Tòa đang thụ lý, chính quyền đã cưỡng chế phá dỡ nhà dân

(PLO) - Mặc cho tòa đang thụ lý, chính quyền địa phương vẫn kéo đến đập phá nhà dân khi trong nhà chỉ còn một ông lão bệnh tật và một trẻ nhỏ.
Sau khi lực lượng cán bộ “rút quân”, bé Thịnh tranh thủ mót lại những gì còn xài được.
Mới đây, một người phụ nữ gọi điện thoại cho phóng viên tự giới thiệu tên Nguyễn Ngọc Chọn (55 tuổi, ngụ thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) vừa khóc vừa cầu cứu: “Tôi đang nằm viện, ở nhà chỉ còn chồng tôi bị bệnh tai biến nặng đi lại khó khăn và đứa con chỉ mới 14 tuổi mà cán bộ lại đang tâm đến cưỡng chế, đập phá nhà tôi trong khi tòa vẫn chưa giải quyết…”.
Tranh chấp do cán bộ làm mất giấy sang nhượng?
Tiếp nhận thông tin, ngày 13/11 phóng viên đã vượt quãng đường dài đến thị trấn Thới Bình tìm nhà bà Nguyễn Ngọc Chọn để tìm hiểu thực - hư sự việc. Tại đây, chúng tôi ghi nhận được những hình ảnh hoang tàn của căn nhà vừa bị tháo dỡ, có một người đàn ông ốm o và một đứa trẻ. Người đàn ông vừa khóc nức nở vừa nói: “Hết rùi chú ơi, công lao mấy chục năm qua…”. 
Hỏi ra mới biết đó chính là người chồng bệnh tật mà bà Nguyễn Ngọc Chọn đã kể qua điện thoại – ông Bùi Văn Trí (56 tuổi) và đứa bé cạnh bên chính là con của hai người tên Bùi Đức Thịnh (SN 2001). Khi chúng tôi hỏi thông tin về vụ việc, ông Trí hầu như không còn nhớ gì đến hồ sơ đất đai vừa bị cưỡng chế: “Đất là tôi mua của người ta mà, tại sao lại đập phá…”, ông chỉ lập bập nói đi nói lại câu đó.
Lúc bị cơ quan chức năng cưỡng chế nhà, bà Chọn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa huyện Thới Bình. 
Đến gặp bà Nguyễn Ngọc Chọn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Bình để tìm hiểu, phóng viên được biết bà Chọn bị ngộ độc thức ăn và tăng huyết áp, đã nằm viện suốt mấy ngày qua… Đưa hồ sơ cho phóng viên xem, bà Chọn phân trần: “Chú thấy đó, trích lục trong bản đồ và mục kê đều thể hiện đất là của tôi, nhưng chính quyền địa phương cứ khăng khăng nói là đất công cộng rồi làm khó tôi đủ điều. Là người dân thường  “thấp cổ bé họng” nên nhiều năm qua, dù đã đội đơn yêu cầu, khiếu kiện, khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng nhưng không cơ quan nào đứng ra bênh vực quyền lợi chính đáng cho gia đình tôi. Cùng đường, tôi đã gửi đơn đến TAND huyện nhờ giải quyết. Nào ngờ khi tòa đang thụ lý thì xảy ra sự việc…”.
Theo hồ sơ bà Chọn cung cấp, năm 1995, vợ chồng bà đã mua nhà gắn liền với đất từ ông Lê Hoàng Dũng (còn có tên là Phước) với phần đất bề ngang 11 mét, dài 22 mét (thể hiện tại thửa số 128, tờ bản đồ số 38, tổng diện tích 242m2), có xác nhận của chính quyền địa phương. Từ khi sang nhượng đến nay bà đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước…
Cuối tháng 10/2003, đoàn cán bộ thị trấn Thới Bình đến xác minh nguồn gốc đất để làm giấy chủ quyền, gia đình bà đã cung cấp đầy đủ các giấy tờ có liên quan, trong đó có giấy tay sang nhượng giữa bà và ông Dũng. Tuy nhiên, điều mà bà bất ngờ là vào ngày 22/10/2003, bà chỉ được cấp giấy chủ quyền 120m2, còn lại 122m2 không được cấp. “Cứ tưởng đất đã thể hiện trong mục kê nên từ từ rồi cán bộ cấp cho mình, không ngờ lại xảy ra tranh chấp”, bà Chọn lấy làm tiếc nuối.
Ông  Bùi Văn Trí bật khóc khi nhớ lại cảnh nhà mình bị phá dỡ.
 
Theo trình bày của bà Chọn, vụ tranh chấp bắt đầu vào năm 2006 khi bà cho cất nhà tạm trên phần đất mương (ao nước) để xây nhà kiên cố thì chính quyền địa phương đến lập biên bản cho rằng bà đã cất nhà trái phép trên đất công. Quá bất ngờ, bà đi tìm gặp ông Nguyễn Văn Đém (cán bộ địa chính thị trấn khi đó) để tìm lại giấy sang nhượng giữa bà và ông Dũng thì ông Đém cho biết giấy tờ đó đã thất lạc…
 Do không tìm được giấy sang nhượng cộng với việc sợ bị “làm khó” sẽ không cất được nhà nên bà đã “bóp bụng” chịu đóng phạt 400 ngàn đồng. Tuy nhiên, bà đã có đơn khiếu nại cho rằng quyết định xử phạt bà là sai pháp luật, do phần đất đó là của bà mua lại…
“Chỉ dựa vào việc tôi không có giấy tay sang nhượng và biên bản xử phạt nói trên mà sau này cả thị trấn lẫn huyện đều cho rằng phần đất đó là đất công...”, bà Chọn nói.
Cưỡng chế theo kiểu “mặc kệ tòa”
Sau nhiều năm đội đơn yêu cầu đến cơ quan chức năng không có kết quả, ngày 2/9/2015, bà Chọn đã gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện Thới Bình. Ngày 26/10, TAND huyện Thới Bình ra thông báo thụ lý vụ án. Theo thông báo, trong vòng 15 ngày các đương sự phải gửi nếu có ý kiến khác và cung cấp tài liệu, chứng cứ (nếu có)… Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, ông Nguyễn Hùng Cường (Chủ tịch UBND thị trấn Thới Bình) đã liên tục ban hành nhiều thông báo, quyết định cưỡng chế hành chính đối với bà Nguyễn Ngọc Chọn và quyết định của ông đã được thi hành vào ngày 11/11.
 Từ khi sang nhượng (1995), hàng năm cơ quan chức năng đều đến thu thuế.
Điều đáng nói là việc cưỡng chế được thi hành ngay trong thời gian bà Chọn khởi kiện đề nghị hủy các quyết định kết luận xử lý của UBND huyện Thới Bình có liên quan đến việc tranh chấp đất của bà. Bà cho rằng, đối tượng tranh chấp với bà là một tổ chức nhà nước, trong khi quy định tại Nghị định 181/2014 của Chính phủ thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới có thẩm quyền giải quyết bước đầu, nếu không chấp thuận thì các bên tranh chấp có thể yêu cầu đến Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có thể ra quyết định cuối cùng nên việc UBND huyện Thới Bình ra quyết định xử lý bước đầu là vô hiệu. Đó là còn chưa nói đến việc tòa đang thụ lý vụ án…
Khi trả lời câu hỏi việc cưỡng chế khi tòa đang thụ án có đúng quy định không, Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Hùng Cường cho rằng ông chỉ cưỡng chế quyết định hành chính, còn việc bà Chọn kiện quyết định của UBND huyện thì không liên quan… ./.

Đọc thêm