Tội gì chịu thiệt?

(PLO) - Hơn mười năm âm thầm nhẫn nhục chịu đựng để duy trì một cuộc hôn nhân sai lầm, không hạnh phúc, cuối cùng em đi đến quyết định phải ly hôn.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

“Chị ơi, em không muốn cứ phải sống như thế này cho đến chết. Từ ngày lấy chồng, em phải từ bỏ các mối quan hệ bạn bè, từ bỏ công việc để ở nhà chăm con, làm việc nhà, phụng dưỡng mẹ chồng. Để rồi em nhận lại được những gì: chồng ngoại tình, nhà chồng khinh rẻ vì cho rằng em ăn bám…

Thế nhưng khi em yêu cầu ly hôn thì chồng em không đồng ý. Anh ta ra hai điều kiện: một là em không được quyền nuôi các con, hai là phải tự nguyện viết giấy cam kết không đòi chia tài sản nếu cứ nhất quyết ly hôn. Anh ta bảo em không làm ra tiền, lại “dở chứng” đòi ly hôn nên không có tư cách nuôi con.

Anh ta còn dọa nếu sòng phẳng chia tài sản thì em cũng chẳng được gì, vì từ ngày lấy chồng em chỉ ở nhà “ăn bám” có làm ra tiền bạc, của cải gì đâu? Em biết anh ta làm thế chỉ để ép em, đày đọa em phải tiếp tục sống cuộc hôn nhân địa ngục. Em uất ức và cay đắng quá nên đành chấp nhận thiệt thòi, thà em ra đi tay trắng mà được sống cuộc sống của mình còn hơn… "

Nghe những lời tâm sự, luật sư rất thông cảm với những ẩn ức, thiệt thòi mà em gánh chịu. Nhưng em ơi, giờ đã là thời nào rồi mà em vẫn phải chấp nhận cảnh “chồng chúa vợ tôi”, chồng bảo sao em nghe vậy? Ừ thì suốt thời gian hôn nhân em chỉ ở nhà nội trợ, không làm ra của cải, tiền bạc nhưng pháp luật quy định, khi ly hôn em vẫn được tính công sức đóng góp. Về quyền nuôi con sau ly hôn, về nguyên tắc ít nhất em phải được quyền nuôi 1 đứa con; pháp luật không có quy định nào về việc mẹ nghèo, mẹ chủ động xin ly hôn thì không được quyền nuôi con em ạ. Những điều anh ta “dọa” chỉ là bắt chẹt người thiếu hiểu biết mà thôi. 

Đã không còn tình cảm, đã xác định đường ai nấy đi thì cứ sòng phẳng, phân minh, tội gì chịu thiệt hả em? Em thử nghĩ mà xem: mười năm cuộc đời son trẻ của em đã cống hiến, vun đắp cho nhà chồng để rồi em đổi lại được những gì ngoài những là lừa lọc, khinh miệt, bội bạc. Với một con người “cạn tàu ráo máng” như thế, có đáng để em phải thêm một lần nữa chấp nhận thiệt thòi ra đi tay trắng, chấp nhận hy sinh đến kiệt cùng cho con người đó hay không?

Em à, khép lại chặng đường hôn nhân này đâu phải mọi cánh cửa cuộc đời đã khép. Em vẫn còn trẻ, cuộc đời còn rất dài phía trước, khép lại cánh cửa này là sẽ có cánh cửa khác mở ra. Cùng với những cơ hội, sẽ là rất nhiều khó khăn, vất vả để duy trì, bước tiếp cuộc sống. Khi đó em cần phải có rất nhiều nghị lực, niềm tin và cả tiền bạc nữa. Sẽ có biết bao việc phải lo, biết bao nhiêu việc phải làm mà việc nào cũng cần tiền. Những đồng lưng vốn được chia sau ly hôn là mồ hôi nước mắt, là công sức đóng góp mà em xứng đáng được hưởng sẽ rất có ý nghĩa, rất cần thiết với cuộc sống của em lúc đó. Em có thể tham khảo ý kiến luật sư để trang bị thêm cho mình những kiến thức cần thiết về giải quyết vấn đề tài sản, con cái sau ly hôn để bảo vệ quyền lợi cho mình. Chúc em bản lĩnh và vững vàng trên con đường đã chọn.  

Đọc thêm