TP HCM: Ẩn họa từ “quả bom lửa” trong khu dân cư

(PLO) - Hai năm trở lại đây, TP HCM đã xảy ra hơn 1.400 vụ cháy, trong đó, có 21 vụ cháy lớn, cháy nghiêm trọng về tài sản làm 16 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 590 tỷ đồng. Trong số các vụ cháy này, nguyên nhân chủ yếu là do sự cố chập điện, chiếm tỷ lệ trên 66% tổng số vụ cháy.  
Hiện trường một số vụ cháy tại TP.HCM.

Nỗi đau từ những vụ hỏa hoạn

Cách đây gần 3 tháng, nhiều căn nhà nằm sâu trong hẻm 56 đường An Bình quận 5, TP HCM bất ngờ bốc cháy, ngọn lửa nhanh chóng lan sang các nhà bên cạnh khiến hàng chục người dân đang sống ở khu vực này hoảng loạn, thoát thân ra ngoài. Do hẻm nhỏ, lực lượng chữa cháy đã phải dùng vòi nước dài để nối vào sâu trong hẻm, đám cháy cơ bản được dập tắt.  Lo ngại người dân còn ở bên trong bị ngạt khói, gần 10 chiến sĩ đã đeo mặt nạ, bình oxy vào trong nhà kiểm tra. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người, nhưng nhiều căn nhà bị cháy, thiệt hại về tài sản chưa thể thống kê. 

Đau lòng nhất là phải kể đến vụ hỏa hoạn xảy ra lúc gần về sáng 10/6 năm nay, 4 người trong gia đình bị thiệt mạng trong lúc đang ngủ do sự cố chập điện tại ổ cắm phía sau tủ lạnh ở tầng trệt ngôi nhà trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP HCM. “Tầm hơn 4 giờ tôi dậy có gọi lính cứu hỏa, thấy căn nhà kế bên là tiệm sửa xe nên tôi có phụ giúp người ta đẩy xe ra ngoài khoảng hai mấy chiếc cùng với mấy người em. Lúc đó chúng tôi chỉ biết đứng nhìn thôi, chứ lửa lan rộng quá! Lúc đó có xe cần cẩu chạy ngang qua thấy cháy, người dân xung quanh nhờ kéo cửa kéo ra, mọi người chưa biết có người trong nhà. Khoảng một lúc sau có nghe bà cụ ra ngoài, mới biết là bên trong có 4 người” - anh Vũ Trương Thanh Hải bàng hoàng kể lại. 

Ngoài các sự cố cháy nổ do chập điện, rò rỉ điện, bình gas, đáng lo ngại nhất là các cơ sở kinh doanh, sử dụng hoá chất xen cài trong khu dân cư, các khu công nghiệp lớn, nhà cao tầng, các khu nhà trọ với các lối đi nhỏ, chằng chịt dây điện, đây là mối hiểm họa về nguy cơ cháy nổ cao và mất an toàn về sức khỏe đối với người dân sống quanh khu vực này. 

Nguy cơ đến từ nhiều nguồn

Mới đây, khi kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, sử dụng hoá chất trên địa bàn quận Bình Tân, lực lượng chức năng nhận thấy, bên ngoài kho, xưởng tại đây hầu hết chưa có biển báo “cấm lửa”, “cấm hút thuốc”; biển ghi ký hiệu chất chữa cháy. Các kho chứa, cơ sở sản xuất, sử dụng hóa chất dễ cháy, nổ chưa tuân theo các quy định về cự ly an toàn. Các cấp bậc chịu lửa của công trình và việc bố trí giao thông đi lại của người và phương tiện chưa đúng qui định, thiếu trang bị đầy đủ các phương tiện và chất chữa cháy thích hợp, phương tiện bảo vệ cá nhân chống độc khi chữa cháy… 

Tại các khu nhà trọ cho người lao động và sinh viên thuê ở quận 7, 8, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân… hàng trăm nhà trọ nhỏ lẻ, giá rẻ tự phát, xen lẫn trong khu dân cư. Các hẻm vào khu nhà trọ này thường là đường nhỏ, hẹp, sâu hun hút, các lối thoát nạn đều không có, xe máy và các vật dụng khác lại cản trở lối đi. Các phòng trọ nơi đây đều có diện quá nhỏ, từ 12 đến 25m2. Toàn bộ dụng cụ sinh hoạt đều được sắp xếp trong diện tích này. Các vách ngăn phòng đều làm bằng vật liệu dễ cháy như vách tôn, vách ván, giấy dầu bằng giấy, vải, nhựa...

Nguy hiểm hơn là đa số các phòng trọ đều sử dụng gas để đun nấu. Có phòng còn sử dụng bình gas mi ni đã qua sử dụng không đủ độ an toàn cần thiết có thể dẫn đến cháy, nổ khí gas, thậm chí nổ bình gas mi ni. Tuy nhiên, hầu hết mọi người ở đây đều thiếu kỹ năng xử lý các tình huống khi có sự cố cháy nổ. Thậm chí, nhiều công nhân còn không biết số điện thoại khẩn cấp gọi cứu hỏa là 114. 

Đại tá  Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM cũng khuyến cáo người dân: “Chỉ trông mong vào lực lượng cảnh sát PCCC chúng tôi không thì chưa đủ, mà đòi hỏi ý thức của người dân trong việc lựa chọn các thiết bị điện, câu mắc điện, việc kiểm tra kiểm soát của ngành điện, quản lý thị trường tại các chợ, khu vực và kinh doanh mua bán, giúp đỡ cho người dân hiểu được các loại thiết bị điện để đảm bảo an toàn trong câu mắc điện”. 

Bình Chánh có hơn 1000 hecta đất rừng, hơn 2.000 cơ sở sản xuất, 3 khu công nghiệp lớn là Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc, Tân Tạo, những nơi này nếu xảy ra cháy nổ thì thiệt hại vô cùng thảm khốc, nguy cơ cháy lan, cháy lớn cũng rất cao. Trong khi đó, nguồn nước để chữa cháy tại đây còn thiếu, đường sá giao thông đi lại còn bất tiện cản trở cho công tác chữa cháy. Ý thức được tầm quan trọng của việc “phòng” hơn “tránh”, Cảnh sát PCCC tại đây thường xuyên nhắc nhở các công ty xí nghiệp, tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ cho người lao động. 

Đặc biệt, trong mùa mưa bão, ngập nặng, các thiết bị điện có khả năng bị rò rỉ, chập mạch gây cháy nổ là rất lớn. Vụ trụ điện nổ như pháo hoa tại Gò Vấp, TP HCM sau cơn mưa ngày 28/9 là một đơn cử. Vì vậy, Cảnh sát PCCC lưu ý người dân ngoài việc kiểm tra, thay thế các thiết bị không đảm bảo an toàn, như dây dẫn điện phải đi vào ống bảo vệ, lắp đặt các thiết bị đóng ngắt tự động để đề phòng điện quá tải và chập mạch điện, cần chú ý đến hàng hóa, vật dụng sinh hoạt, sắp xếp gọn gàng, cách xa các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt. Mọi người cần trang bị cho gia đình, bản thân kiến thức về PCCC để thoát nạn và hỗ trợ người khác khi có sự cố xảy ra. 

Đọc thêm