“Tình yêu thủy tinh” của người vô tính

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người vô tính - họ mới được biết tới trong những năm gần đây bởi sự khác biệt về chuyện tình dục! Cũng như người đồng tính hay song tính, chuyển giới, người vô tính dục phải trải qua rất nhiều bản ngã đớn đau để hiểu được mình không thuộc về số đông. Với họ, tình yêu luôn là cảm xúc tinh khôi, trong suốt dừng lại ở nụ hôn và cái nắm tay.
Người vô tính e ngại với hôn nhân và tình dục. (Ảnh minh họa)
Người vô tính e ngại với hôn nhân và tình dục. (Ảnh minh họa)

Vì sao họ lựa chọn độc thân?

Nguyễn Trung, Giám đốc một công ty chuyên về nhập khẩu thiết bị nông nghiệp đã 36 tuổi, đẹp trai và rất giàu có nhưng không có ý định lập gia đình. Đã có rất nhiều đồn thổi rằng Trung là người đồng tính. Thế nhưng, bản thân Trung lại hiểu rất rõ về mình. Trung không có bạn gái đơn giản chỉ vì “chuyện ấy” chẳng có gì hấp dẫn với anh.

Trung kể với nhà tư vấn tâm lý rằng, trước đây, anh có bạn gái, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức độ “yêu trong sáng”. Tình yêu khá lãng mạn nhưng chỉ dừng ở mức độ hôn, nắm tay, còn gần gũi về thể xác thì không. Trung nói: “Các cô gái rời xa tôi vì thấy tôi thờ ơ với chuyện chăn gối”…

“Tôi là nữ, 30 tuổi, ngoại hình ưa nhìn, công việc ổn định. Trong mắt mọi người tôi hiền lành, xinh xắn, có người theo đuổi. Điều khiến tôi mặc cảm là có đọc được ở vài nơi rằng quan hệ tình dục rất quan trọng với hôn nhân, trong khi bản thân lại không hề thấy hứng thú, thường né tránh, cố gắng cũng không có cảm xúc dù tôi thực sự có tình cảm. Hiện tại, tôi độc thân nhưng mỗi khi tính tìm hiểu ai đó thường e dè vì sợ người đó ham muốn nhiều. Tôi rất buồn về bản thân, liệu có hôn nhân nào không đi đôi với tình dục không?” – một cô gái chia sẻ.

Hải (nam giới 23 tuổi, Hải Phòng) biết mình là người vô tính khi nhận ra mình sợ việc phải quan hệ tình dục với bạn gái. “Đó là một tình yêu đẹp, nhưng bọn mình phải chia tay vì bạn ấy cần tìm một người chồng đúng nghĩa, có thể cho bạn ấy một đứa con, chứ không phải một người chỉ biết ôm và hôn” – Hải cho biết.

Nhung (nữ, 32 tuổi, ở quận 5, TP HCM) luôn bị đồng nghiệp cười cợt khi cô làm bạn với thú cưng. Cô đã tuyên bố mình không thích va chạm thể xác, không muốn có chồng…

Với một số người khi phải chịu áp lực của cha mẹ lấy chồng/vợ cho giống một người bình thường, sẽ là những đám cưới “cưỡng bức”. Ngay cả sống với bạn đời thật lòng yêu thương, họ cũng không thể che giấu mình là người vô tính. Nói ra để được nửa kia thấu hiểu và điều chỉnh cho khớp nhau, để không ai phải gắng gượng, chịu đựng trong cuộc sống chung… Thế nên họ cảm thấy vô cùng thoải mái với cuộc sống độc thân hiện tại.

Võ Mai Hiền (Hà Nội), admin của Asexual in Vietnam, một trang facebook của cộng đồng người vô tính tại Việt Nam cho biết, khá nhiều người vô tính gặp tình trạng “nói không ai tin” khi công khai xu hướng tính dục của mình.

Chia sẻ về chuyện này, theo Hiền: “Mình đã nói về việc mình là người vô tính với bạn bè thân thiết, đa số cho là mình “chưa đủ lớn”. Mình cũng nói với mẹ, nhưng mẹ cũng không cho là thật, hoặc cũng có thể mẹ cho là thật nhưng không muốn mình tự tách bản thân ra khỏi số đông. Vì thế nên mẹ luôn cố thuyết phục là mình bình thường như bao người khác…

Bao giờ hết cô đơn giữa đời?

Một chuyên gia tâm lý chia sẻ câu chuyện mà cô đã quan sát: “Vào lúc 7h56 ngày 26/1/2007, Phong giống như một hành tinh cô đơn lạc vào diễn đàn AVEN (diễn đàn dành cho người vô tính có tính quốc tế) với lời giới thiệu: “Mình là Phong, là một other asexual (vô tính) người Việt Nam, sinh ra ở Sài Gòn. Mình thấy hơi buồn vì ở Việt Nam hơi ít người vô tính. Có ai là người Việt Nam ở đây không?”. Hơn nửa năm sau, ngày 15/8/2007, Phong mới nhận được một phản hồi: “Ở Việt Nam cũng có người vô tính chứ, tôi nè, chỉ có điều bạn chưa gặp họ thôi”.

“Xúc động lắm”, đó là tất cả những gì mà Phong có thể diễn tả về cảm xúc của mình khi gặp người đồng cảnh. Tôi hình dung đó là cảm xúc của một người bị lạc vào hoang đảo quá lâu, chỉ mong nghe được một tiếng người. Theo lẽ tự nhiên, những người vô tính ở Việt Nam bắt đầu tụ họp dè dặt dưới mái nhà chung AVEN.

Họ trao đổi bằng tiếng Việt nhiều đến mức một trong những người có nhiệm vụ điều hành AVEN yêu cầu phải dùng tiếng Anh để các thành viên khác có thể hiểu họ đang nói về cái gì. Rất nhiều người từng dằn vặt, đau khổ với câu hỏi “Tôi là ai” bắt đầu tìm đến các diễn đàn của giới tính thứ tư, hy vọng có được đáp án cho cuộc đời bế tắc của mình.

Trên AVEN, Phong và rất nhiều người khác tự tìm cho mình câu trả lời “Tôi là ai” bằng rất nhiều cách khác nhau. Có những người hiểu mình thuộc thế giới thứ tư khi mới lên 3, lên 4. Có người phải chờ đến lúc lập gia đình mới vỡ òa cảm giác đau buồn vì hiểu rằng họ không thuộc về số đông.

Cuối tháng 10/2020, một buổi gặp gỡ giao lưu với chủ đề “Mở lòng” được cộng đồng phổ vô tính tại Việt Nam (trang Asexual in Vietnam) tổ chức tại TP HCM thu hút khoảng 20 người vô tính cùng người quan tâm đến từ TP HCM và các tỉnh miền Nam. Đây là một trong những buổi đầu tiên người vô tính tìm đến nhau, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Họ tìm thấy sự đồng cảm khi những bạn vô tính khác kể về cảm xúc của mình với vấn đề tình dục.

Cũng trong buổi gặp gỡ giao lưu, nhiều người vô tính bày tỏ mong muốn nâng cao nhận thức xã hội về cộng đồng mình, nhưng lại ngại công khai, ngại đối mặt với những phản ứng của người khác, nhất là gia đình. Bởi họ sẽ đánh đồng vô tính với “yếu sinh lý”, đi điều trị sẽ khỏi, hay vô tính chỉ là giai đoạn nhất thời. Họ sẽ nghĩ bạn khát khao kết giao với ai đó mà không được đáp lại, nên mượn chiêu bài “vô tính” để gỡ chút thể diện…

Đối với việc nên hay không nên come-out (công khai xu hướng tính dục của mình), có rất nhiều ý kiến trái chiều của chính những bạn cùng cộng đồng vô tính. Những giọt nước mắt đã rơi vì ám ảnh không nguôi về “tai nạn” sau come-out. Có người thông cảm, thấu hiểu, có người lại giễu cợt, xúc phạm, kể cả quấy rối, xâm hại.

Ở Việt Nam, sự hiện diện của người vô tính trong xã hội còn lặng lẽ, mờ nhạt. Theo các tài liệu thế giới, người vô tính chỉ chiếm khoảng 1% dân số. Tỷ lệ ít không có nghĩa là người vô tính không tồn tại và không cần được hiểu. “Nên chấp nhận vô tính giống như chúng ta chấp nhận một đứa bé sơ sinh” là câu nói nổi tiếng của nhà xã hội học Edward Laumann (Mỹ).

Ở phương Tây đã từng nổi lên phong trào “sống trong sạch, không tình dục” và coi đó là một “lối sống mới”. Phong trào này lôi cuốn hàng triệu người tham gia. Giờ xuất hiện thêm một dạng người thứ tư là những người nam, nữ bình thường, không đồng tính nhưng cũng không yêu người khác giới và không có nhu cầu về tình dục. Các nhà khoa học gọi họ là những người “vô tính” (asexual).

Người vô tính được định nghĩa là “người không cảm thấy bị hấp dẫn về mặt tình dục”. Thái độ đối với tình dục của người vô tính rất khác nhau: Có người ghê sợ; có người chỉ đơn giản là không thích thú; có người vẫn có ham muốn tình dục nhưng không bị hấp dẫn tình dục. Hiện nay, khoa học cũng đã chứng minh, tính dục vô tính là một xu hướng tính dục tự nhiên, không ai có thể tự thay đổi, không phải do khuyết tật hay bệnh.

Tuy nhiên, với phần đa người vô tính, họ sống trong bi kịch và nỗi ám ảnh: “Tôi lớn lên với việc được dạy rằng, chỉ có duy nhất một cách để hạnh phúc, đó là yêu đương, kết hôn và sinh con như những người bình thường khác. Và nếu ai đó có lỡ không đi theo con đường hạnh phúc vạch sẵn ấy thì đó là một sự bất hạnh mà có thể họ không biết mà thôi” - một người vô tính chia sẻ.

Trên thế giới, có nhiều nghiên cứu được tiến hành để tìm hiểu hiện tượng lạ lùng này. Người ta nói rằng, đó là một xu hướng tình dục thứ 4 đang hình thành trong xã hội hiện đại: xu hướng “vô tính”. Cuộc nghiên cứu tại Anh cho thấy, tỉ lệ những người “vô tính” không ít hơn tỉ lệ những người đồng tính luyến ái bao nhiêu. Nếu một người đàn ông “vô tính” đem lòng yêu một người phụ nữ “vô tính”, quan hệ giữa hai người là quan hệ thuần tuý tình cảm và hoàn toàn không có sự thân mật về thể xác.

Đọc thêm