|
Gia đình Diego Cortizas định cư ở Việt Nam gần 20 năm qua. |
Nhà thiết kế áo dài Việt
Ngay khi chuyển đến sống tại Hà Nội, anh bắt tay ngay vào thiết kế thời trang, còn vợ anh, Laura Fontan thì bán hàng. Thương hiệu thời trang Chula (tiếng Tây Ban Nha là “đẹp” – PV) ra đời, dần trở thành cái tên quen thuộc với những người yêu thời trang ở Hà Nội, mở rộng cả Hội An, TP HCM. Diego Cortizas cũng trở thành khách mời thường xuyên của những buổi trình diễn thời trang lớn trong nước như: Tuần lễ thời trang Việt Nam, Lễ hội Áo dài tại Festival Huế và cả những show thời trang ở nước ngoài...
Còn nhớ 10 năm trước, lần đầu tiên chúng tôi gặp nhà thiết kế Diego là khi anh bắt đầu tình yêu áo dài với nhiều cảm xúc mới mẻ, bỡ ngỡ. Sau 10 năm, tình yêu đó càng sâu đậm. Bước vào không gian thời trang Chula trên con phố xinh đẹp Nhật Chiêu, nhìn ra hồ Tây, là những mẫu áo dài sặc sỡ sắc màu của những họa tiết hoa văn thổ cẩm, các họa tiết mô phỏng cánh đồng lúa xanh rì, những vòng vỏ bưởi phơi trên những trang báo cũ, cá khô phơi nắng... Dường như ẩn chứa trong mỗi tà áo là một câu chuyện văn hóa, là thơ, là nhạc, là cuộc sống thực mỗi vùng miền anh đã tới, tha thiết và chứa chan cảm xúc...
Những mẫu áo dài của Diego vẫn giữ nguyên vẻ đẹp truyền thống Việt Nam với chất liệu lụa, nhung, tơ tằm, đũi... nhưng lại trẻ trung, hiện đại nhờ những mảng miếng, hình khối đậm nét kiến trúc đồ họa của Iberia. Trong Tuần lễ Áo dài diễn ra đầu tháng 3 vừa qua, bộ áo dài “Phố cổ Hội An” là một trong hơn 20 bộ áo dài được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lưu giữ, góp phần quảng bá và lan tỏa giá trị di sản văn hóa áo dài dân tộc. “Phố cổ Hội An” cũng nằm trong 21 bộ sưu tập được lựa chọn để trình diễn trong chương trình “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2020. Hoạt động này góp phần định danh, định vị áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Điểm nhận diện thú vị trong thiết kế của Diego là anh không chỉ lấy cảm hứng từ nghệ thuật hàn lâm mà phần lớn sáng tạo bắt nguồn từ những đồ vật bình dị hàng ngày. Diego cho rằng, cái đẹp không chỉ hiện diện ở những công trình nghệ thuật mà còn ẩn đâu đó trong cuộc sống đời thường. Diego đã du lịch qua nhiều tỉnh, thành từ Bắc đến Nam và bằng chính những trải nghiệm của cá nhân mình về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, anh đã sáng tạo ra những hoạ tiết tuyệt đẹp từ những thứ bắt gặp ngoài đường phố như: Những viên than tổ ong đang được phơi khô, những chồng gạch ở công trường, bó nhang đang phơi trên giàn, cá khô phơi nắng...
Năm 2020, trong buổi trình diễn thời trang thổ cẩm giữa núi rừng Đắk Nông, bộ sưu tập “We love Thổ Cẩm” của Diego gần như phục dựng lại những đường nét chính của các bộ trang phục dân tộc. Trước đó, trong chương trình “Hội tụ bản sắc châu Á” quy tụ các nhà thiết kế châu Á, Diego đã làm sống dậy một cách mạnh mẽ và đầy tự hào thổ cẩm truyền thống của đồng bào A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Anh nói, áo dài như người phụ nữ Việt, bé nhỏ, kiên cường và mềm mại, là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu. Các bà là những người phụ nữ bé nhỏ và bình thường trong cuộc sống, nhưng khi vận nước lâm nguy, Hai Bà đã vùng lên cứu nước. Phụ nữ Việt là vậy, bên trong vẻ yếu đuối, mong manh, họ có thể làm những điều phi thường… Và hình ảnh tà áo dài cũng đẹp như dải đất hình chữ S thân thương… “Áo dài cũng là di sản văn hóa của người Việt Nam, cũng là một tình yêu của tôi. Bằng nỗ lực trong nhiều năm qua, tôi hy vọng sẽ góp phần đưa áo dài Việt Nam ra thế giới, để UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa của Việt Nam”, nhà thiết kế Diego bày tỏ.
Dự kiến năm 2021, Diego sẽ tổ chức một buổi biểu diễn thời trang về áo dài có sự kết hợp những nét đặc trưng văn hóa Việt Nam và Tây Ban Nha. “Khi nghĩ về Việt Nam, bạn bè quốc tế thường nghĩ Việt Nam chỉ có bề dày về văn hóa nhưng thực tế kinh tế Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ. Vì thế, qua bộ sưu tập, tôi muốn họ sẽ nhớ về Việt Nam là một đất nước công nghiệp, có nền khoa học và công nghệ phát triển. Hơn nữa, tôi đến từ Tây Ban Nha, nơi cũng có một nền văn hóa giàu bản sắc và tôi nghĩ rằng, tại sao không thử kết hợp 2 nền văn hóa trên cùng một sản phẩm”, Diego chia sẻ.
Từ nhiều năm qua, ngôi nhà của Diego đã trở thành một điểm hẹn văn hóa nghệ thuật của công chúng Thủ đô khi thường xuyên tổ chức các buổi trình diễn thời trang, âm nhạc từ truyền thống đến đương đại. Anh thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn và Lê Cát Trọng Lý... Diego đã học đàn ghi ta và mới đây anh đã có sáng tác đầu tay bằng tiếng Việt có tên “Áo dài trắng”. Lời bài hát: “Anh nhớ em mặc áo dài trắng/áo dài trắng mẹ thêu/nhưng mà em quên mặc áo dài/nhưng mà em quên yêu anh”…
|
Diego Cortizas nổi tiếng với thương hiệu áo dài Chula. |
Yêu từng hàng cây, góc phố Việt
Diego Cortizas cho hay, Chula trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là đẹp, một tinh thần sống tích cực nhân ái và đầy đam mê. Diego Cortizas đã đạt “giải thưởng 100 người Tây Ban Nha tiêu biểu nhất thế giới sống tại nước ngoài”, vì đã mang nền văn hóa, thời trang Việt Nam về Tây Ban Nha, góp phần giới thiệu văn hóa, đất nước con người Việt Nam tới người dân Tây Ban Nha.
Diego Cortizas tâm sự: “Thực sự hạnh phúc và tự hào vì những gì mình đã làm là công sức của 60 thành viên, trong đó phần không nhỏ là sự nỗ lực của những người khuyết tật, bởi 100% những trang phục được làm ra là công sức của đội ngũ những người khuyết tật”. Anh cho rằng, đó như là một sự đền đáp những tình cảm nồng nhiệt của người dân Việt Nam khi anh mới đặt chân đến mảnh đất xa xôi này.
Ngày ấy, Diego Cortizas tình cờ gặp một cô gái khiếm thính dạy mỹ thuật và quyết định thử việc cùng cô. Hai bên đã làm việc rất ăn ý. Lúc đó, Diego Cortizas nhận ra rằng, những người khuyết tật là người khiếm thính sẽ tìm ra những hình thức khác để giao tiếp như ngôn ngữ hình thể, ký hiệu và họ phát triển kỹ năng nào đó vượt trội hơn những người khác...
Ngoài ra, Diego anh đã tham gia dự án làm đẹp cho không gian nghệ thuật đường phố ở bãi Phúc Tân với những bức tranh tường và những chiếc chao đèn độc đáo làm từ lồng gà, thứ mà anh bắt gặp khi đi chợ hàng ngày.
Diego Cortizas cho hay: “Khi mới đến đây, tôi và Laura vẫn là đôi vợ chồng son. Nhưng sau đó, 3 đứa con của chúng tôi lần lượt ra đời”. Anh nói: “Văn hóa Việt Nam đã có ảnh hưởng rất nhiều tới phong cách và cuộc sống của gia đình tôi. Mỗi lần về Tây Ban Nha, 3 con tôi: Carmen, Pablo và Yago đều muốn nhanh chóng trở lại Việt Nam, vì đây là nhà của chúng tôi. Còn với tôi, thời trang là một gia đình, là cuộc sống, là một cách để hiểu và yêu Việt Nam hơn”.
Anh cho rằng, người Tây Ban Nha và Việt Nam đều rất cởi mở, hiếu khách, nồng ấm và đặc biệt họ rất coi trọng gia đình. Đặc biệt, phụ nữ Việt Nam vóc dáng nhỏ bé nhưng bên trong lại mạnh mẽ, giống phụ nữ Tây Ban Nha. Địa hình của Việt Nam và Tây Ban Nha đều có rất nhiều núi và biển, vì thế, dù khoảng cách địa lý giữa hai nước rất xa nhưng luôn mang lại cho Diego cảm giác gần gũi. Đó là lý do khiến anh gắn bó với Việt Nam lâu như vậy.
Anh chia sẻ, khi anh cùng vợ đến Việt Nam du lịch và không muốn rời khỏi đây nữa, anh lập tức gọi điện về Tây Ban Nha xin nghỉ việc, bán hết tài sản và quyết định sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Đó là một quyết định mà Diego mô tả là “không thể giải thích bằng lý lẽ logic thông thường”, bởi đó là vì tình yêu lớn anh trót dành cho mảnh đất này”.
“Chúng tôi yêu mọi thứ ở Việt Nam, con người, đồ ăn, phong cảnh”, Diego nói. “Tôi nghĩ Việt Nam là một trong những nơi có đồ ăn ngon nhất thế giới. Chúng tôi thích rất nhiều món của Việt Nam như bún chả, gà tần… Điểm thú vị là mỗi vùng của Việt Nam lại có những món ăn khác nhau, đồ ăn ở Huế khác đồ ăn ở Sài Gòn, mỗi nơi một phong vị riêng.
Tôi yêu từng hàng cây, góc phố với 4 mùa của Hà Nội, tôi cũng rất yêu cả những món ăn Hà Nội nữa. Chúng tôi nhận được rất nhiều tình cảm từ những người xung quanh như bạn bè, hàng xóm người Việt, ba đứa trẻ nói tiếng Việt rất giỏi, ăn món Việt và tham gia các trò chơi của Việt Nam”.