Tôi già ai sẽ chăm tôi, con cái hay xã hội?

(PLO) - Người ta nói tuổi già ai cũng phải đối mặt với ba nỗi đau khổ: con hư, bệnh tật, không tiền. Người may mắn thì chỉ một nỗi khổ, người kém may phải nhận cả ba. Câu đúc kết này quả không sai. 
Ảnh minh họa

Tại triển lãm “Chuyện của tuổi già” cách đây không lâu, bà Lương Thị Thái, 79 tuổi ở Xuân La, Tây Hồ chia sẻ câu chuyện của mình. Góa chồng sớm, bà nuôi hai con trưởng thành nhưng 15 năm nay sống một mình vì con trai định cư ở nước ngoài, con gái lo phận làm dâu. Mấy năm trước mắc bệnh ung thu gan, con cháu cũng không thể ở bên chăm sóc.

Cùng cảnh ngộ, bà Lương Thị Diệu, 70 tuổi ở Ba Đình mang tâm trạng đau xót vì phải nhìn đứa con trai sa ngã. “Chồng tôi mất lúc tôi mới ngoài 40, tôi ở vậy nuôi hai con. Chúng nó lớn lên dựng vợ, gả chồng, con cháu ngoan ngoãn, giỏi giang. Những tưởng lúc về già tôi an nhàn, thế mà đột nhiên bị tai biến, gần như liệt nửa người. Nhưng điều làm tôi đau nhất là thằng con trai nó sa ngã. Tôi cứ nghĩ đã nuôi con nên người, bỗng chốc nó vuột khỏi tay mình. Đau lắm. Mặc dù vậy nó là con, tôi vẫn thương nhớ. Có một ít tiền dưỡng già, tôi sẽ để lại cho nó”.

Cụ Hồ Tấn Thạch, 88 tuổi ở Gia Lâm xót xa vì con trai mất sớm, vợ mất mấy năm nay và cụ ở với con gái nhưng nhà cửa đi thuê, cuộc sống bấp bênh. Cảm giác không giúp được gì cho con giày vò cụ…

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với trên 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số, dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên thành 17% và 20 năm sau sẽ là 25%. Đáng lưu ý là tốc độ già hóa dân số của Việt Nam diễn ra quá nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Sự chuyển đổi nhân khẩu học do già hóa dân số này đang và sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, là thách thức lớn với hệ thống an sinh của Việt Nam, khi hiện chỉ có khoảng 30% người cao tuổi được hưởng lương hưu, còn rất nhiều người già vẫn phải tự lao động kiếm sống.

Bên cạnh đó, tuy tuổi thọ của người Việt được nâng lên nhưng gánh nặng bệnh tật lớn, trung bình mỗi người cao tuổi đang phải chịu 15,3 năm bệnh tật, tạo ra gánh nặng bệnh tật kép khi mỗi người cao tuổi mắc 2,69 bệnh, chủ yếu các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch... 

Đây là những con số được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm tại buổi hội thảo “Tăng cường sự tham gia xã hội trong chăm sóc người cao tuổi: Đối thoại chính sách & trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa các cộng đồng địa phương ở Việt Nam, Nhật Bản và Vương quốc Anh” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức. Quan điểm xuyên suốt tại hội thảo là việc thích ứng với già hóa dân số là một công việc nhiều thách thức đòi hỏi sự tham gia của các ngành, các cấp và toàn xã hội. 

Thích ứng với già hóa dân số như thế nào cho phù hợp? Để trả lời câu hỏi này, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết, tại Việt Nam việc hỗ trợ người cao tuổi của gia đình thường được xác định bởi nghĩa vụ đạo hiếu truyền thống. Vì thế nhiều người cho rằng chăm sóc cha mẹ là vấn đề của gia đình. Tuy nhiên, không phải người cao tuổi nào cũng có gia đình để được chăm sóc. Vì thế, cũng rất cần sự tham gia của xã hội trong chăm sóc người cao tuổi.

Ở Việt Nam có các hình thức như: mô hình nhà nước (các cơ sở chăm sóc của ngành y tế, các cơ sở bảo trợ xã hội); mô hình dịch vụ tư nhân chăm sóc tập trung; mô hình chăm sóc của các Hội, đoàn thể; mô hình cộng đồng... Nhưng kinh nghiệm cho thấy, đa số người cao tuổi muốn ở nhà càng lâu càng tốt vì giúp họ làm chủ môi trường, bản sắc và sự thoải mái.

Về chính sách thì chăm sóc ở cơ sở y tế/dưỡng lão đắt đỏ hơn nhiều so với chăm sóc tại nhà và cộng đồng của chính người cao tuổi. Do đó, nhiều quốc gia bắt đầu thúc đẩy các chính sách ưu tiên già hóa tại chỗ / tại cộng đồng với các dịch vụ dựa vào gia đình và cộng đồng. Cho phép người cao tuổi cần hỗ trợ và có thể tiếp tục cuộc sống tự chủ, độc lập và không muốn chuyển vào các trung tâm nuôi dưỡng dài hạn.

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Hugh McLaughlin, Đại học Manchester Metropolitan, Vương quốc Anh cho biết, ở Anh, tốc độ già hóa nhanh và dân số cao tuổi chiếm 21% dân số vào năm 2016. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng và chi phí liên quan đến chăm sóc người cao tuổi đã trở thành động lực quan trọng nhất cho việc thay đổi nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc ở Anh hiện đại.

PGS.TS Chie Yoshimuara, Đại học Kyoto Sangyo (Nhật Bản) thì cho biết xã hội Nhật Bản xây dựng chương trình bảo hiểm suốt đời trong chăm sóc người cao tuổi với nỗ lực có sự tham gia cân bằng giữa gia đình, cộng đồng và thị trường nhằm cung cấp các gói chăm sóc đa dạng cho nhóm dân số này./.

Đọc thêm