/2008, đứa con gái đầu lòng ra đời trong sự lo lắng, hồi hộp của tất cả mọi người. Phút nín thở của cả gia đình anh chị, và mọi người thở phào nhẹ nhõm, nhảy lên vì sung sướng khi bé gái ra đời, khỏe mạnh bình thường và có đôi mắt sáng ngời. “Khi con gái trở dạ, tui là người lo lắng nhất cứ sợ sẽ có thêm một người mù thì thật là… Nhưng may mắn, hạnh phúc đã mỉm cười với vợ chồng hắn. Con bé ra đời xinh đẹp và đôi mắt sáng. Tui với bà nó yên tâm vì không sống với vợ chồng nó mãi đến khi nó già được mà đã có đứa con để làm chỗ dựa rồi…”. ông Hoàng cho biết. Anh chị đặt tên cho con là Khánh Huyền, ở nhà mọi người thường gọi cháu là “Ánh Sao”, chị bảo, gọi như thế để sau này đời con sẽ sáng hơn đời anh chị.
Nay con gái anh chị đã 4 tuổi và đang học mẫu giáo, ngoan ngoãn, xinh xắn là niềm động viên để anh chị vượt qua giông bão khó khăn. Khuôn mặt trẻ non còn thơ dại là thế, nhưng Huyền vẫn luôn nói với mọi người, “Cô giáo bảo học giỏi sẽ làm bác sỹ, cháu sẽ làm bác sỹ để chữa bệnh cho bố mẹ cháu… ”, chỉ thế thôi là ah chị cũng đã vui lắm rồi. Mỗi lần anh đi hát về, giọng đã khô, tay chân run run vì đói nhưng nghe giọng con gái là khuôn mặt anh rạng ngời lên hơn bao giờ hết.
Ngôi nhà ước mơ
Ngôi nhà ông bà ngoại làm cho đã xuống cấp, mỗi lần mưa gió lớn lại lo không ngủ được. Ông bà ngoại bây giờ cũng đã già yếu, anh Yên phải nhận trách nhiệm phụ thêm cho ông bà chi tiêu cho cả hai gia đình. Chị Hạnh hỏi: “Chú này, nghe trên ti vi người ta có chương trình “Ngôi nhà ước mơ”, anh chị cũng muốn tham gia mà không biết nên làm răng để được tham gia. Ngôi nhà dột nát quá rồi, đêm đến mưa bão nước chảy vào không ngủ được mà cũng không biết chỗ mô mà sửa. Anh chị giờ muốn có một ngôi nhà nhỏ thôi, ở gần chợ thì tốt để anh tiện đi hát và đi xin, chứ ngày càng già thì không còn sức mà đi xa nữa mô…”. Đưa đôi tay gầy gò, đen xạm vì nắng vì thiếu thốn lên dụi dụi đồi mắt dù nó không mở ra được và lệ cũng không tuông ra được. Nhưng tôi biết chị muốn khóc lắm nhưng không khóc được và hiểu chị thương và yêu chồng và con nhường nào.
Hạnh phúc tưởng chừng như không thể có giữa đôi vợ chồng mù, nhưng anh chị đã chứng minh được cho mọi người thấy tình yêu có thể thắng được mọi khó khăn… Chào anh chị và cháu Ánh Sao về, suốt quãng đường đi tôi luôn nghĩ, ngôi nhà anh chị mơ ước đó liệu có thành sự thật không (?), khi hai thân mù nuôi nhau còn đứa con thơ dại nữa. Nhưng có một điều sự thật đó là tình yêu của hai con người đầy nghị lực ấy không gì có thể đong đếm được.
Ngô Toàn