Tình yêu với nàng thơ tuổi trăng tròn giúp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết tuyệt phẩm “Dư âm”

(PLVN) - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ra đi để lại cho đời rất nhiều ca khúc nổi tiếng nhưng có lẽ “Dư âm” là ca khúc đáng nhớ nhất của ông. Bởi nó được sáng tác bằng cảm xúc chân thành từ trái tim về mối tình đơn phương rất đẹp. Vậy người con gái ấy là ai? 
Cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

“Đôi mắt kỳ diệu hút hồn tôi”

Tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rời cõi tạm ngày 26/12 làm nhiều người yêu nhạc thảng thốt. Vẫn biết ông tuổi cao sức yếu nhưng sự ra đi của một nhạc sĩ tài hoa, từng làm xao xuyến lòng người, khiến cho ngày đông giá buốt càng giá buốt hơn.

Sinh thời, mỗi lần đến gặp ông, người ta lại nghe giọng cười rộn rã cùng những câu chuyện dí dỏm và những kỷ niệm một thời văn công chiến trường làm quà của ông. Ông nói say sưa về những ca khúc của mình, hoàn cảnh sáng tác bất ngờ, cùng những câu bình luận duyên dáng.

Trong hàng loạt ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đi vào lòng nhiều thế hệ yêu nhạc, có thể nói “Dư âm” là bài đặc biệt nhất. “Dư âm” khiến cho người yêu nhạc say đắm với giai điệu nhẹ nhàng xao xuyến về câu chuyện tình lãng mạn thuần khiết của chàng trai trẻ mơ về cô gái ôm đàn ngồi hát dưới trăng.

 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng kể, năm 1950, ông đang làm trưởng đoàn văn công. Trong kỳ nghỉ phép, một đồng đội là bạn thân của ông rủ ông về nhà chơi tại vùng biển huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Bố mẹ người bạn này còn có 2 người con gái, cô chị 22 tuổi, cô em 16 tuổi. 

Hồi ấy, người chiến sĩ tên Tý 26 tuổi và gia đình người bạn muốn kết đôi ông cho cô chị. Ông gặp cô chị và đôi lần trò chuyện nhưng chẳng thấy có cảm xúc gì. Một hôm, đang nói chuyện với cô chị thì cô em tên Hằng đến tì cằm vào thành ghế chị ngồi và nghiêng đầu nhìn ông với đôi mắt đen tròn lay láy. 

“Một đôi mắt hoàn toàn biết nói. Đôi mắt kỳ diệu hút hồn tôi. Tôi đọc thấy trong đôi mắt đó đã gửi gắm cho tôi tất cả những gì say đắm, sâu kín nhất. Thấy tôi bỗng nhiên đờ đẫn, cô chị quay lại và đứng dậy bỏ đi thẳng, Hằng sợ quá cũng đi luôn. Sau đó, tôi bị gia đình này cấm liên lạc với Hằng vì em còn ít tuổi so với tôi”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng kể.

Nhưng rồi, vì nhớ Hằng, ông cũng liều tìm đến nhà. Tuy nhiên, gia đình không cho vào nhà mà để ông ngồi tại một góc sân, rồi người bạn thân của ông ra tiếp. Ông ngồi uống nước ngắm trăng rất lâu thì bất chợt Hằng xuất hiện với mái tóc xõa ngang vai. Người con gái ấy vừa mới gội đầu, ra ngồi hong tóc ngoài thềm, cách ông cái sân rộng. 

Ca khúc “Dư âm” gắn liền với tình yêu dành cho người con gái tuổi 16 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. 

“Tóc Hằng bay bay trong gió dưới ánh trăng thật đẹp. Hằng ôm chiếc ghi ta, xoay lưng lại phía tôi và bắt đầu gảy đàn. Em hát khe khẽ những gì, tôi không rõ nhưng cho rằng đó là một phản ứng của em chống lại khuôn phép gia đình và xã hội, đồng thời gửi cho tôi một thông điệp. Do vậy, tôi ghi nhận hình ảnh đó một cách trọn vẹn”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng kể.

Ông ra về, mang nặng trong lòng sự tan vỡ. Về đến đơn vị, đêm hôm ấy, khi mọi người đã ngủ, ông thắp ngọn đèn dầu, ngồi trong tấm cót cuộn tròn, viết: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ/ Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ…/ Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió/ Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng”. Ông viết cho chính mình những điều không thể nói cùng ai, viết một mạch, không sửa chữ nào. Bản nhạc hoàn tất khi trời hừng sáng.

“Dư âm thì còn mãi”

Sau khi ra đời vào năm 1950, bài hát “Dư âm” được phổ biến rộng rãi ở miền Nam, nhiều ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn thời bấy giờ như: Elvis’ Phương, Vũ Khanh, Tuấn Ngọc... biểu diễn.

Mãi đến năm 1958, tức là 8 năm sau cái đêm trăng ấy, có lần tình cờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý gặp lại người con gái tên Hằng năm xưa. Đó cũng là lần cuối cùng ông và Hằng thấy nhau.

Hôm ấy là vào một buổi chiều, trời chuẩn bị mưa, ông ghé vào một doanh trại trên đồi trú mưa. Nhưng vừa nộp xong giấy tờ cho bảo vệ, ông bỗng thấy một người phụ nữ trong trang phục quân đội đang từ xa đi tới. Ông vô cùng hoảng hốt khi nhận ra người đó chính là Hằng. Và hình như cô cũng nhận ra ông nên dừng lại từ xa. Nhìn thấy Hằng, ông vội vàng vào trạm bảo vệ xin lại giấy tờ, rồi như người mất hồn đi qua mặt cô, ra cổng và đi thật nhanh như chạy trốn. 

“Không hiểu động lực nào đã khiến tôi hành động như thế. Trong thâm tâm tôi lúc ấy chỉ nghĩ rằng đừng để người ta hiểu lầm tôi vào đây để được gặp người mình yêu. Năm ấy Hằng đã 24 tuổi và đã có chồng con cho nên tôi thường an ủi: “Dù sao thì bây giờ cô ấy cũng đã có chồng có con rồi. Mình yêu làm sao được”. Nói thế nhưng kỳ thực là đến bây giờ tôi không sao quên được đôi mắt và nụ cười của người con gái tuổi 16 ấy. Bây giờ, tôi vẫn yêu nhưng là yêu cái dư âm đó thôi, chứ làm gì có cái thật để mà yêu. Mà cái dư âm thì còn mãi, yêu như thế cũng được và cũng tốt đấy chứ”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng chia sẻ.

Tự nhận mình là người nhút nhát khi muốn bày tỏ tình cảm với một ai đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý luôn tâm niệm tình yêu khó đến và cũng thật khó nắm bắt, nhưng khi điều đó thật sự tồn tại trong trái tim mỗi người thì nó sẽ ở lại đó mãi mãi. Cho dù tình yêu không thành, không đơm hoa kết trái, không có nhiều thời khắc hạnh phúc nhưng cảm xúc đó giữ ông ở lại trong thế giới riêng cảm của bản thân. “Chỉ mình biết mình đang hạnh phúc, chỉ mình biết mình đang khổ đau, âu cũng là lẽ thường tình của đời sống”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng tâm sự.

Ca sĩ Ánh Tuyết là người gần gũi và giúp đỡ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong những ngày già yếu cuối đời, bồi hồi nhớ lại, lần đầu tiên chị gặp nhạc sĩ là năm 1978, khi ấy chị 17 tuổi. Hình dung về nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khi đó với chị là một người đàn ông thật thú vị bởi cách nói chuyện nhiệt huyết gần gũi nhưng rất hóm hỉnh và cuốn hút.

“Tôi rất hiểu khi nghe ông kể lại chuyện những bóng hình cũ bằng một cảm giác xúc động khôn nguôi, giờ thì người đã rời xa dương thế, người thì chính bản thân nhạc sĩ cũng không thể biết được họ đang ở phương trời nào. Tuy nhiên tôi biết, khi còn sống ông vẫn giữ lại và ấp ủ cho mình những khoảnh khắc đẹp nhất, để thấy cuộc sống còn muôn vàn ý nghĩa và sự yêu thương”, ca sĩ Ánh Tuyết cho biết.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1924 tại TP.Vinh (tỉnh Nghệ An). Ông qua đời vào chiều 26/12, tại nhà riêng ở TP.HCM, hưởng thọ 95 tuổi. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong 5 nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao thành lập nên Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1957. Năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

“Dư âm”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Mẹ yêu con”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”… là những sáng tác nổi bật của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ông cũng sáng tác ca khúc thiếu nhi như: “Màu áo chú bộ đội”, “Tôi là gà trống”, “Gà mái mơ”… Ông còn được gọi là nhạc sĩ “ngành ca” với những ca khúc như: “Cô đi nuôi dạy trẻ”, “Em đi làm tín dụng”, “Bài ca năm tấn”... 

Đọc thêm