Toàn cảnh lễ khai ấn Đền Trần Nam Định

(PLO) - Lễ hội khai ấn Đền Trần (Nam Định) vào đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch, thu hút hàng trăm lượt du khách từ khắp mọi miền của Tổ quốc.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, lễ khai ấn đền Trần có từ thế kỷ XIII. Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, vào ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường (Nam Định), vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc.

Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi lễ khai ấn để tế lễ trời đất, tổ tiên. Nghi lễ khai ấn được nhân dân duy trì để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc; đồng thời cầu mong thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần “Tích phúc vô cương,” bước sang năm mới mạnh khỏe, lao động, sản xuất, học tập, công tác tốt.

Đêm 1/3/2018 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch xuân Mậu Tuất), hàng vạn du khách thập phương đã có mặt tại Khu Di tích lịch sử đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định tham dự lễ Khai ấn đền Trần.

Theo kế hoạch, vào 23 giờ 15 phút đêm 14 tháng Giêng, Ban tổ chức lễ hội thực hiện nghi lễ khai ấn. 14 cụ cao niên phường Lộc Vượng cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể sẽ vào nội cung chứng kiến nghi lễ và đóng dấu khai ấn. 14 cánh ấn bằng giấy màu vàng sẽ được Trưởng từ đền Trần cất giữ sau đó dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng. Sau khi khai ấn xong, từ 23 giờ 55 phút trở đi sẽ mở cửa đền cho nhân dân, du khách vào lễ đầu năm.

Lễ hội đền Trần (Nam Định) Xuân Mậu Tuất 2018 bắt đầu từ ngày 26/2-3/3 (tức ngày 11-16 tháng Giêng) với rất nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như: Rước kiệu Ngọc Lộ; rước nước, tế cá; múa lân; biểu diễn võ thuật.

Đọc diễn văn tại lễ Khai ấn, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định Lê Quốc Chỉnh, khẳng định công lao to lớn của vương triều Trần trong lịch sử dân tộc; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của tục lệ Khai ấn.

Khai Ấn, phát Ấn đền Trần nhằm tri ân công lao của các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, qua đó động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ ra sức phấn đấu học tập, lao động, cống hiến tài năng, trí tuệ và sức lực cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Sau nghi lễ dâng hương tại Ban thờ Trung thiên đền Thiên Trường, đúng 22 giờ 45 phút, nghi lễ rước kiệu ấn từ đền Cố Trạch thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo sang đền Thiên Trường được cử hành trang trọng theo đúng nghi thức truyền thống với sự tham gia của hơn 100 người là đại diện cho các tầng lớp nhân dân làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

Từ 23 giờ 55 phút đền Trần được mở cửa để nhân dân và du khách vào đi lễ đầu năm.

Theo Ban Tổ chức lễ hội, họ đã chuẩn bị đủ số lượng ấn và bắt đầu phát cho nhân dân, du khách từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 2/3 dương lịch) cho đến khi hết ấn.

Năm nay, Công an tỉnh Nam Định đã tăng cường hơn 2.000 cán bộ chiến sỹ bảo vệ an toàn cho lễ Khai ấn, phát ấn. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cũng đã thiết lập hành lang an ninh bằng hàng rào sắt, lưới thép để phân luồng giao thông, khắc phục tình trạng lộn xộn, người dân và du khách không thực hiện đúng quy định khi đi lễ.

Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Công an tỉnh Nam Định đã tổ chức phân luồng phương tiện từ xa nhằm tránh xảy ra ách tắc trên quốc lộ 10 đoạn qua khu vực đền Trần.

Theo ghi nhận của phóng viên, với nỗ lực của Ban Tổ chức như quy định vị trí cho các đại biểu tham dự lễ Khai ấn xa khu vực kiệu ấn đi qua, lắp camera tại khu vực làm lễ Khai ấn ở đền Thiên Trường để giám sát những trường hợp cố tình ném tiền vào kiệu ấn nên tình trạng lộn xộn đã được hạn chế, tình hình an ninh trật tự trong và ngoài khu vực đền Trần được đảm bảo.

Trong đêm Khai ấn, dòng người từ khắp nơi vẫn nườm nượp kéo về đền Trần chờ vào dâng hương và đợi đến giờ phát ấn để xin lộc ấn đầu năm.

Dưới đây là toàn cảnh lễ khai ấn Đền Trần mà PV ghi nhận được:

23 giờ 15 phút đêm 14 tháng Giêng, Ban tổ chức lễ hội thực hiện nghi lễ khai ấn.
Hàng nghìn người dân phải đứng phía ngoài để nghi thức được diễn ra trang trọng, tránh lộn xộn.
Lực lượng công an kiểm soát giấy mời các đại biểu được mời tham dự lễ khai ấn đền Trần.
Nghi thức rước kiệu ấn do đại diện Hội người cao tuổi, MTTQ và nhân dân phường Lộc Vượng thực hiện.
Trong lúc chờ đợi để xin ấn, người đàn ông này mệt mọi tựa người vào gốc cây.
Kết thúc nghi lễ, người dân đổ xô chen chúc nhau vào xin ấn.
Ai cũng thành tâm khẩn cầu một năm mới mọi điều suôn sẻ.
Người dân chen chúc xin ấn
Ai cũng muốn lấy cho mình được một chiếc ấn. Thậm chí còn muốn lấy thêm cho người thân, bạn bè.
Phải "trải qua" khá nhiều ứng viên bằng việc chen chúc nhau sau đó ai lấy cũng đều rất đỗi vui mừng khi cầm được chiếc ấn trên tay.

Đọc thêm