Toàn cảnh tìm kiếm, cứu hộ nạn nhân bị sạt lở, lũ lụt miền Trung, Tây Nguyên

(PLVN) - Lực lượng cứu hộ tìm mọi cách để có thể tìm kiếm được nạn nhân mất tích, đến được với người dân bị lũ cô lập một cách nhanh nhất, dù thời tiết nhiều nơi không thuận lợi, mưa vẫn rơi...

Thời tiết Nam Trà My, Phong Điền và cả nước hôm nay, 31/10

Cứu hộ vụ sạt lở đất huyện Phước Sơn: Giải cứu hơn 200 công nhân thủy điện Đăk Mi 2 bằng cáo treo

2 thiếu niên thiệt mạng, 3 người còn mất tích do mưa lũ ở Nghệ An

Tang thương chất chồng do sạt lở núi ở Quảng Nam

Tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), 500 cán bộ chiến sĩ quân đội, công an cùng 4 chó nghiệp vụ vẫn đang đằm mình trong mưa gió, dùng cuốc và tay lật từng phiến đá, tấm bê tông, gốc cây sình lầy để tìm kiếm 14 người dân đang mất tích trong vụ lở núi.

 

Ngày 30/10, lực lượng cứu nạn cứu hộ phát hiện thêm 3 thi thể nạn nhân, còn 12 người mất tích. Có 7 học sinh mất người thân sau vụ sạt lở. Lực lượng chức năng đã bay flycam tìm cả trên sông và hồ Sông Tranh 2.

Nhóm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My được thầy giáo đưa về nhưng nhà không còn, người thân đã mất hoặc đang mất tích... Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế
Nhóm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My được thầy giáo đưa về nhưng nhà không còn, người thân đã mất hoặc đang mất tích... Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế 

Cũng tại Quảng Nam, ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn cho biết,  toàn bộ xã Phước Lộc bị cô lập, mất liên lạc hoàn toàn. Đây là địa bàn xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất, lũ quét dẫn đến 11 người dân bị vùi lấp tại thôn 3, 2 cán bộ xã bị tử vong tại thôn 1 từ ngày 29/10.

Đường vào xã Phước Lộc đang hư hỏng nặng, không thể ra vào, xã mất điện nhiều ngày nay nên không còn liên lạc được bằng điện thoại. Theo báo cáo cuối ngày 29/10 của lãnh đạo xã, đã tìm được 5 thi thể, 8 người hiện vẫn mất tích do bị vùi lấp. Trong các ngày 29, 30/10, huyện đã cử nhiều đoàn băng rừng, vượt suối để cố gắng tìm đường vào xã nhưng đến nay vẫn không thể tiếp cận. "Hiện nay không thể nắm được tình hình thiên tai, đời sống của người dân trong xã", ông Nguyễn Quảng nói.

Thông tin từ xã Phước Lộc, thiệt hại những ngày qua không chỉ do sạt lở đất mà do một vụ lũ quét, rất nguy hiểm cho người dân địa phương và lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng tìm kiếm cứu hộ cùng phương tiện, chó nghiệp vụ trong ngày 30/10 tiến hành công tác tìm kiếm 12 công nhân còn mất tích tại hiện trường sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Hàng chục mét khối đất được đào bới nhưng vẫn chưa phát hiện thêm thi thể.

Sáng cùng ngày, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ dẫn đầu đoàn công tác cùng 10 thân nhân người mất tích chứng kiến khung cảnh hoang tàn do sạt lở và nỗ lực tìm kiếm của các lực lượng. 

"Nếu không trực tiếp vào hiện trường tôi không nghĩ rằng hiện trường tìm kiếm hiểm trở và công tác cứu nạn lại gian nan, vất vả đến thế”, Báo Thừa Thiên - Huế dẫn lời người thân nạn nhân. “Nguyện vọng chung của chúng tôi là sớm tìm được thi thể người thân để đưa về quê an táng. Chúng tôi đang mong ngóng từng giờ. Ở đây lạnh lẽo lắm”.

Động viên thân nhân những công nhân còn mất tích, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đồng thời khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là tìm kiếm người dân còn mất tích như cứu người thân của mình. Đến khi nào còn một người mất tích thì chúng tôi vẫn còn tìm kiếm với nỗ lực và quyết tâm cao nhất. Bà con có nguyện vọng gì, yêu cầu gì chúng tôi sẵn sàng lắng nghe để giải quyết một cách thấu đáo và hợp tình hợp lý”.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn ngoài việc nỗ lực tranh thủ từng ngày từng giờ cũng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện. Tuyệt đối không để công tác cứu hộ cứu nạn lại phải cứu hộ cứu nạn thêm lần nữa.

Tại Nghệ An, mưa lớn đã khiến nhiều địa bàn ngập sâu, không ít nơi ngập gần 2m. Có 2 trẻ em bị đuối nước tử vong và 3 người đang mất tích. Tính đến sáng nay, Nghệ An còn hơn 12.600 nhà bị ngập, 29 xóm bị cô lập, 22 xóm bị chia cắt, 117 xóm bị ngập lụ; gần 3.000 hộ dân phải di dời lo lụt ngập và sạt lở đất. Có một ngôi nhà của dân bị sập đổ, 74 nhà bị hỏng một phần, 820 ngôi nhà của dân bị ảnh hưởng sạt lở đất.

Lực lượng chức năng Nghệ An sơ tán người dân khỏi vùng ngập.
Lực lượng chức năng Nghệ An sơ tán người dân khỏi vùng ngập.

Tại Gia Lai, cây cầu sắt - đường duy nhất dẫn vào 3 thôn của xã Đăk PNe (huyện Kon Rẫy) bị lũ cuốn trôi từ ngày 28/10 nên mấy hôm nay, gần 1.500 người dân bị cô lập, không thể vào trung tâm huyện mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt.

Người dân phải mặc áo phao khi lên canô qua sông. Ảnh: Trần Hoá/VnExpress.
Người dân phải mặc áo phao khi lên canô qua sông. Ảnh: Trần Hoá/VnExpress.

Hàng chục người dân và lực lượng chức năng đưa chiếc canô của Công an tỉnh Kon Tum xuống sông để đưa người và lương thực vào ra thôn 2,3,4. Nhiều ô tô chở mì tôm, gạo, nước mắm... chờ ủng hộ người dân.

VnExpress dẫn lời anh A Nghin (38 tuổi, người dân địa phương) cho biết, hai ngày sau trận lũ, hàng chục cán bộ, thanh niên trong làng có mở con đường nhỏ quanh núi, song đi nó xa hơn 15 km, lầy lội, dễ sạt lở và phải qua một cầu treo. Nếu đi xe máy cần phải có người đi cùng để đẩy.

Hai ngày nay ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Đăk PNe vào trụ sở xã làm việc bằng đường mới mở, đường nguy hiểm và xa.

Theo ông Phương, việc đưa người dân qua lại bằng canô chỉ là biện pháp tạm thời, sắp tới chính quyền địa phương sẽ làm một cây cầu tạm để người dân thuận tiện qua lại, sau đó mới xin kinh phí sửa chữa lại cây cầu bị cuốn trôi.

Cũng theo ông Phương, lương thực dự trữ của địa phương vẫn đảm bảo cho người dân trong vòng một tuần.

Đọc thêm