“Bia đỡ đạn”
Việc huy động quân Nam Triều tiên vào những chiến trường trọng điểm ở Khu 5 - Mỹ ngụy vẫn gọi là Vùng chiến thuật 2 - là một tính toán vô cùng sâu xa của Mỹ mà có thể Chính phủ của Cộng hòa Triều Tiên nhận ra nhưng vẫn phải chấp nhận vì đã lóa mắt trước những đồng USD.
Việc quân Nam Triều Tiên trở thành “bia đỡ đạn” được các chính trị gia, nhà phân tích quân sự thời đó ví như Chính phủ Hàn Quốc bán máu quân nhân cho Mỹ.
Trong cuốn sách “Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày”, tác giả Maicơn Mắclia đã viết: Ngày 9/5/1965, Tư lệnh lực lượng quân Mỹ Oétmolen đề xuất với Oasinhtơn cách sử dụng lực lượng chiến đấu trên bộ dưới sự yểm trợ của không quân, nhằm đối phó với hoạt động của Quân giải phóng. Theo Oétmolen, kế hoạch này gồm 3 giai đoạn:
Thứ nhất, tìm mọi cách để đảm bảo an toàn lực lượng trong các khu vực căn cứ; thứ hai, tổ chức những cuộc hành quân tuần tiễu có tính chất tiến công; thứ ba, tổ chức những cuộc hành quân "tìm diệt". Ba giai đoạn trên phải được tiến hành tuần tự, phụ thuộc vào khả năng "tiếp cận" chiến trường của quân Mỹ.
Thế nhưng, diễn biến tình hình ở chiến trường miền Nam Việt Nam đã không cho phép Mỹ thực hiện kế hoạch trên. Trong bức điện gửi về Oasinhtơn ngày 3/6/1965, Đại sứ Taylo thông báo: Thời gian không còn kịp nữa, khả năng sụp đổ của quân đội Sài Gòn đã rõ ràng.
Tướng Pônnítdơ - Bộ trưởng Hải quân Mỹ - sau chuyến thị sát tình hình ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là tại Vùng II chiến thuật, đã nhận định: Tình hình ở Đà Nẵng nguy ngập nhất... Việt cộng đã kiểm soát hầu hết vùng nông thôn, thậm chí tới cả hàng rào sân bay. Chu Lai tương tự như vậy. Phú Bài hoàn toàn bị Việt cộng bao vây...
Mỹ buộc phải chọn giải pháp đưa toàn bộ lực lượng quân Nam Triều Tiên vào chiến trường Khu 5 bởi chỉ bằng cách ấy, Mỹ mới có thể "chạy đua" được với thời gian và có thể bỏ qua được giai đoạn 1 và 2, bắt tay ngay vào giai đoạn 3, một giai đoạn mà ngay cả quân Mỹ cũng chỉ mới coi là "thử nghiệm trong khuôn khổ của chiến tranh diện địa", một giai đoạn mà ở đó, binh lính Mỹ hoàn toàn chưa có kinh nghiệm tác chiến.
Binh lính Hàn Quốc thì không hề biết ý đồ này của Mỹ. Họ được các cấp chỉ huy tuyên truyền rằng: Vì có kinh nghiệm trong chiến tranh du kích ở Triều Tiên nên dùng chiến thuật du kích để đập tan chiến thuật của Quân giải phóng miền Nam. Binh lính Hàn Quốc được thổi phồng về khả năng tác chiến nên lúc nào cũng trở nên tự kiêu, tự đại, coi mình là “số 1”.
Vì vậy, họ kiêu căng, miệt thị lính Việt Nam cộng hòa, không gần gũi, phối hợp, thậm chí còn đánh nhau với lực lượng này. Còn với lính Mỹ, họ luôn đánh giá thấp khả năng tác chiến của quân Mỹ trong các cuộc hành quân phối hợp. Chính R. Lasơn, Tư lệnh lực lượng dã chiến I, giai đoạn 1965-1968 đánh giá trong bản “Báo cáo hết nhiệm kỳ” tại Việt Nam đã viết:
Các đơn vị Nam Triều Tiên có kinh nghiệm chiến tranh du kích, chiến đấu ngoan cường và có hiệu suất cao, nhưng do tham vọng quá mức và tính tự cao dân tộc, đã trở thành những con người cứng nhắc… Không ít mâu thuẫn nảy sinh, có khi cả trên chiến trường, do căm tức vì bị phân biệt đối xử, lính Nam Triều Tiên đã bắn lên cả máy bay Mỹ, bắn đại bác vào đội hình lính Mỹ.
Sáng 12/2/1968, lính Hàn Quốc đã áp giải rất nhiều phụ nữ, người già, trẻ em các làng Phong Nhất, Phong Nhị ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đến cây đa Dù ven quốc lộ 1A rồi hành quyết một cách dã man. Hình ảnh này được đăng tải trên báo mạng của Hàn Quốc. |
Ngọn lửa hung tàn
Nhằm tìm, diệt quân giải phóng và bình định, các đơn vị của quân Nam Triều Tiên đã mở các cuộc hành quân quy mô từ nhỏ tới lớn ở khắp các tỉnh thuộc địa bàn Khu 5 từ Ninh Thuận trở ra đến Bình Định rồi phát triển lên các tỉnh của Tây Nguyên.
Những cuộc hành quân “tìm diệt” phát triển ra vùng giải phóng do các đơn vị thuộc sư đoàn “Mãnh Hồ”, “Bạch mã” và Lữ đoàn “Rồng xanh” của Hàn Quốc tiến hành, thực hiện các chiêu bài giết sạch, phá sạch và đốt sạch khiến sự hủy diệt chẳng khác nào sự tàn ác của giặc Minh trong lời thơ của Nguyễn Trãi: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/Vùi con đỏ dưới hầm sâu tai vạ”.
Cuộc hành quân lớn đầu tiên của lực lượng này trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất diễn ra vào sáng 19/1/1966 do Lữ đoàn “Rồng xanh” phối hợp với Trung đoàn 47, Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn, Lữ đoàn dù 101 Mỹ tiến hành có tên là Van Buren.
Đích nhắm tới là đánh phá các xã phía bắc sông Đà Rằng và vùng ven biển huyện Tuy Hòa nhằm tiêu diệt Trung đoàn 10 Quân giải phóng, triệt phá vùng giải phóng nam Phú Yên.
Trước khi mở cuộc hành quân này, từ ngày 1 đến 15/1/1966, cùng với các đơn vị quân Mỹ, quân đội Sài Gòn, 2 tiểu đoàn quân Nam Triều Tiên đã tập trung đánh phá các xã phía bắc sông Đà Rằng thuộc huyện Tuy Hòa và các xã miền đông Tuy Hòa, chủ yếu tập trung vào 2 xã Hòa Xuân và Hòa Hiệp.
Sáng 19/1, Lữ đoàn lính thủy đánh bộ "Rồng xanh" từ căn cứ Đông Tác và các bàn đạp ở Hảo Sơn, núi Hiềm hình thành nhiều mũi tiến công vào các xã Hòa Tân, Hòa Vinh, Hòa Đồng, Hòa Thịnh.
Tại đây, lính Nam Triều Tiên lùng sục các thôn xóm, đốt phá nhà cửa, tàn sát nhân dân, 90% nhà cửa và hơn 50% tổng số trâu bò, hơn 1 vạn hécta lúa và hoa màu ở vùng giải phóng Tuy Hòa, xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Phong và một phần của các xã Hòa Bình, Hòa Tân bị tàn phá nặng nề.
Chỉ trong một buổi sáng, quân Nam Triều Tiên đã bắn chết 300 đồng bào ở Đa Ngư, Phú Lạc (Hòa Hiệp). Ngày 9/2/1966, chúng bắn chết 300 người ở xã Hòa Mỹ. Ngày 19/2, chúng giết 117 đồng bào ở xã Hòa Phong. Trong hai tháng 1 và 2/1966, Lữ đoàn "Rồng xanh” đã thảm sát 1.583 đồng bào ở Tuy Hòa.
Trong Hồi ký “Ở lại với dòng sông”, ông Nguyễn Trung Tín - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - đã kể: “Hôm qua, ngày 15/10/1965, sư đoàn Mãnh Hổ đã càn quét Nhơn Mỹ, An Nhơn, giết một lúc hơn 30 đồng bào rồi chôn chung một hố… giở trò hãm hiếp hai mươi phụ nữ…”. Rồi ông thống kê rất ngắn những tội ác lính Nam Triều Tiên gây ra với đồng bào ta thông qua số liệu các trận càn quét:
- Hôm 22/12/1965, tại Tân Giảng, Phước Hòa (Tuy Phước), bọn lính Nam Triều Tiên thuộc sư đoàn Mãnh Hổ đã sát hại một lúc năm mươi đồng bào; chị Hồng mới sinh con được hai ngày bị chúng hãm hiếp rồi bắn chết; chị Chút bị chúng đánh truy thai; chúng bắt một trẻ sơ sinh cắt đầu quăng vào bụi, thân em bé bị chúng xé làm hai mảnh …
- Hôm 31/12/1965, cũng bọn lính Nam Triều Tiên dồn dân Bình Thành, Tây Sơn ra giữa sông Kôn rồi thi nhau nhả đạn, máu nhuộm đỏ cả một khúc sông; sau đó chúng gọi máy bay đến ném bom, không cho đồng bào đến cứu…
- Hôm 10/1/1966, tại Kim Tài, xã Nhơn Phong (An Nhơn), bọn lính Nam Triều Tiên lại gây tội ác. Bọn chúng dồn hàng chục đồng bào vào một ngôi nhà, ném lựu đạn giết chết rồi châm lửa đốt…Ngày 5/2/1966, tại Thuận Đức, Nhơn Mỹ (An Nhơn), địch giết sạch hai gia đình mười hai người, làm nhục bảy phụ nữ rồi thiêu sống; có ba phụ nữ đi chợ gần sân bay Gò Quánh bị bọn lính sư Mãnh Hổ bắt, hãm hiếp rồi cắt đầu các chị cắm vào cọc phơi nắng…
Cùng ngày, ở thôn Tư Cung, Phước Thắng (Tuy Phước), bọn lính Nam Triều Tiên đi càn quét, bắt năm gia đình tập trung, bắn chết không sót một người… Tại Cát Thắng (Phù Cát), cũng bọn lính Nam Triều Tiên đã tàn sát tập thể một trăm chín mươi ba người, trong đó phần lớn cụ già, phụ nữ và trẻ em…
Tại Bình An huyện Tây Sơn, trong các ngày 12/12/1965, 26 và 28/2/1966 và 8/4/1966, bọn lính Nam Triều Tiên đã giết chết 1.028 đồng bào ta, trong đó ở xóm An Khánh và xóm Giữa chúng giết một lúc 352 người và tàn sát đẫm máu ở Gò Dài một lúc 380 người…
Số liệu về sự tàn ác của lính Nam Triều Tiên đối với người dân miền Nam Việt Nam còn nhiều và dài dằng dặc, mãi mãi là những dòng lịch sử đau thương mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng không được lãng quên.../.