Cán bộ làm sai, ngân hàng gánh nợ
Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam trở thành bị đơn của một loạt vụ kiện giống nhau, đó là việc các doanh nghiệp nhận bảo lãnh kiện đòi Ngân hàng NN và PTNT thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho các chứng thư bảo lãnh mà cán bộ của Chi nhánh Hồng Hà đã ký.
Điển hình là vụ kiện giữa Công ty cổ phần Máy thiết bị dầu khí kiện đòi Ngân hàng NN và PTNT phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, chi trả số tiền gần 45 tỷ đồng mà Công ty TNHH thương mại và khai thác khoáng sản Đức Hùng còn nợ trong một hợp đồng mua phôi thép trị giá hơn 70 tỷ đồng. Theo hồ sơ vụ kiện này, Công ty Máy thiết bị dầu khí bán cho Công ty Đức Hùng lô hàng 4.200 tấn thép, trị giá hơn 70 tỷ. Để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của Công ty Đức Hùng, Giám đốc Chi nhánh Hồng Hà của Ngân hàng NN và PTNT đã ký chứng thư bảo lãnh, với cam kết sẽ thanh toán cho Công ty Máy dầu khí số tiền mà Công ty Đức Hùng còn nợ.
Việc Công ty Đức Hùng không trả được tiền mua hàng cho lô hàng trên đã diễn ra khi Công ty Đức Hùng bán lô hàng cho Công ty Tân Hồng và sau khi lô hàng này đi lòng vòng, người mua cuối cùng mới trả được cho Công ty Máy thiết bị dầu khí hơn 25 tỷ, còn thiếu gần 45 tỷ. Do đó, Công ty Máy thiết bị dầu khi khởi kiện đòi Ngân hàng NN và PTNT phải thanh toán theo cam kết bảo lãnh thanh toán cho Công ty Đức Hùng.
Sẽ không có gì đáng nói, đáng bàn nếu như việc phát hành chứng thư bảo lãnh của ông Đỗ Đức Hưng, Giám đốc Chi hành Hồng Hà là đúng pháp luật. Tuy nhiên, sau khi vụ việc ông Trịnh Khánh Hồng, Giám đốc Công ty Tân Hồng, bị khởi tố về hành vi lạm dung tín nhiệm chiếm đoạt hơn 281 tỷ đồng của các doanh nghiệp và cá nhân có quan hệ làm ăn với Công ty Tân Hồng, thì việc ông Đỗ Đức Hưng và các cán bộ tín dụng dưới quyền có hành vi lạm quyền, vi phạm quy định về cho vay đã bị phát giác và khởi tố. Dođó, việc cho vay và bảo lãnh trái pháp luật mà ông Hưng đã ký cần phải được điều tra, xem xét giải quyết theo vụ án mà CQĐT Bộ Công án đã khởi tố.
Nhưng, trong lúc CQĐT có kết luận, VKS tối cao có cáo trạng truy tố đối với Đỗ Đức Hưng và các cán bộ tín dụng là tác giả của các chứng thư bảo lãnh trái pháp luật, Tòa án TP Hà Nội đang chuẩn bị xét xử vụ án này thì các tòa cấp dưới lần lượt thụ lý đơn khởi kiện của các doanh nghiệp nhận bảo lãnh như Công ty Máy thiết bị dầu khí. Các doanh nghiệp này đòi Ngân hàng NN và PTNT phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bị can Đỗ Đức Hưng đã “xé” luật để ký.
Tòa dân “đá” tòa hình?
Việc ông Đỗ Đức Hưng ký bảo lãnh cho Công ty Đức Hùng là vi phạm pháp luật và đã được CQĐT Bộ Công an kết luận trong bản kết luận điều tra số 06/C48-P8 ngày 15/7/2013. Ông Đỗ Đức Hưng đã thừa nhận ký 15 thư bảo lãnh “khống” (không có hồ sơ bảo lãnh), vi phạm quy định của pháp luật về bảo lãnh ngân hàng. Thậm chí, theo đại diện của Ngân hàng NN và PTNT thì những hợp đồng được bảo lãnh cũng có dấu hiệu “khống”. Các bên chỉ lập hợp đồng, thực tế không có việc giao nhận hàng hóa rồi sau đó không trả tiền mua bán và đòi ngân hàng thực hiện bảo lãnh. Đây là cách để rút tiền của ngân hàng.
Sự thật có phải như cáo buộc của đại diện Ngân hàng NN &PTNT hay không cần đợi kết quả giải quyết của tòa án khi xét xử đại án chiếm đoạt hơn 281 tỷ đồng. Nếu sự thật đúng như trình bày của đại diện Ngân hàng NN và PTNT thì việc tòa án thụ lý vụ kiện và sau đó chấp nhận yêu đòi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như vụ việc TAND huyện Từ Liêm buộc Ngân hàng NN và PTNT thanh toán gần 45 tỷ cho Công ty Máy thiết bị dầu khí, chẳng khác gì tiếp tay cho việc rút tiền của ngân hàng.
Một sai phạm nghiêm trọng nữa trong vụ án này cho thấy việc tòa cấp dưới “đá” tòa cấp trên là trong khi vụ án hình sự chưa đưa ra tòa, tòa cấp dưới đã xét và đóng dấu “hợp pháp” cho chứng thư bảo lãnh ký trái pháp luật mà ông Đỗ Đức Hưng là tác giả. Nếu tòa cấp dưới nói ông Hưng đúng, buộc Ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì làm gì có việc ông Hưng và cán bộ ngân hàng vi phạm quy định về cho vay hay lạm quyền (?). Với bản án này của tòa án thì chẳng khác gì “luận cứ bào chữa” cho ông Đỗ Đức Hưng trong vụ án hình sự sắp xử.
Theo Luật sư Trần Văn Toàn, việc giải quyết vụ kiện của Tòa án huyện Từ Liêm (nay là Tòa án quận Nam Từ Liêm) có dấu hiệu trái pháp luật nghiêm trọng. Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự thì các vụ án dân sự liên quan đến khoản vay hay bảo lãnh do Đỗ Đức Hưng ký cần phải tạm đình chỉ để đợi kết quả truy tố, xét xử đối với Đỗ Đức Hưng mới có cơ sở giải quyết. Vì, cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự mà Đỗ Đức Hưng là bị can sẽ làm rõ tính hợp pháp của các bảo lãnh mà bị can này ký. Do đó, việc thụ lý, giải quyết vụ kiện dân sự về đòi tiền theo thư bảo lãnh như nêu trên mà không đợi kết quả truy tố, xét xử của vụ án mà Đỗ Đức Hưng bị truy tố là trái pháp luật.
Tại sao những quy định rõ ràng đó lại bị phớt lờ để Ngân hàng NN và PTNT đang là bị hại lại trở thành người phải trả tiền? Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin trong các số báo tới.