“Tôi chán cô vì cô nhếch nhác lắm!”
Nếu có một cuộc bình chọn người phụ nữ chiều chồng nhất thế giới thì có lẽ mẹ tôi sẽ đạt ngôi vị quán quân. Thuở bé, kinh tế gia đình còn khó khăn, tôi đã chứng kiến mẹ tôi đi xin quần áo cũ rồi ngồi kiên nhẫn tháo hết chỉ, ráp những mảnh vải lành lại với nhau để may nên những chiếc quần áo mới cho mình. Còn toàn bộ phiếu vải của gia đình mẹ dành hết cho cha may những bộ cánh đi làm. “Đàn ông ra đường ăn mặc đàng hoàng thì người phụ nữ ở nhà mới không bị chê cười” – mẹ giải thích thế với chúng tôi.
Đó là về khoản mặc, còn khoản ăn mẹ cũng chiều cha không kém. Cha tôi có thú vui nhâm nhi với bạn bè và cha thường kéo bạn về nhà để mẹ phục vụ. Có những hôm mẹ đi làm về mệt mỏi dựng xe đạp ngồi thở ở hiên nhà thì trong nhà cha đã ơi ới gọi: “Mẹ nó đâu, đi mua cho tôi rượu, làm mấy món ăn để tôi đãi bạn hiền”.
Rất mệt nhưng mẹ vẫn cố gắng chống gối đứng dậy và nửa tiếng sau một mâm cơm rượu tươm tất đã được bê ra. Rồi vài tiếng sau đó nữa là một bãi chiến trường những đũa bát bẩn, xương xẩu và có khi là cả những bãi nôn của người say. Mẹ im lặng dọn dẹp và lên giường nghỉ ngơi lúc đồng hồ đã điểm chuông nửa đêm. Nhưng nào đã hết, cha tỉnh rượu, đói bụng kêu mẹ dậy đi mua tô phở ăn cho ấm bụng. Mẹ lại mặc áo lao vào màn mưa phùn của đêm đông giá rét.
Tôi là con của mẹ nhưng tôi không nghĩ như mẹ. Bởi hình ảnh một người cha lắm tật và người mẹ cam chịu đã ám ảnh tôi suốt những năm tháng tuổi thơ. Và cú sốc khi cha bỏ mẹ đi với người đàn bà khác sau khi đã quẳng lại cho mẹ câu nói: “Tôi chán cô vì cô nhếch nhác lắm” thì tôi không sao quên nổi. Không nghĩ như mẹ, nhưng tôi cũng chưa biết mình sẽ làm gì để khác mẹ, cho đến một ngày tôi tận mắt chứng kiến câu chuyện buồn của cô chủ quán cơm gần chỗ tôi trọ học.
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Hạnh phúc gia đình không chỉ cam kết bằng hai chữ “biết ơn”
Cô vốn là một giáo viên tiểu học nhẹ nhàng và xinh đẹp. Tôi biết thế qua những tấm ảnh cũ cô treo trên tường. Còn bây giờ lúc nào tôi ra ăn cơm cũng đối diện với một người đàn bà to béo quần áo xộc xệch đầy dầu mỡ đang xoe xóe quát người làm. Cô kể cho tôi biết, cô bỏ nghề giáo ở nhà bán cơm vì cô muốn kiếm thật nhiều tiền cho chồng con cô sung sướng. Từ đồng tiền cô kiếm được, ông chồng của cô đã hoàn thành việc học hành với học hàm giáo sư và đang làm viện trưởng một viện nghiên cứu, hai đứa con cô cũng có bằng thạc sĩ với chỗ làm ngon lành.
Nhận thấy tác dụng của đồng tiền mình kiếm được với những người thân yêu, cô càng hăng say buôn bán hơn. Cửa hàng cơm của cô mở tới tận 10 giờ đêm, đồng nghĩa với việc cô vắng mặt ở bữa cơm tối. Trong mắt chồng con cô không còn đâu người vợ, người mẹ của gia đình nữa mà chỉ là bà hàng cơm áo quần đầy những mỡ và mùi thức ăn ám lâu ngày. Thế rồi gia đình cô tan vỡ, cô đóng cửa quán cơm.
Buổi cuối cùng ăn ở quán của cô, tôi được chứng kiến cô lại là cô giáo của ngày nào khi cô điềm tĩnh nói với tôi: “Giờ thì cô đã biết mình sai cháu ạ. Ở đời, mọi thứ đều có điểm dừng. Hạnh phúc gia đình không chỉ cam kết bằng hai chữ “biết ơn” và đàn ông họ cần một người vợ, không phải là cái máy kiếm tiền hay một bà ô sin”. Nghe cô nói, tôi thốt nhiên nghĩ tới mẹ mình, người phụ nữ chưa một phút giây nào biết yêu bản thân mình nên hạnh phúc đã tuột khỏi tay…