|
Vốn dĩ, cuộc hôn nhân của Thư và Sinh đã ở “vạch đích”, con nhà gia thế, “môn đông hộ đối”. Nàng là chính thất của Thúc Sinh, nghiễm nhiên phải có một cuộc sống hạnh phúc, xứng danh yên phận. Nhưng sau khi chuyện Kiều - Sinh nên duyên chồng vợ thì Hoạn Thư dường như mất tất cả và đã sinh cơn ghen tuông.
Cũng dễ hiểu, hạnh phúc mấy ai muốn “chia năm sẻ bảy”, phận thê thiếp ai muốn cảnh “chung chồng chung chăn”. Hoạn Thư đã bảo vệ tình yêu và hạnh phúc gia đình mình bằng cách của nàng. Bảo vệ danh dự gia đình, bảo vệ tình yêu của bản thân dành cho chồng.
Nhưng có lẽ ít người tìm hiểu sâu xa về cái “đức” ghen đó. Ai cũng cho rằng Hoạn Thư là con người thâm độc, nham hiểm, tàn nhẫn khi hành hạ Thúy Kiều. Vì thế, tên Hoạn Thư đồng nghĩa với sự ghen tuông độc ác của một người đàn bà.
Bấy lâu nay, hậu thế hay người đời mỉa mai những người đàn bà hay ghen như “Hoạn Thư”. Đem cái ghen tuông vốn dĩ thương tình được phép ấy để chê cười Hoạn Thư hàng trăm năm. Trong khi, nàng cũng xứng đáng nhận được hạnh phúc như Thúy Kiều vậy. Cái sự ghen của nàng thể hiện một nhân cách đáng cho ta phải suy nghĩ.
Người ta có nói: phụ nữ có 3 phần nhạy cảm, 3 phần mạnh mẽ, 3 phần ghen tuông. Khi người ta yêu được phép ghen, nhưng không phải ai cũng biết cách “ghen” sao cho đúng. Ghen để không phải tổn thương, ghen để không là kẻ thất bại cho chính bản thân mình. Nhưng khi đã phải ghen cũng là một phần của thất bại.
Đàn bà đánh ghen vừa đáng thương vừa đáng giận. Khi họ phải chịu tột cùng những nỗi đau, chắc chắn họ đã phải rơi nước mắt, phải ngậm đắng nuốt cay, nhẫn nhịn trăm bề. Giải quyết nỗi đau của mình bằng sự ê chề của một người đàn bà khác. Chắn chắn không phải ai cũng hạnh phúc, cũng hả hê mà chỉ là không còn sự lựa chọn nào khác. Dẫu có là người chiến thắng, chuyện ghen tuông rồi ai cũng sẽ là người đau đớn mà thôi.
Có lần, tôi gặp một chị hàng xóm vừa cãi nhau, xô xát một trận rất to với ông chồng vì phát hiện ông bồ bịch bên ngoài. Sau cái thở dài, chị lại nghẹn ngào khác hẳn cái dữ dằn khi nãy: “Đàn bà mà ai muốn phải ghen đâu em, nhưng chị không còn cách nào khác. Khổ lắm!”. Đúng là mấy ai thấu được tâm tư người trong cuộc. Phận cũng là đàn bà, cuộc đời gắn bó với người chồng làm chỗ dựa, ai cũng như ai. Mấy ai muốn mình phải suồng sã, lớn tiếng, phải “nổi điên” với chồng, người yêu, bạn đời của mình. Chỉ vì yêu!
Có một điều rất dễ nhận thấy sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà khi ghen. Nếu đàn ông biết vợ ngoại tình thì đánh mắng, sỉ nhục cho lẳng lơ và hư hỏng không chấp nhận được. Đàn bà biết chồng ngoại tình thì lại tìm “tình địch” đánh chửi, dằn mặt. Họ cũng là đàn bà, mạt sát nhau, cào xé vùi dập nhau giữa đám đông. Ngẫm thấy sao xót xa đến thế, chút phận đàn bà mà phải làm khổ nhau đến thế.
Đôi khi chúng ta vẫn hay bình luận rất sôi nổi rằng không nên đánh ghen, đàn bà hay ghen không được hạnh phúc, tội gì phải khổ mà ghen tuông, có khi chửi bới những người phụ nữ hay ghen. Nhưng, đôi khi ở trong chăn mới biết chăn có rận, không ai thích mình phải “ghen”. Vốn dĩ người ở ngoài cuộc thì sáng, trong cuộc thì quáng. Giây phút người phụ nữ ghen, giọt nước mắt gửi cho cuộc đời bạc… con tim từng nhảy lên vì tình yêu nãy cũng lại vì yêu mà héo mòn.
Chuyện “chồng” ai dễ nhường ai, dành cả thanh xuân để bên người đàn ông, lại muốn oán than chuyện “chia chăn sẻ gối”. Ai cũng khát khao hạnh phúc, nhưng khi phải đau đớn vì nó thì nó đau gấp trăm lần.
Chúng ta vẫn cảm thương cho Thúy Kiều nhưng cũng hãy để chút thương lòng dành cho người đàn bà như Hoạn Thư. Nàng chịu nhiều cười chê của người đời vì đã “sòng phẳng” với hạnh phúc của chính mình. Cũng giống những người đàn bà khi ghen, dù cơn “cuồng nộ” ấy có ghê ghớm, sâu thẳm trong nó vẫn là sự yếu mềm. Có gồng gánh, mạnh mẽ đến mấy cũng vẫn đau đớn, tổn thương.
Nhìn lại Hoạn Thư, nàng vẫn có lòng khoan nhân với Kiều, dù Kiều là lẽ, còn nàng chính thất. Dù sao Thư cũng là người phụ nữ, là người vợ, Thư đủ nhạy cảm để hiểu và biết mình phải “ghen” như thế nào. Dù nàng cũng đau đớn khi phải chịu cảnh “chung chồng” với người tài sắc như Thúy Kiều. Như nàng thừa nhận sau này “Rằng tôi chút phận đàn bà” và đàn bà thì “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”.
Hoạn Thư hay bất kỳ người phụ nữ khác, họ yêu và có quyền ghen. Tuy nhiên, cái ghen của nàng rất “nhân văn” đáng chúng ta chiêm nghiệm. Chứ không hẳn như những gì người đời “vẽ” lên chân dung nàng suốt hàng trăm qua. Chúng ta vẫn đặt lên “đôi vai những người hay ghen như Hoạn Thư một tấm bia đá, mà đâu hiểu rằng, trên vai họ cũng là hạnh phúc, là gia đình, là khát khao được yêu bình thường của những người phụ nữ.
“Chồng chung ai dễ nhường ai cho dẫu không nỡ oán nhau” (Hoạn Thư)