Tổng kết 5 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý

Hôm qua (12/12), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 

Hôm qua (12/12), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Phó Chánh án TANDTC Từ Văn Nhũ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành và đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ.

Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, Cục trưởng Cục TGPL Tạ Thị Minh Lý cho biết, tính đến nay công tác TGPL đã gặt hái được nhiều thành tích. Cụ thể, mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL ngày càng được phát triển, kiện toàn theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, bám sát dân, đáp ứng nhu cầu TGPL tại chỗ của người nghèo và đối tượng chính sách, với 63 Trung tâm TGPL nhà nước, 161 Chi nhánh, 6.462 Câu lạc bộ TGPL. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên được tăng cường về số lượng.

Nhờ vậy, sau 5 năm đã có trên 500 nghìn lượt người được TGPL và hơn 4 triệu lượt người được hướng dẫn, phổ biến, giáo dục pháp luật.  “TGPL không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác mà còn góp phần giữ vững ổn đỉnh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển” – bà Lý khẳng định.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường ghi nhận những bước phát triển và những kết quả đạt được trong 5 năm triển khai Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật như nhận thức về công tác TGPL nói chung và quyền được TGPL của người dân nói riêng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân ở một số địa phương còn hạn chế; các quy định của pháp luật về TGPL chưa đồng bộ với pháp luật về tố tụng và một số lĩnh vực pháp luật khác; sự tham gia thực hiện TGPL của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật của các đoàn thể, tổ chức xã hội rất hạn chế…

Vì vậy, Bộ trưởng Hà Hùng Cường mong muốn, thông qua Hội nghị, những giải pháp mang tính đột phá sẽ được đề xuất để trong thời gian tới tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật TGPL.

Thục Quyên

Đọc thêm