Tổng cục Hải quan đề nghị tạm dừng cấp Giấy phép CITES nhập cá tầm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về cơ quan giám định, đồng thời tạm dừng cấp Giấy phép CITES với cá tầm nhập khẩu cho đến khi có cơ quan xác nhận chính xác giống loài, con lai, con thuần chủng đúng với giấy phép CITES của cá tầm nhập khẩu.
Tại một trang trại nuôi cá tầm ở Lâm Đồng. (Hình: Bùi Yên)
Tại một trang trại nuôi cá tầm ở Lâm Đồng. (Hình: Bùi Yên)

Bộ NN&PTNT vẫn chậm ban hành hướng dẫn giám định

Công văn do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ) Mai Xuân Thanh ký, gửi Bộ NN&PTNT, cho biết: Trong quá trình lấy mẫu, phối hợp với các cơ quan khoa học CITES giám định cá tầm nhập khẩu, TCHQ gặp một số vướng mắc.

Ngày 14/5/2021, Bộ NN&PTNT đã có Công văn 2788/BNN-TCTS cung cấp thông tin về đơn vị, tổ chức giám định cá tầm nhập khẩu. Với lĩnh vực thủy sản, Bộ NN&PTNT chỉ định Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật và Viện Nghiên cứu hải sản (Viện NCHS) thực hiện lấy mẫu giám định mẫu vật.

Trên cơ sở chỉ định này, cơ quan hải quan đã phối hợp với hai đơn vị trên lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu. Tuy nhiên, các kết quả giám định của hai Viện không kết luận cụ thể giống loài, con lai hay con thuần chủng của cá tầm nhập khẩu có đúng với tên ghi trên Giấy phép CITES hay không; khiến cơ quan hải quan gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục thông quan các lô hàng đã có kết quả giám định.

Tiếp đó, đến ngày 7/1/2022, Viện NCHS có Công văn 18/VHS-NL gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn thông báo từ chối giám định với mặt hàng cá tầm để hoàn hiện phương pháp phân tích ADN.

Trong khi đó, tại buổi đối thoại giữa các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT (Vụ Pháp chế - Tổng cục Lâm nghiệp, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam - Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN), Viện NCHS) với đại diện các hộ nuôi cá tầm trong nước ngày 28/12/2021, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng TCLN đã kết luận: "Việc định loại chính xác là rất cần thiết, là công cụ kiểm tra hàng hóa của cơ quan hải quan. TCLN giao Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES là đầu mối phối hợp các cơ quan khoa học CITES và đại diện các hộ dân nuôi cá tầm trong nước tiếp tục định loại cá tầm (kết hợp các phương pháp xác định hình thái với ADN)".

Theo đó, để các DN và cơ quan hải quan thực hiện thống nhất, TCHQ đề nghị Bộ NN&PTNT có hướng dẫn cụ thể về cơ quan giám định và phối hợp với cơ quan hải quan trong việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu có phù hợp với giấy phép CITES do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp; và có thuộc danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hay không. Đồng thời cho tạm dừng cấp Giấy phép CITES với cá tầm nhập khẩu cho đến khi có cơ quan xác nhận giống, loài, con lai, con thuần chủng đúng với Giấy phép CITES của cá tầm nhập khẩu.

Lực lượng chức năng kiểm tra cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam.

Lực lượng chức năng kiểm tra cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam.

Vì sao người dân từ chối làm việc với Vụ Pháp chế TCLN?

Trước đó, Báo PLVN có một số bài viết phản ánh, hàng loạt hộ nuôi cá tầm cùng Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng có văn bản, đơn thư đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, TCHQ, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam xem xét khẩn cấp hủy bỏ Công văn xác định mẫu cá tầm của Viện NCHS (Bộ NN&PTNT) ban hành. Lý do, có nhiều nghi ngờ về mặt chuyên môn đã tạo điều kiện cho nhiều lô giống cá tầm xuất xứ từ Trung Quốc dễ dàng vượt qua quy định nghiêm ngặt của CITES để nhập ồ ạt vào trong nước.

Theo người nuôi cá, việc cho thông quan nhiều lô cá tầm này khiến giá bán cá tầm nuôi trong nước rớt thê thảm từ 190 ngàn đồng/kg vào thời điểm đầu năm xuống chỉ còn trên dưới 100 ngàn đồng/kg thời điểm cận Tết Nguyên đán. Việc cho một lượng lớn cá tầm sai chủng loại nhập vào trong nước dẫn đến có dấu hiệu gian lận thương mại và vi phạm Công ước CITES.

Sau khi PLVN có bài viết, Viện NCHS đã có văn bản thông báo tạm dừng việc nhận mẫu trưng cầu giám định với mặt hàng cá tầm trong thời gian hoàn thiện phương pháp phân tích ADN. Theo lý giải của Viện NCHS, hiện cơ quan này chỉ xác định loài cá tầm bằng phương pháp hình thái. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện khuyến nghị của Cơ quan CITES quốc tế, Viện NCHS đang phải tiến hành hoàn thiện phương pháp phân tích xác định loài cá tầm bằng phương pháp ADN.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau đó Bộ NN&PTNT vẫn chậm trễ trong việc ban hành hướng dẫn cụ thể; nên các hộ nuôi cá tầm trong nước tiếp tục có đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ. Ngày 15/2, TCLN tiếp tục có giấy mời đại diện Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh Lâm Đồng làm việc để làm rõ các nội dung đơn mà Hiệp hội này gửi Thủ tướng. Tuy nhiên, phúc đáp lại, Hiệp hội thông báo không tham gia theo thư mời nói trên.

Lý do từ chối, theo đại diện Hiệp hội này, là do 2 buổi làm việc trước đó với TCLN (cuộc họp ngày 23/12/2021 do bà Phan Thị Thanh Hằng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì; và cuộc họp ngày 28/12/2021 do ông Phạm Văn Điền, Phó Tổng cục trưởng TCLN chủ trì) về các đề xuất của người nuôi cá trong nước việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc sai so với giấy phép CITES Việt Nam cấp; nhưng cho đến nay quyền lợi chính đáng của người dân không được bảo vệ.

“Thậm chí, kết luận cuộc họp ngày 28/12 vì lý do nào đó không được thông báo cho Bộ Tài chính và TCHQ khiến cá tầm có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được thông quan dù không có giám định của cơ quan khoa học CITES. Hệ quả là cá tầm Trung Quốc bán tràn ngập thị trường trong nước làm cho người nông dân chúng tôi càng điêu đứng cơ cực”, đại diện Hiệp hội nêu ý kiến.

Đọc thêm