Mập mờ nhiều khoản thu
Đại diện cho các hộ dân tố cáo là hai ông Nguyễn Văn Xinh và Nguyễn Văn Đực (cùng ngụ tại xã Trung Hoà, huyện Chợ Gạo) cho biết, nguồn cơn sự việc khiến hàng trăm hộ dân nơi đây bức xúc bắt đầu từ việc thu chi tuỳ tiện, bất minh hàng chục năm của ông Lê Văn Quý.
Bắt đầu từ năm 1998, hưởng ứng lời kêu gọi của UBND xã Trung Hoà, ông Quý và một số hộ đã thành lập tổ hợp tác và huy động vốn xây đài chứa nước, bồn chứa, lắp đặt đường ống dẫn nước… đến từng hộ dân để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Từ đầu, các hộ dân và tổ hợp tác đã thống nhất mỗi hộ đóng 1 triệu đồng tiền cổ phần để đầu tư xây dựng công trình. Hàng tháng, các hộ trả tiền nước theo số m3. Đến nay, sau hơn 20 năm hoạt động, đã có 412 hộ sử dụng nước sinh hoạt từ tổ hợp tác. Tuy nhiên, theo những người tố cáo, chủ trương tốt đẹp và hữu ích đã bị Ban quản lý tổ hợp tác lợi dụng, có nhiều dấu hiệu thu chi tuỳ tiện.
Đầu tiên là việc ông Quý tổ chức thu tiền cổ phần hơn 300 hộ (bình quân 1 triệu đồng/hộ) không có chứng từ, không ghi vào sổ sách, không có chữ ký của người nộp tiền. Đến khi các hộ dân bức xúc, tố cáo lên cơ quan chức năng; xã, huyện về thanh kiểm tra mới “té ngửa” hàng trăm triệu cổ phần dân đóng góp trong nhiều năm và các khoản thu chi khác chỉ vỏn vẹn bằng các con số được ông Quý ghi chép trong một cuốn vở học sinh.
Trong số hơn 400 hộ đã đóng tiền cổ phần, ông Quý “mạnh dạn” bỏ ra ngoài danh sách 8 hộ (thu tiền nhưng không có tên cổ đông) hơn 7,2 triệu đồng. Ít nhất 31 hộ đã đóng tiền nhưng không có nước nên đề nghị rút lại cổ phần đã đóng, ông Quý cũng không trả lại hết tiền. Chưa kể, từ năm 2012, tổ hợp tác có đưa ra mức thu cổ phần mới từ 2 – 6 triệu đồng/hộ (tuỳ điều kiện mỗi hộ), số tiền thu chênh lệnh này đến nay vẫn không công khai có thu được hay không?
Trong khi các khoản thu nhập nhèm, không sổ sách, chứng từ, các khoản chi để xây dựng, mua thiết bị… cũng được ông Quý kê khống. Điển hình, theo lời khai của ông Quý tại cơ quan chức năng, năm 1999 tổ hợp tác khoan giếng số 2 và mua một máy bơm hết hơn 53 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo hầu hết các hộ dân, ông Quý không hề khoan giếng và mua máy bơm vào năm 1999. Tương tự, chỉ trong năm này, ông Quý đã chi hơn 125 triệu để xây dựng, sửa chữa nhưng phần lớn chỉ là kê khai miệng vì không có hoá đơn chứng từ.
Chưa dừng lại, tại các khoản chi hơn 37 triệu đồng mua phụ tùng thay thế từ năm 2012 – 2014 được ông Quý khai nhận cũng bị các hộ dân chứng minh là “chi ảo, kê khống”. Đặc biệt, trong năm 2013, một cái giếng khoan sau nhiều năm sử dụng bị sự cố, phải sửa chữa lại, giá thực tế chỉ 18 triệu đồng, sau đó ông Quý phù phép lên đến 52 triệu đồng…
Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không thể nêu hết tất cả những dấu hiệu sai phạm của Ban quản lý Tổ hợp tác nước sinh hoạt nông thôn tại ấp Trung Hoà, do ông Quý làm tổ trưởng. Tuy nhiên, khi hàng chục hộ dân bất bình, đứng lên tố cáo những vi phạm về quản lý tài chính của ông Quý, thì sau đó, những hành xử từ các cơ quan chức năng lại tạo thêm những bất bình mới cho hàng trăm hộ dân nơi đây.
Thanh kiểm tra chưa làm rõ những khuất tất?
Trước những phản ứng gay gắt từ các hộ dân, đến giữa năm 2015, HĐND xã Trung Hoà thành lập tổ giám sát “Hoạt động quản lý và thu chi tài chính của Tổ hợp tác”. Tuy nhiên, kết luận giám sát của HĐND xã lập tức bị các hộ dân phản đối bởi có dấu hiệu bao che. Người dân tiếp tục tố cáo ông Quý lên UBND huyện Chợ Gạo.
Năm 2016, UBND huyện Chợ Gạo thành lập Đoàn kiểm tra làm việc với các hộ dân và sau đó ra kết luận thẩm tra. Nhiều cơ quan của huyện vào cuộc nhưng kết quả một lần nữa bị nhiều hộ dân phản ứng vì nhiều khoản thu, chi Ban quản lý Tổ hợp tác không chứng minh được vì thực tế không có (như: khoan thêm giếng, mua máy bơm, chi sửa chữa…).
Hàng chục lá đơn tố cáo đã được người dân gửi đi khắp nơi. |
Lần này, người dân gửi đơn tố cáo đến Công an huyện Chợ Gạo. Ông Nguyễn Văn Xinh kể, năm 2017, sau nhiều lần mời các hộ đứng đơn lên lấy lời khai, cơ quan điều tra trả lời dân “vụ việc phức tạp phải thanh tra” nên đơn tố cáo của dân quay ngược về UBND huyện giải quyết. Năm 2018, Đoàn thanh tra “thu chi tài chính của Tổ hợp tác” được Chủ tịch UBND huyện thành lập.
Khi UBND huyện Chợ Gạo công bố kết luận thanh tra, nỗi bất bình còn tăng cao trong cộng đồng sử dụng nước sinh hoạt. Tuy trong kết luận có nêu những hạn chế thiếu sót như: không hoá đơn chứng từ, không lập sổ sách kế toán… nhưng số tiền Ban quản lý thu chi chênh lệch so với thực tế chỉ vỏn vẹn hơn 5,5 triệu đồng. Không đồng tình, người dân tiếp tục gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng cấp cao hơn.
Ông Xinh bức xúc dẫn chứng, điều dễ thấy nhất khi đọc các văn bản kết luận của huyện, xã là mỗi nơi đưa ra một con số khập khiễng. Ví dụ: Chỉ trong năm 2002, thu cổ phần là 28 triệu đồng (theo báo cáo thẩm tra) nhưng chỉ còn 7 triệu đồng (theo kết luận thanh tra); hoặc quỹ tồn gần 20 triệu đồng (theo báo cáo thẩm tra) nhưng lại âm hơn 200 ngàn đồng (theo báo cáo thanh tra).
Tương tự, trong mục báo cáo quỹ tồn của năm 2014, 83,5 triệu đồng (báo cáo giám sát) xuống 78 triệu đồng (báo cáo thẩm tra) và còn hơn 70 triệu đồng (kết luận thanh tra)… Con số các hộ sử dụng nước cũng “mỗi người một phách”: Theo báo cáo giám sát HĐND xã là 388 hộ; báo cáo thẩm tra là 396 hộ nhưng đến kết luận thanh tra lại là 386 hộ.
Theo ông Đực, Đoàn thanh tra không có danh sách các hộ đóng cổ phần, không có số liệu về hộ dân sử dụng nước hàng tháng vậy lấy cơ sở nào để kết luận thu chi? Con số thực các hộ tham gia góp cổ phần vào nước sinh hoạt hiện là 421 hộ, theo ông Đực, số này có thể cao hơn vì không ít trường hợp dân đóng tiền nhưng Ban quản lý Tổ hợp tác đã chiếm đoạt, không đưa họ vào danh sách.
Chưa kể, theo các biên bản cơ quan điều tra năm 2017, ông Quý và các thành viên Ban quản lý khai nhận thu chi tuỳ tiện hơn 30 triệu đồng, có dấu hiệu tư túi cũng đã không được kết luận thanh tra làm rõ.
Ngày đầu thành lập Tổ hợp tác năm 1998, ông Trần Văn Tám làm kế toán, đến năm 1999 ông Tám nghỉ (mất vì bệnh năm 2004). Đưa chúng tôi xem những biên bản bàn giao, chứng cứ… ông Xinh cho biết, năm 2014 sau khi các hộ dân phát hiện và tố cáo việc thu chi tài chính của Ban quản lý Tổ hợp tác lem nhem, các cơ quan chức năng vào cuộc, lúc này các thành viên Ban quản lý đã tìm cách đổ tội cho ông Tám.
Cụ thể, theo ông Xinh, rất nhiều khoản thu chi từ năm 2000 trở đi, ông Quý đều khai nhận đã thu chi vào năm 1998 – 1999 (thời điểm ông Tám làm kế toán), đồng thời đổ tội cho ông Tám làm mất giấy tờ, chứng từ… để cuối cùng “quy” cho ông Tám biển thủ hàng trăm triệu đồng.
Cũng cần nói thêm, từ năm 2016 đến nay, sau khi Ban quản lý cũ bị buộc nghỉ, người dân bầu lên Ban quản lý mới quản lý trông coi tổ hợp tác nước sinh hoạt nông thôn tại xã Trung Hoà thì tình hình đã khác.
Một thành viên Ban quản lý hiện nay cho biết, mỗi năm, tiền lãi từ 70 – 110 triệu đồng. Số tiền lãi từ thu phí bán nước, tổ hợp tác đã khoan thêm giếng mới, xây dựng đài nước công suất 5 mã lực, thay mới hơn 3km đường ống loại tốt, đang chuẩn bị khoan giếng mới... Hiện số dư trong tài khoản của tổ hợp tác khoảng 150 triệu đồng sau 3 năm.
Ông Lê Văn Thuận (84 tuổi - ấp Trung Hoà) thắc mắc, vậy số tiền hàng trăm triệu đồng thu của dân trước đây đã đi đâu, làm việc gì? 18 năm trước, khi còn ông Quý và Ban quản lý cũ chúng tôi luôn thiếu nước sinh hoạt, tiền thu chi luôn thâm hụt… nay mỗi năm mỗi lãi, nước dồi dào đến từng nhà. Vậy mà cơ quan chức năng nói không có sai phạm đáng kể. Như vậy làm sao dân tụi tôi tin cơ quan kiểm tra, giám sát”.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin.