Năm nay là lần thứ 9 “Giờ Trái đất” được tổ chức tại Việt Nam. Theo đó, Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và 60 tỉnh, thành phố sẽ đồng loạt tắt đèn từ 20h30 đến 21h30 ngày 25/3 cùng với các nước trên thế giới. Nghi thức tắt đèn sẽ diễn ra tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám – Thủ đô Hà Nội. Thông qua chủ đề “Tắt đèn - Bật tương lai”, không ít hoạt động hưởng ứng đã được triển khai.
Đại diện ban điều phối chiến dịch cho biết, ngoài những dự án phát triển sâu rộng hơn từ các năm trước như “Chuyển động xanh”, “Cộng đồng xanh”, “Điểm đến xanh”… hiện có 2 dự án sáng tạo mới hoàn toàn là “Tương lai xanh” và “Kết nối xanh”. Điểm đặc biệt là, các dự án trên đều đã và đang góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần tiết kiệm, thông điệp bảo vệ môi trường đến sâu rộng các đối tượng, tầng lớp, ngành nghề khác nhau trong xã hội.
Minh chứng là, trong sự kiện lần này, Giờ Trái đất còn được hưởng ứng, phát động rộng rãi ngay trong chính đơn vị điện lực EVN. Được biết, ngay khi sự kiện được khởi động, EVN đã chỉ đạo các đơn vị trong tập đoàn triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện, gắn với chiến dịch như: phát tờ rơi, dán poster, treo băng rôn tại các địa điểm công cộng, khu văn phòng, tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp tại các tổ dân phố, cụm dân cư, trường học...
Ngoài việc tuyên truyền, đơn vị này còn yêu cầu các ban, văn phòng trực thuộc phối hợp, vận động tham gia, tự giác thực hiện tắt các đèn chiếu sáng và các thiết bị điện không cần thiết tại trụ sở đơn vị, gia đình trong thời gian diễn ra sự kiện.
Ở cộng đồng, không ít hoạt động tích cực hưởng ứng “Giờ Trái đất” cũng được diễn ra. Chẳng hạn, cách đây ít lâu hàng loạt sinh viên, tình nguyện viên đã đứng ở các ngã tư, các điểm chờ giao thông nhằm kêu gọi người tham gia phương tiện giao thông tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 25 giây để giảm lượng xăng tiêu thụ, giảm phát thải khói ra môi trường.
Mới đây nhất, hơn 1.000 tình nguyện viên đã đạp xe diễu hành trên các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội, đi bộ quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng điện tiết kiệm, bảo vệ môi trường.
Khách quan nhìn nhận, hiện nay với việc khai thác, sử dụng của con người, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Thế giới đang phải đứng trước những thách thức của sự biến đổi khí hậu và sự thiếu hụt của nguồn năng lượng…
Bởi vậy, những lợi ích mang lại từ chiến dịch “Giờ Trái đất” là cần thiết và quá rõ ràng. Song, để chiến dịch tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng và tiết kiệm điện không chỉ giới hạn trong khuôn khổ “Giờ Trái đất” mà cần tiết kiệm suốt cả năm, đúng với thông điệp “60+” thì mỗi chúng ta cần nỗ lực và có những hành động thiết thực hơn nữa góp phần thay đổi nhận thức của hàng triệu người Việt Nam.