Tôi phải làm gì để không bị mất con?

Chuyên mục “Câu chuyện cuối tuần” vừa tiếp nhận tâm sự đầy nước mắt của bạn đọc Bùi Lê Nga, một bà mẹ khuyết tật đang đứng trước mối lo bị kẻ “Sở Khanh” đã lừa tình một lần nay còn quay lại đòi quyền nuôi đứa con của hai người...

Chuyên mục “Câu chuyện cuối tuần” vừa tiếp nhận tâm sự đầy nước mắt của bạn đọc Bùi Lê Nga, một bà mẹ khuyết tật đang đứng trước mối lo bị kẻ “Sở Khanh” đã lừa tình một lần nay còn quay lại đòi quyền nuôi đứa con của hai người...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Ngày mẹ tôi trở dạ, cả gia đình vui mừng chờ đón phút giây một thành viên mới ra đời. Tôi sinh ra trong niềm hân hoan của bố và hạnh phúc của mẹ. Với đôi mắt to tròn xoe, má lúm đồng tiền, mọi người ai cũng bảo tôi sau này sẽ thông minh, xinh đẹp. Nhưng khoảnh khắc tươi đẹp đó vụt qua nhanh, một bước ngoặt lớn đã làm thay đổi cuộc đời tôi.

Năm lên 5 tuổi, môt lần đi chơi rằm Trung thu cùng bố mẹ, tôi thấy có cái gì truyền xuống chân khiến tôi khuỵu ngã. Sau đó là những ngày tôi phải nằm trên giường với chứng bệnh co giật, chân tay tê buốt. Thương con, bố mẹ đưa tôi đi chữa trị ở nhiều bệnh viện, cả Đông lẫn Tây y. Tuy vậy, chứng bệnh của tôi rất khó chữa, các bác sĩ đều không biết nguyên nhân gây bệnh từ đâu.

Bệnh tật đã chấm dứt cuộc đời học sinh của tôi khi mới học hết lớp 2. Tôi gần như đã liệt một bên chân, thời tiết thay đổi cũng đủ làm tôi phát bệnh. Sợ tôi bị tổn thương, từ đó, bố mẹ không để tôi phải ra đường. Tôi quanh quẩn, trò chuyện với bốn bức tường và thấy mình cô đơn vô cùng. Những ước mong rất đỗi bình dị mà sao với tôi nó trở nên xa với đến thế? Tôi không có bạn để tâm sự giãi bày. Các bạn gần nhà không ai muốn chơi với tôi. Còn người lớn, có người còn vô tư “trao” những lời đùa chọc ghẹo tôi: “Sóng sánh như bát nước chè. Em đẹp, có đẹp nhưng què một chân” mà đâu biết rằng họ đang giày vò, hành hạ tôi.

 Khi bước vào tuổi hẹn hò, các bạn gái cùng xóm đều có người khác giới đưa đón, hò hẹn trong khi tôi - một cô gái khuyết tật lại chẳng có ai để tâm. Tôi tủi thân vô cùng. Như bao người con gái khác, tôi khao khát có được một tình yêu chân thành, được một người đàn ông quan tâm, yêu thương, chăm sóc. Nỗi mong mỏi ấy khắc khoải cứ lớn dần, lớn dần trong tôi mặc dù biết điều đó khó hơn lên trời.

2. Rồi như định mệnh, tôi đã gặp người đàn ông như hằng mơ ước. Trong một lần đi dã ngoại cùng Câu lạc bộ người khuyết tật, tôi đã gặp được anh. Anh là người đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn và khá tâm lý. Khi tôi đang loay hoay với chiếc xe lăn không biết làm thế nào để lên bậc cao, anh đã xuất hiện giúp đỡ tôi. Anh nhìn tôi với ánh mắt đầy trìu mến và xin tôi số điện thoại để tâm tình. Trong mắt tôi lúc đó, anh chẳng khác nào chàng hiệp sĩ hào hoa.

Tôi thấy mình hạnh phúc vô bờ vì lần đầu tiên được một người đàn ông lạ quan tâm tới thế. Tim tôi bỗng nhảy múa trong lồng ngực. Và rồi, những dòng tin nhắn, những cuộc điện thoại giữa tôi và anh ngày một tăng dần tỉ lệ thuận với tình cảm tôi dành cho anh. Bố mẹ tôi biết vậy, nửa mừng, nửa lo cho đứa con gái tội nghiệp này. Hơn một lần, bố mẹ tôi khuyên tôi phải tìm hiểu kỹ về anh và đừng để tình cảm đi quá xa.

 Tôi đang sống trong sự hạnh phúc vô bờ với sự lâng lâng, bay bổng. Tôi chẳng có tâm trí nào để nhớ lời dạy của bố mẹ cũng như quan tâm anh là người như thế nào, gia cảnh của anh ra sao. Và trong một lần đi chơi, tôi đã trao anh sự trinh trắng mà không chút đắn đo suy nghĩ. Sau đó, chúng tôi đã có một thời gian chung sống cùng nhau như vợ chồng ở khu ký túc xá của trường đào tạo nghề cho người khuyết tật cách nhà tôi hơn năm chục cây số.

3. Rồi, thời gian sau, tôi thấy cơ thể mình khác lạ. Tôi đã kể với anh sự thay đổi ấy. Anh nghe xong nhíu mày như suy nghĩ điều gì đó. Không hiểu sao, từ hôm đó, những cuộc tin nhắn, cuộc điện thoại của anh thưa hẳn. Tôi gọi điện cho anh để xua tan nỗi nhớ nhưng chỉ có những tiếng tút tút kéo dài.

Nỗi nhớ ngày càng khắc khoải, tôi lần theo địa chỉ nơi làm của anh. Khi hỏi về anh, mọi người trong xưởng gỗ lắc đầu bảo anh đã nghỉ chỗ làm cách đây 5 ngày, hiện không biết ở đâu. Người tôi như chao đảo, đôi chân đang chống nạng sụp xuống. Tôi thấy trách mình vô cùng. Bao tháng ngày yêu đương, tôi không hề biết gì về anh ngoài thông tin anh làm ở xưởng gỗ. Bây giờ, anh không làm ở đó, tôi biết tìm anh ở đâu, con tôi sẽ tìm bố nơi nào?

Thời gian đó, tôi hoảng loạn vô cùng. Đang hoang mang về cuộc sống của mình, tôi lại bị một cơn sốc khác. Bố tôi đang khỏe mạnh, bỗng nhiên phát hiện bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối rồi bỏ mẹ con tôi đi. Mẹ tôi vì buồn chuyện tình lỡ dở của con, rồi lại phải xa người chồng yêu dấu nên cũng ốm liệt giường. Tự dưng tôi lại thành chỗ dựa của gia đình. Kinh tế, tinh thần gia đình tôi đã khó khăn lại càng bế tắc hơn.

 Sau cơn vượt cạn đầy trúc trắc, tôi có được một cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu được đặt tên là Khôi. Giấy khai sinh của con tôi vẫn để tên kẻ bội tình ở phần người cha để con lớn lên khỏi tủi với đời. Khỏi phải nói, niềm hạnh phúc của mẹ và tôi lớn đến mức nào. Nhưng cuộc sống kinh tế càng eo hẹp hơn. Nỗi khó khăn chất chồng. Khi một người mẹ đơn thân nuôi con vất vả một thì người mẹ đơn thân khuyết tật như tôi vất vả gấp nhiều lần. Tôi tập tễnh chăm con thơ, chăm mẹ ốm. Chưa kể tới việc phải thức đêm hôm để may vá gia công tại nhà kiếm đồng bạc lẻ sinh nhai. Cả ba thế hệ lần hồi sống.

4. Thế rồi, dường như ông trời muốn thử thách sự chịu đựng của tôi. Sự đau khổ không buông tha tôi. Khi bé Khôi được 2 tuổi, bỗng một ngày, anh xuất hiện trước sự ngỡ ngàng của tôi. Anh nói đã cưới vợ. Nhưng vì anh mắc phải một căn bệnh của nam giới nên anh không có con được nữa. Anh xin tôi được đón bé Khôi về nuôi. Anh bảo sẽ bồi thường tôi 100 triệu đồng.

 Tôi không tin vào tai mình nữa. Con trai tôi là máu thịt của tôi, là cả tuổi trẻ, hạnh phúc, cuộc đời tôi. Tôi và mẹ sống trên đời này cũng vì thằng bé. Làm sao tôi có thể cho vợ chồng anh nuôi và hơn thế, làm sao tôi có thể bán con như lời anh ra giá. Anh coi thường tôi thế sao?

Tôi chua xót, tức giận, dường như sự ấm ức, đau đớn đằng đẵng suốt 2 năm trời được dịp vỡ òa. Tôi lấy hết sức bình sinh giáng cho anh một cái tát thỏa lòng. Anh xoa má, cười nhạt thách thức: “Tôi sẽ làm mọi cách để thằng bé về tay tôi. Người khuyết tật như cô làm sao đủ tư cách, kinh tế mà đòi nuôi. Rồi cô xem, thời gian tới, tôi sẽ đón thằng bé! Cô không giữ được nó đâu!”.

Tôi nghe xong câu đó, tim muốn ngừng đập. Tôi hoang mang, lo sợ ngày nào đó, anh cướp lấy con trai yêu quý nhất của cuộc đời tôi đi. Những ngày qua, tôi không ăn, không ngủ được. Tinh thần và thể chất tôi bị suy sụp hoàn toàn.

Tại sao tôi lại lâm vào hoàn cảnh này? Tôi phải làm gì để được nuôi con mình? Xin mọi người chỉ bảo cho tôi -  người mẹ khuyết tật đau khổ - một con đường...

Hiện tại chị Nga vừa không sợ mất con vừa có quyền yêu cầu bố của đứa trẻ cấp dưỡng

Nghị quyết số 35/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định: “Kể từ ngày 1/1/2001 trở đi, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì tòa án áp dụng Điều 17 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để giải quyết”.

Theo Điều 17 của luật này thì quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn. Theo đó, giữa cha và mẹ của trẻ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con. Cha và mẹ thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của đứa trẻ.

Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định: Về nguyên tắc, con dưới 3 tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Khi áp dụng quy định này, tòa án dựa vào căn cứ quan trọng nhất là tuổi của trẻ để quyết định về việc nuôi con, mà không cần so sánh yếu tố việc làm, thu nhập, nhà ở... giữa các bên. Không những thế, cha của đứa trẻ còn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho mẹ của đứa trẻ để người mẹ có thêm điều kiện nuôi con.

Trường hợp con đủ 3 tuổi trở lên, Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con như sau: “Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên”.

Do đó, trong giai đoạn này, khi con chị Bùi Lê Nga chưa đủ 3 tuổi thì nếu chị muốn tiếp tục nuôi con, bố của đứa trẻ sẽ không thể giành giật quyền nuôi cháu bé. Ngược lại, chị Nga còn có quyền yêu cầu anh ta cấp dưỡng cho chị để chị có thêm điều kiện nuôi con. Giai đoạn cháu bé từ đủ 3 tuổi đến dưới 9 tuổi, nếu chị Nga chứng minh chị có thể đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con thì bố của đứa trẻ cũng không thể giành quyền nuôi con từ tay mẹ. Khi cháu bé từ đủ 9 tuổi trở lên, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con còn phải tính đến nguyện vọng của cháu.

Tâm Giao

Dương Thùy (ghi)

Đọc thêm