Tình yêu thiêng liêng của "người đẹp áo dài" giữa sóng và cát

Suốt 23 năm gắn bó với Phú Quốc, ngày 20/11, đám học trò miền biển nghèo thường tặng cô bánh xà phòng thơm, cuốn sổ ghi chép hay tấm thiệp tự làm. Có học trò đỗ đại học, ra trường, đi làm, mỗi khi về quê đều đến thăm và chúc sức khỏe cô. Chỉ vậy thôi, cô thấy gần như đã có tất cả…

Ngày ấy, các cô còn trẻ lắm. Tuổi 20 phơi phới, các cô tình nguyện tới những miền đất xa xôi. Đó là cô giáo trẻ năn nỉ gia đình đến huyện đảo Phú Quốc; là nữ giáo viên tự dựng trường lớp ở Đất Mũi… Các cô đã tới và ở lại với lũ trò nhỏ thân yêu, dù cho nơi ấy gian nan ngập tràn. Và ngày lễ 20/11 chẳng có gì khác (dù chỉ một nhành hoa nhỏ) ngoài tấm lòng hồn hậu của bà con và lũ trò ngơ ngác…

Rủ người yêu ra đảo dạy học
23 năm trước, cô Dương Thị Mỹ Hằng tròn 20 tuổi, nghe tin Phòng giáo dục huyện đảo Phú Quốc vận động giáo viên ra đảo dạy học tại trường tiểu học Dương Đông 3, cô Hằng đăng ký đi ngay. Gia đình phản đối vì sợ con gái khổ, người yêu lại làm việc ở đất liền, nhưng cô thuyết phục bố mẹ cho đi với thời hạn 3 năm.
“Lúc lên đường, tôi được bố cho chiếc đài để nghe chương trình phát thanh. Bố sợ tôi ở quá xa sẽ không biết được tình hình trong đất liền, phương tiện liên lạc lại không có, mà viết thư cũng mất nửa tháng mới đến nơi”, cô Hằng nhớ lại.  
Cô Dương Thị Mỹ Hằng
Cô Dương Thị Mỹ Hằng
Lần đầu tiên ra đảo, cô đi trên chiếc tàu khách. Khởi hành từ 19h, đến đêm thì gặp biển động nên phải dừng lại ở Hòn Nghệ. Bị say sóng, cô phải xuống xuồng lên Hòn Nghệ nghỉ ngơi và mấy ngày sau mới đi nhờ tàu đánh cá ra đảo.
Những năm ấy đất liền còn thiếu thốn, ngoài đảo Phú Quốc cuộc sống càng khó khăn. Trường học là cái đình cũ được dân cải tạo thành ba phòng học, sau này có địa điểm riêng nhưng cũng chỉ là nhà tranh vách nứa.
Học sinh trên đảo gầy gò ốm yếu vì thiếu chất, lại theo bố mẹ di cư tự do, nay đây mai đó nên chuyển địa điểm học thường xuyên. Có những lúc nhớ nhà, nhớ người yêu, cô Hằng cũng xao lòng. Thế nhưng nhìn thấy gương mặt xanh xao của học trò nở nụ cười tươi đón cô giáo, cô vững tâm hơn.
Phụ huynh trên đảo sống tình cảm, mỗi lần đi biển về lại bỏ trước cửa nhà con cá, con tôm khiến cô vơi đi nỗi nhớ nhà. “Cũng may có phụ huynh giúp đỡ, chứ lương giáo viên thời đó không đủ ăn. Đợi ở nhà gửi ra thì mất quá nhiều thời gian”, cô Hằng cho hay.
Học sinh vùng biển sống theo bản năng sông nước, tự do tự tại nên việc rèn luyện thói quen sinh hoạt hàng ngày cho các em rất khó khăn. Cô phải dạy học trò từ việc vệ sinh thân thể, chăm sóc bản thân đến giữ gìn vệ sinh môi trường. Vì mưu sinh trên biển, nhiều gia đình phải bỏ con ở nhà để ra khơi. Từ khi có cô Hằng về công tác, họ đem con đến nhà cô gửi trước lúc lên đường. Các em ăn, ngủ ở nhà cô, cười đùa và hỏi bài thoải mái như chị em trong nhà. 
Hết hợp đồng 3 năm, không nỡ rời xa đám trò nhỏ và bà con nơi đây, cô Hằng quyết định ở lại và thuyết phục người yêu, cũng là giáo viên đang dạy trong đất liền cùng ra đảo. Thật may mắn, gia đình người yêu đồng ý cho cả hai cùng ra Phú Quốc dạy học sau khi hai người làm đám cưới. 
Cô Hằng dạy lớp 1, chồng dạy lớp 3, hai vợ chồng luôn nghĩ phương pháp giảng bài mới để học sinh tiếp thu bài nhanh. Số học sinh trên đảo tăng dần theo năm tháng. Ngôi trường tiểu học chỉ ba phòng học tạm năm nào giờ đã có gần 750 học sinh. Tuy nhiên, trình độ các em còn thấp và chưa đều nên ngoài kiến thức bắt buộc, vợ chồng cô chú trọng dạy kỹ năng sống và hoạt động ngoại khóa.
Suốt 23 năm gắn bó với Phú Quốc, ngày 20/11, đám học trò miền biển nghèo thường tặng cô Hằng bánh xà phòng thơm, cuốn sổ ghi chép hay tấm thiệp tự làm. Có học trò đỗ đại học, ra trường, đi làm, mỗi khi về quê đều đến thăm và chúc sức khỏe cô. Chỉ vậy thôi, cô thấy gần như đã có tất cả…
Mở trường mầm non đầu tiên ở đất Mũi
Năm 1986, là một giáo sinh về công tác tại thị trấn Năm Căn, cô là người đầu tiên mở lớp mẫu giáo ghép với nhà trẻ. Rồi trong chuyến đi thăm Đất Mũi, thấy các em không có nơi vui chơi, học tập mà chỉ lang thang với bùn, đất và mò tôm, bắt ốc, cô trăn trở phải giúp các em đến trường, đánh vần, biết chữ... Sau đó, cô làm đơn tình nguyện xin Phòng GD về Đất Mũi mở lớp mẫu giáo. 
n
Cô Trần Ngọc Thêm
Cô Trần Ngọc Thêm (Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) nhớ lại 27 năm trước. Không có lớp học, cô Thêm xin UBND xã cho mượn một phòng 36 m2 trong trụ sở ủy ban để nuôi dạy học sinh và chỗ đó buổi tối là nơi cô ở.
“Những ngày đầu tiên, để có học sinh, tôi phải đến từng nhà bà con để vận động. Lớp có 24 cháu, tôi mừng rơi nước mắt nhưng vẫn trằn trọc vì nơi đây vẫn có quá nhiều khó khăn”. “Lúc ấy trường lớp tạm bợ, hàng rào không có, trẻ lạ cô, khóc bỏ học trốn vào rừng để ngủ. Không có điện thoại liên lạc, tôi chưa nhớ hết các cháu, tôi phải nhờ người dân tìm đến nhà bố mẹ để cùng đi tìm cháu về”, cô Thêm nói.
Có những lần thủy triều lên tràn vào lớp, rác thải, rắn nước, côn trùng theo vào... Cô Thêm hồi tưởng: "Tôi cho các cháu ngồi lên bàn chờ cho nước rút rồi nhanh chóng quét dọn, lau chùi khô mới học tiếp được. Hay đèn thắp sáng không có, tôi phải thắp bằng đèn dầu để soạn bài trong khi gió biển cứ ào ào thổi. Hơn thế, đây là vùng nước mặn nên tôi phải đi 3- 4 cây số mới đến được nhà dân chở nước về để vệ sinh cho các cháu và sinh hoạt. Nhưng khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải đó là nhận thức của chính quyền, bà con coi ngành học mầm non rất hạn chế. Họ quan niệm học mẫu giáo chỉ đến ca bài hát, không được học chữ, coi việc đến trường là không cần thiết và lại phải đóng học phí là xa xỉ”.
Và cô Lê Thị Hồng, trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng đã có hơn 20 năm gắn bó với học sinh vùng khó. Rời gia đình lên vùng cao dạy học khi mới 20 tuổi, nơi bạt ngàn cây cối núi non, lần đầu tiên đến lớp, cô phải đi bộ một ngày đường.
“Nhìn phòng học làm bằng tranh tre nứa lá ọp ẹp, học sinh là con em người dân tộc thiểu số, áo quần rách rưới, người xanh xao, nhìn những khuôn mặt ngây ngô chưa biết nói tiếng Việt, tôi nghĩ không biết làm sao dạy cho các em biết đọc, biết viết được”, cô Hồng xúc động kể. 
Những ngày đầu, cô phải chịu những con sốt rét rừng hành hạ liên miên, căn nhà và lớp học không đảm bảo che mưa che nắng, những ngày mưa to rét lạnh không có củi đốt để nấu ăn, đêm sương buông dày đặc, bay vào tận giường buốt tái tê. Thế nhưng, đêm đêm bên ánh đèn dầu, cô vẫn ngồi soạn bài, ngẩng lên nhìn đồng hồ đã 23h, bên ngoài là bóng tối mịt mùng và văng vẳng tiếng kêu của thú rừng đi ăn đêm.
Mỗi năm, cô chỉ được về thăm gia đình một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng cũng có năm vì bận lo cho học trò, vì đau ốm, cô lại phải bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này. Rồi sau này, con cô mới 7 tháng tuổi cũng phải theo mẹ lên biên giới.
Đó là 3 trong 128 nữ nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho hơn 150 nghìn nữ giáo viên đang công tác tại các xã vùng cao, miền núi, hải đảo. Hiện ngành giáo dục có 1,3 triệu nhà giáo, trong đó khoảng 800.000 nữ giáo viên và cán bộ quản lý. Nơi các cô đang làm nhiệm vụ kéo dài từ Lũng Cú (Hà Giang) đến Đất Mũi (Cà Mau), Phú Quốc, Thổ Chu (Kiên Giang), trải rộng từ ngã ba biên giới Việt-Lào-Campuchia đến Hoàng Sa, Trường Sa.
Không chỉ đơn thuần là dạy chữ, dạy người mà các cô là cầu nối văn hóa… Và quan trọng hơn, các cô góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, bởi ở đó mỗi bình minh là Quốc ca của Việt Nam lại vang lên qua tiếng hát trẻ thơ, Quốc kỳ của Việt Nam tung bay trong ánh mắt mỗi em…
Uyên Na

Đọc thêm