Ngôi nhà 5 tầng của chị Minh được xây dựng khang trang, nổi bật trong con hẻm ở quận 4 (TP HCM). Nhà có mặt bằng 56 m2 nên khá thoải mái với gia đình có 3 thế hệ (ông bà, bố mẹ và hai con đang độ tuổi đi học). Giống hầu hết các gia đình ở nhà ống, vợ chồng chị Minh đặt phòng thờ ở tầng 5 để không gian được thoáng đãng, tránh mọi điều kiêng kỵ trong việc bố trí.
Khu thờ cúng nên bố trí ở nơi trang trọng, thuận tiện cho việc thắp hương. Ảnh minh họa:Cát Mộc. |
Cuối năm ngoái, bố chồng chị Minh qua đời nên mọi việc hương khói trong nhà do mẹ chồng chị đảm trách. Phòng thờ trên tầng quá cao nên mỗi lần lên xuống cầu thang là gánh nặng mệt mỏi với cụ bà đã 72 tuổi. Việc chuẩn bị cơm nước, hoa quả để thắp hương lại được chuẩn bị ở bếp dưới tầng một. Các con cháu phải chạy lên xuống nhiều lần mới bưng được hết đồ thờ. Có lúc nhà vắng người, mẹ chồng chị Minh lại phải đi 5 tầng lên xuống, xong việc là rã rời chân tay.
Vợ chồng chị Minh dự tính đưa phòng thờ từ sân thượng xuống tầng một. Như vậy, mẹ chồng của chị Linh cũng đỡ vất vả hơn và không gian thờ cũng không bị lạnh lẽo như hiện tại.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào cải tạo, chị Minh mới thấy một loạt khó khăn lộ ra. Ở tầng một, gia đình sẽ phải bố trí chỗ thờ cúng trong phòng khách chứ không thể có không gian riêng. Mặt khác, theo phương thẳng đứng, ngay phía trên phòng khách là phòng ngủ có cả WC. Gia đình không muốn có giường ngủ hay khu vệ sinh đặt ngay trên nơi trang trọng như phòng thờ.
Sau nhiều lần bàn bạc, cả nhà thống nhất giữ nguyên vị trí phòng thờ tại tầng 5 và lắp đặt thang máy mini. Gia đình phải bỏ ra hơn 300 triệu để lắp chiếc thang có chất lượng khá.
Cũng may là trong nhà vẫn còn giếng trời lớn đủ để bố trí thang máy mini. Ngoài ra, việc lắp đặt này không chỉ thuận tiện cho việc thờ cúng, mà chuyện đi lại giữa các tầng cũng thuận tiện hơn nhiều.
Khác với gia đình chị Minh, nhà anh Toàn (quận Thủ Đức, TP HCM) bố trí phòng thờ ở tầng một ngay khi mới xây. Đất rộng nên anh Toàn chỉ cần xây nhà 2 tầng trên mặt bằng 120 m2 cũng đủ thoải mái cho gia đình 4 người. Tầng một có phòng khách, bếp, bàn ăn với sân vườn bao quanh. Tầng 2 là không gian nghỉ ngơi với 3 phòng ngủ rộng rãi.
Anh Toàn bố trí tủ thờ ở khu vực trang trọng, rộng rãi trong phòng khách. Nhờ vậy, mỗi dịp lễ tết, gia đình có đủ chỗ để bày hết đồ thờ cúng.
Tuy nhiên, một thời gian sau, một người bạn có tìm hiểu về phong thủy tới góp ý gia đình về vị trí đặt tủ thờ. Theo lời anh này, ngay phía trên phòng khách (có đặt chỗ thắp hương) là phòng ngủ lớn của bố mẹ là điều cần tránh. Dù không quá tin vào phong thủy nhưng nghe người bạn nói một hồi, vợ chồng anh Toàn cũng cảm thấy áy náy, bất an.
Bởi vậy, anh chị quyết định dành một phòng ngủ trên tầng 2 làm thành phòng thờ. Hai bố mẹ chuyển sang ở phòng ngủ nhỏ hơn, dành phòng ngủ lớn cho 2 bé (một trai, một gái đang học cấp một). Tuy nhiên, giải pháp này cũng sẽ chỉ tạm thời được trong ít năm. Khi hai bé lớn hơn sẽ phải tách ở phòng riêng.
Bởi vậy, anh chị dự tính sẽ dành tiền để cơi nới thêm tầng 3 để làm phòng thờ. Khi đó, các con sẽ ở phòng riêng như cũ.
Theo KTS Phạm Thanh Truyền, việc bố trí phòng thờ trong nhà phố có diện tích rộng tưởng đơn giản nhưng cũng có nhiều vấn đề rắc rối do một số người quá lo lắng tới chuyện phong thủy.
Thông thường các gia đình hay bố trí bàn thờ trên tầng thượng và nhìn ra sân trước. Tuy nhiên, người hay thăm nom bàn thờ, hương khói thường là người lớn tuổi, nên việc đi lên tầng cao nhất khá vất vả.
Một số gia đình bố trí phòng thờ ngay phòng khách ở tầng một cho ấm cúng, việc thờ cúng cũng dễ dàng hơn. Nhưng nhiều người lại quan niệm không được bố trí giường, bếp, WC trên khu vực này, tạo ra sự hạn chế trong việc thiết kế.
KTS Truyền cho rằng, các gia đình nên cần cân nhắc kỹ và đề đạt mọi nguyện vọng của mình với kiến trúc sư trước khi xây nhà. Đó là hướng đặt bàn thờ, kích thước tủ thờ, diện tích cần thiết, người thường xuyên tham gia việc hương khói...
Trên tất cả, phòng thờ cần được bố trí nơi nào tôn nghiêm nhất trong ngôi nhà, không nhất thiết phải quay hướng bàn thờ ra cửa chính.
Nếu nhà cao trên 4 tầng và không có thang máy, gia chủ nên bố trí khu thờ ở tầng thấp (trong phòng khách, phòng sinh hoạt chung hoặc phòng riêng diện tích vừa đủ). Bàn thờ nên bố trí ở nơi thoáng để hương khói có thể thoát tốt, không quẩn trong nhà. Gia chủ nên hạn chế đặt khu thờ trực tiếp dưới giường ngủ hoặc các khu vực có đặt đường nước.
Nếu gia chủ vẫn muốn bố trí phòng thờ trên các tầng cao thì nên hướng đến tương lai dùng thang máy, chừa sẵn vị trí để lắp đặt thiết bị khi có điều kiện.